Các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên thiệt hại nặng nề do mưa lũ
VOV.VN -Mưa lớn kéo dài trong mấy ngày qua đã gây thiệt hại lớn ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Tại Đắk Lắk đã có 1 người chết và hàng nghìn người phải di dời.
** Sáng nay (5/11), tại tỉnh Phú Yên lượng mưa đã giảm, mực nước trên các sông đang xuống. Tỉnh đang tập trung lực lượng khắc phục hậu quả và cứu trợ những vùng đang bị cô lập.
Trước mắt, tỉnh Phú Yên ưu tiên khắc phục các tuyến đường giao thông bị sạt lở, khôi phục lưới điện, nước sinh hoạt tại các vùng lũ ở huyện Đồng Xuân, Tuy An. Đồng thời, huy động lực lượng dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các vùng nước đã rút ở thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, tổ chức lực lượng cứu trợ những vùng còn bị cô lập.
Mưa lớn gây ngập lụt ở TP Nha Trang, Khánh Hòa (Ảnh: VnExpress) |
Đến trưa nay nhiều khu dân cư ở huyện miền núi Đồng Xuân vẫn còn bị cô lập. Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Đồng Xuân cho biết, vẫn còn 3 xã là Phú Mỡ, Xuân Quang 1 và Đa Lộc với hơn 4.000 hộ dân đang bị cô lập, huyện đang tập trung cứu trợ các hộ dân ở đây. (Thái Bình/VOV-Miền Trung)
** Phú Yên: Tôm hùm chết hàng loạt, thiệt hại nặng nề do mưa lũ
Từ đêm qua đến sáng nay (5/11), tôm hùm nuôi của người dân thị xã Sông Cầu chết hàng loạt do mưa lũ, khiến người nuôi bị thiệt hại nặng nề. Hôm nay, các làng nuôi tôm hùm ven đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu trở nên xơ xác. Nhiều người thẫn thờ bên các lồng nuôi tôm hùm. Chỉ cách đây mấy ngày, mỗi lồng tôm trị giá cả hàng chục triệu đồng, thế nhưng sau trận lũ ngày 3/11, tôm hùm chết hàng loạt.
Nhiều gia đình mất trắng vì tất cả lồng tôm chết sạch. Tôm hùm đã dến kỳ thu hoạch, giá tôm sống từ 1,2-1,5 triệu đồng mỗi ký nay tôm chết đành đổ bỏ, những con còn sống yếu ớt thì người dân năn nỉ thương lái thu mua với giá rẻ mạt.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, ở thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu cho biết, ông nuôi 10 lồng tôm đã được 7 tháng, chi phí hết gần 300 triệu đồng, chưa kịp gọi người đến bán thì tôm đã chết sạch. Ông Lộc đành gom nhặt một số con còn sống để bán vớt vát.
Từ năm 2007 đến nay, đây là lần thứ 3 tôm hùm nuôi tại thị xã Sông Cầu bị chết hàng loạt. Nguyên nhân chính là do lượng nước ngọt xuống nhiều khiến đầm Cù Mông bị nhiễm ngọt. Tôm hùm bị yếu dần, bỏ ăn, long đầu và chết hàng loạt.
Những ngày vừa qua, nhìn màu nước đầm Cù Mông từ trong xanh chuyển sang màu đục nhiều người nuôi lòng đau như xát muối nhưng đành bất lực. Ông Nguyễn Văn Ca, ở xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu cho biết, do nước lớn nên người dân không thể ra dỡ lồng, lặn xuống bắt tôm. Chỉ khi nước rút ra kiểm tra thì tôm đã bắt đầu chết.
Thị xã Sông Cầu hiện có 16.000 lồng nuôi tôm hùm, đây là nơi có diện tích nuôi tôm hùm lớn nhất nước ta. Hiện nay, số lượng tôm chết chưa thể thống kê cụ thể. Người dân đã lường trước hậu quả nước lũ tràn về nhưng lại không có nơi nào để di chuyển tôm đi.
Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết: “Tôm rất khó di chuyển, vì đặc điểm của đầm Cù Mông khi triều xuống thì mực nước rất thấp; thượng lưu là lưu vực Thạch Khê rất lớn. Nên khi nước ngọt tràn ra ra biển qua đầm Cù Mông, tổng lượng nước ngọt chiếm gần hết. Tất cả các hộ nuôi tôm đều thị thiệt hại”./. Thái Bình/VOV-Miền Trung
** Trước tình hình ảnh hưởng của mưa lũ và áp thấp nhiệt đới, tại Bình Thuận, việc đảm bảo an toàn hồ đập và xả lũ đang được đặc biệt quan tâm. Vừa đảm bảo xả lũ vừa đảm bảo tích trữ nước thủy lợi đủ sử dụng cho thời gian tới là giải pháp đang được tính toán.
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai kiểm tra các công trình thủy lợi tại Bình Thuận |
Trong sáng nay, hồ thủy lợi Sông Quao nằm trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đã chứa 73 triệu khối, đạt 100% dung tích thiết kế. Nước đã đầy, do vậy để tránh nguy cơ lũ đầu nguồn đổ về gây vỡ hồ, công tác ứng trực điều tiết nước đang được tích cực tiến hành.
