Bệnh sốt xuất huyết khiến 18 bệnh nhân tử vong từ đầu năm 2017
VOV.VN - Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận khoảng 60.000 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó 18 trường hợp tử vong.
Hôm nay (26/7), tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận khoảng 60.000 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó 18 trường hợp tử vong. Riêng 2 tuần cuối tháng 7, ghi nhận 4 bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết. Trong khi đó, loại muỗi vằn truyền bệnh này đẻ trứng trong nguồn nước sạch, rất khó kiểm soát trong mùa mưa.
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội). |
Trường hợp tử vong do sốt xuất huyết gần đây nhất là một cháu bé 8 tuổi ở quận Hà Đông. Bệnh nhi này được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng rất nặng. Đây là bệnh nhân thứ 4 ở Hà Nội và cũng là bệnh nhân thứ 18 trong cả nước tử vong do sốt xuất huyết.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, nảy nở và dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng chống sốt xuất huyết, tức là cấp trên thì chỉ đạo ráo riết, còn chính quyền và người dân nhiều địa phương thì chủ quan, lơ là, thậm chí tuyên truyền và triển khai các biện pháp chưa đúng. Không ít nơi hô hào khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường, trong khi đó, muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết lại đẻ trứng trong nước sạch.
Ông Trần Đắc Phu nói thêm: “Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là và sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa… không đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối”.
Nếu tính tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân ở nước ta thì có xu hướng giảm và thấp hơn so với một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, dịch sốt xuất huyết năm nay bùng phát mạnh và tập trung ở 10 tỉnh thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, trong đó Hà Nội có số ca mắc dẫn đầu miền Bắc và đứng thứ 3 trong cả nước. Đây là những địa phương có lượng lớn các công trình xây dựng-nơi có nhiều dụng cụ chứa nước sinh hoạt và nước mưa, là nơi muỗi đẻ trứng, sinh sôi nảy nở, phát tán khắp nơi. Thành phố Hà Nội vừa qua phát hiện tại những bãi phế thải có tới 12.000 lốp ô tô bên trong chứa nước mưa và các ổ bọ gậy.
Bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng nên tại nhiều bệnh viện, bệnh nhân phải nằm ghép. |
Phó Giáo sư Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khuyến cáo: “Phải đậy kín dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Nếu là bể to, không có nắp nào đậy được thì phải thả cả vào để cá ăn bọ gậy, không cho nở thành muỗi gây bệnh.
Thứ 2 là việc phun thuốc trong phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết là rất cần thiết để tiêu diệt nhanh gọn đàn muỗi đó, ngăn chặn sự lây truyền bệnh. Nhưng đây chỉ là biện pháp nhất thời và chỉ diệt được muỗi trưởng thành. Biện pháp lâu dài là diệt lăng quăng, bọ gậy. Vì nếu hôm nay chỉ diệt muỗi không diệt lăng quăng, bọ gậy, ngày hôm sau bọ gậy sẽ thành con muỗi mới”.
Cũng theo Bộ Y tế, hiện nay virus gây bệnh sốt xuất huyết chưa có biến đổi gì. Type virus gây bệnh tại miền Bắc chủ yếu là type D1, còn tại miền Nam là type D2. Chỉ một số điểm ở Hà Nội có tình trạng muỗi kháng nhẹ với hóa chất do Bộ Y tế cung cấp. Bệnh sốt xuất huyết sẽ nguy hiểm nếu xuất hiện trên cơ địa là trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người mắc bệnh mãn tính… do hệ miễn dịch kém. Những trường hợp tử vong gần đây đều rơi vào trẻ nhỏ và người lớn mang bệnh lý sẵn có./.
Sở Y tế tỉnh Tiền Giang thông tin, từ đầu năm, tỉnh đã phát hiện hơn 1.400 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 1.400 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, đã có 2 ca đã tử vong trên địa bàn huyện Châu Thành và Chợ Gạo. Nguyên nhân xảy ra tử vong do gia đình đưa bệnh nhân nhập viện trễ, bệnh diễn biến quá nặng. Đáng lưu ý, từ đầu tháng 7 đến nay, địa phương này có số ca bệnh sốt xuất huyết tăng gần 200% so cùng kỳ năm ngoái. (Nhật Trường/VOV - ĐBSCL) Nhìn bệnh nhân sốt xuất huyết sắp chết, bác sĩ bất lực!
Xuất hiện nhiều ca sốt xuất huyết biến chứng nguy hiểm
Sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp ở Đông Nam Bộ
Ghi nhận gần 17.000 ca sốt xuất huyết trong tháng qua
TP HCM còn nhiều nguy cơ gia tăng sốt xuất huyết