Có nên hủy kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia với thí sinh gian lận?
Thí sinh không có tội, kết quả điểm chấm thẩm định của các em phải được ghi nhận, như vậy mới nhân văn chứ không nên triệt tận cùng.
Đó là ý kiến tranh luận của nhiều chuyên gia giáo dục về việc có nên hủy kết quả chấm thi tốt nghiệp THPT quốc gia với thí sinh gian lận điểm thi năm 2018 hay không?
GS.TS Nguyễn Đình Đức. |
Gian lận chỉ 1 môn cũng phải hủy kết quả thi
GS.TS Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban Đào tạo – ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, gian lận điểm thi năm 2018 là một sự việc nghiêm trọng trong ngành giáo dục, đã làm xói mòn niềm tin của nhân dân. Tôi rất buồn.
Với tư cách là người thầy, theo tôi không nên công khai tên của thí sinh vì chưa có kết luận của cơ quan điều tra là ai tham gia gian lận, phụ huynh hay thí sinh.
GS Đức cho rằng, thông thường đối với các kỳ chấm phúc tra bài thi, khi có xác xuất thay đổi thì kết quả chấm cuối cùng được công nhận. Thí sinh dùng kết quả đó để xét tốt nghiệp, xét tuyển đại học.
Tuy nhiên, với các trường hợp sửa, nâng điểm thi vừa qua mà Bộ GD&ĐT đã công bố thì rõ ràng những bài thi này đã gian lận.
“Một bài thi đã gian lận thì toàn bộ kết quả thi đó phải được hủy bỏ vì đã vi phạm quy chế thi, không trung thực. Kết quả đó không đáng tin cậy. Do đó, buộc thí sinh phải thi lại kỳ thi THPT quốc gia. Như vậy, kỳ thi mới nghiêm túc, mới đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh trong công tác thi cử” - GS Đức nhấn mạnh.
Theo GS Đức, trước đây trong kỳ thi "3 chung", Quy chế thi quy định rất rõ: Thí sinh có hành vi gian lận như thi hộ, thi kèm sẽ bị xử lý ở mức cao nhất là tước quyền dự thi 2 năm. Đáng tiếc, trong quy chế thi THPT quốc gia theo hình thức thi trắc nghiệm, chúng ta lại chưa có điều này.
Chính vì thế, GS Đức kiến nghị, Bộ GD&ĐT cũng cần phải bổ sung quy định mới xử phạt theo hình thức gian lận trên. Cần phải có hướng dẫn tiếp theo trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng. |
Cần cho thí sinh cơ hội
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng Hà Nội, những ai gian lận thì phải chịu trách nhiệm về hành vi gian lận của mình. Nhưng ở đây gian lận sửa điểm thi là do bố mẹ, do người khác chứ không phải do các thí sinh thuê người sửa, mặc dù kết quả thi là của các em đó.
TS Lâm cho rằng, không nên hủy tất cả kết quả thi của thí sinh vì kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT đã trả về điểm thực. Trong trường hợp này, phải xem các em có gian lận hay không? Nếu chứng minh được kết quả thi không phải của các em thì hủy.
“Ở đây cần phân biệt, cần kiểm tra cả 2 khâu là khâu tốt nghiệp và khâu xét tuyển đại học. Nếu điểm thực không đủ đỗ tốt nghiệp thì đương nhiên hủy kết quả thi của thí sinh nhưng với trường hợp điểm thực đỗ đại học thì phải cho các em học, đó là quyền của các em. Ai sai đến đâu thì người đó phải chịu trách nhiệm chứ không đổ lỗi người này sang người kia được, đó mới là công bằng. Tôi tán thành cách xử lý của các trường đại học vẫn cho thí sinh gian lận điểm thi được theo học vì điểm thực đủ điểm trúng tuyển” - TS Lâm nhấn mạnh.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, trường THPT Lương Thế Vinh – Hà Nội. |
Còn theo thầy giáo Trần Mạnh Tùng, trường THPT Lương Thế Vinh – Hà Nội, việc xử lý bài thi ở đây phải theo quy chế thi. Nếu nghi ngờ kết quả thi thì phải chấm thẩm định và phải tôn trọng kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT, để thí sinh nào đủ điểm học đại học vẫn được học.
Nếu làm thẳng thừng, đánh đồng, xử lý một cách tận diệt với thí sinh gian lận điểm thi là hủy kết quả thi THPT quốc gia thì có em sẽ bị thiệt, oan uổng. Có thể các em đó không biết mình bị can thiệp điểm, ví dụ thí sinh được 20 điểm, bố mẹ can thiệp sửa lên 25 điểm, khi chấm lại phải công nhận điểm thi thực cho các em.
Khi hủy kết quả kỳ thi, phải chứng minh thí sinh đó vi phạm như thế nào? như trường hợp mang tài liệu, mang điện thoại vào phòng thi thì quá rõ ràng.
"Tôi đồng tình với quan điểm xử lý một cách an toàn của Bộ GD&ĐT. Với sai phạm trong chấm thi, Bộ GD&ĐT chỉ có thể chấm thẩm định và công nhận kết quả đó. Những sai phạm khác phải là bên công an điều tra làm; Trường hợp bố mẹ chạy điểm hay can thiệp khác vào bài thi của thí sinh thì phải xử lý một cách nghiêm khắc, tận cùng để phòng trừ sai sót về sau. Nếu xử lý cầm chừng chắc chắn sẽ không hiệu quả” - thầy Tùng nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Đình Đức: Tăng cường siết chặt quy chế để tránh gian lận
Hiện nay, mặc dù Bộ cho phép các trường đại học có đề án tuyển sinh riêng nhưng về cơ bản các trường đại học lớn vẫn dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Chính vì thế, sự nghiêm túc của kỳ thi, chất lượng đề thi hết sức quan trọng. Các khâu về đề thi, coi thi, chấm thi, xét tuyển đều phải chỉn chu.
Trong thi "3 chung" trước đây, sai phạm chỉ có mình thí sinh hoặc cấu kết vài đối tượng để gian lận nhưng với hình thức kỳ thi trắc nghiệm qua máy tính, những người tham gia tổ chức thi có thể tác động tới bài thi nên dẫn đến hiện tượng tiêu cực như vừa qua. Thí sinh được nâng điểm nhưng chính thí sinh có thể không biết.
Đây chính là khâu phải tập trung tăng cường trong quy chế, phải giám sát, chặt chẽ từ khâu con người đến các thiết bị công nghệ cao để giám sát những người tham gia tổ chức thi từ coi thi cho đến chấm thi.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT phải lựa chọn những người làm công tác coi thi, chấm thi là những cán bộ có kinh nghiệm, có chuyên môn để hiểu lỗ hổng chỗ nào để kịp thời có giải pháp chống tiêu cực. Tôi biết, Bộ GD&ĐT đang sửa đổi quy định cho kỳ thi năm nay.