Tỉnh Bình Thuận có 16 hồ chứa thủy lợi và hai hồ thủy điện. Nguồn nước tích vào các hồ chứ hiện rất lớn. Hiện, tổng lượng nước tích trữ trong hệ thống thủy lợi trên toàn tỉnh đã hơn 215 triệu m3, đạt hơn 99,4%.
Một số hồ chứa tích nước xấp xỉ đạt mực nước dâng. Riêng hồ thủy điện Đại Ninh đã chứa gần 92,9% và hồ thủy điện Hàm Thuận chứa hơn 93,3% dung tích. Các đơn vị quản lý hiện đang theo dõi và cập nhật các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, diễn biến tình hình mưa lũ để tích và xả hồ chứa theo quy trình vận hành.
Các hồ chứa xuống cấp, hư hỏng có nguy cơ mất an toàn cao như: Tân Lập, Tà Mon, Trà Tân, Sông Quao, Hộc Tám, Đá Bạc, Cẩm Hang... luôn có người túc trực, thường xuyên quan trắc, theo dõi, chuẩn bị sẵn vật tư, thiết bị, sẵn sàng khắc phục nếu có sự cố xảy ra.
Nước tích trữ về hồ thủy lợi Sông Quao đang ở mức 73 triệu m3 |
Ông Đức Anh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Thuận cho biết, các đơn vị quản lý hệ thống hồ chứa đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nơi có hồ chứa, thông báo kế hoạch xả lũ hồ chứa và cảnh báo cho người dân vùng hạ du biết để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân; đồng thời thực hiện tốt phương án phòng chống lũ lụt ở hạ du hồ chứa.
Sáng nay, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình ứng phó thực tế tại Bình Thuận.
Qua kiểm tra tại một số hồ chứa và các điểm xung yếu, ông Tỉnh cho biết: “Chúng tôi đánh giá địa phương rất chủ động, sâu sát trong việc chỉ đạo ứng phó. Trong đó, chúng tôi cũng đề nghị địa phương theo dõi sát diễn biến của thời tiết để điều tiết nước một cách hợp lý nhất. Tập trung quan tâm an toàn hồ đập, an toàn cho người dân và tài sản của vùng hạ du”.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, hôm nay tại Bình Thuận tiếp tục có mưa vừa và mưa to tại nhiều nơi. Do vậy, công tác điều tiết nước đảm bảo an toàn hồ đập và an toàn cho các vùng hạ du đang trở nên hết sức cấp thiết. (Việt Quốc/VOV-TP HCM)
* Đắk Lắk: Hàng nghìn người dân phải di dời
Mưa lớn kéo dài trong mấy ngày qua đã gây thiệt hại lớn ở tỉnh Đắk Lắk. Hiện đã có 1 người chết và hàng nghìn người phải di dời. Cùng với chính quyền và ngành chức năng, một số nhóm công tác xã hội đang tích cực hoạt động, giúp đỡ bà con vùng lũ.
Xã Chư Ea Lang, huyện Ea Kar bị cô lập |
Theo Văn phòng UBND huyện Ea Kar, nước lũ đã gây ảnh hưởng đến hầu hết các xã trong huyện, nhiều tuyến đường liên xã bị ngập sâu. Riêng xã Chư Ea Lang đang bị cô lập, hàng nghìn người dân phải di dời đến trường học và trụ sở UBND xã.
Ngoài một người chết do nước lũ cuốn trôi trong khi đi đánh cá, ở huyện Ea Kar đã có 500 căn nhà bị ngập, khoảng 200 ha ngô chuẩn bị thu hoạch và 50 ha lúa đã mất trắng, nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Trước mắt, UBND huyện đã cứu trợ 500 thùng mỳ tôm và gạo cho những hộ bị cô lập.
Cùng với chính quyền và ngành chức năng, một số nhóm công tác xã hội đang có nhiều hoạt động giúp đỡ bà con vùng lũ. Anh Phạm Mạnh Hùng, thành viên Câu lạc bộ Kết Nối Trẻ Eakar cho biết đã quyên góp được 200 thùng mì tôm,1.000 chai nước và một quần áo cũ để giúp đỡ người dân bị cô lập./. (Quốc Học/VOV-Tây Nguyên)
** TP HCM: Tất cả tàu, thuyền đã vào bờ tránh áp thấp nhiệt đới
Trước đợt áp thấp nhiệt đới có diễn biến phức tạp như hiện nay, các sở, ngành và chính quyền 24 quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều phương án, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Trước cơn áp thấp có khả năng ảnh hưởng đến thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện triển khai ngay các phương án để chủ động đối phó với cơn áp thấp này.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố phối hợp với chính quyền địa phương tại các huyện Nhà Bè, Cần Giờ khẩn trương thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền đang hoạt động. Các tàu thuyền đã vào bờ cũng được sắp xếp chỗ neo neo đậu an toàn.
Chính quyền các địa phương ven biển của thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chuẩn bị phương án huy động vật tư, phương tiện, lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa, sẵn sàng sơ tán người dân khi cần thiết đến nơi an toàn.
Chiều qua (4/11), Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và lực lượng Bộ đội Biên phòng rà soát lại toàn bộ phương tiện đánh bắt xa bờ, ngư dân trên địa bàn huyện để thực hiện các biện pháp phòng tránh áp thấp nhiệt đới, đảm bảo an toàn cho bà con./. (Thành Trung/VOV-TP HCM)