Đà Nẵng: Môi trường tại âu thuyền Thọ Quang ô nhiễm trầm trọng
VOV.VN - Âu thuyền Thọ Quang, TP Đà Nẵng là nơi neo trú tàu thuyền lớn nhất khu vực miền Trung tuy nhiên môi trường ở đây đang bị ô nhiễm trầm trọng.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng diễn ra từ nhiều năm nay, chính quyền thành phố vẫn đang loay hoay với các giải pháp xử lý ô nhiễm nhưng vẫn chưa khắc phục được. Hàng ngày, hang giờ, người dân nơi đây vẫn phải sống chung với rác thải và mùi hôi.
Mỗi ngày gần chục lượt công nhân Công ty môi trường đô thị thu gom nhưng vẫn không xử lý hết lượng rác thải tồn đọng tại âu thuyền Thọ Quang. |
Ông Phạm Thanh ở Tổ 41, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng bức xúc: “Tình trạng rác tại âu thuyền Thọ Quang này, nhiều khi mưa gió, lụt lội, bao nhiêu thứ rác trôi ngập vào bờ kè này làm ô nhiễm môi trường”.
Cũng tại khu vực này, nước thải từ các nhà máy chế biến thủy sản chưa được xử lý triệt để, từ cảng cá và hàng trăm tàu cá đều xả thải thẳng ra âu thuyền. Nơi neo đậu tàu thuyền biến thành bãi xú uế. Ông Phạm Thanh, ở tổ 41, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cho biết: mùi hôi tanh nồng nặc tại khu vực âu thuyền Thọ Quang khiến người dân địa phương khốn đốn từ nhiều năm nay.
Năm 2013, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng nhận bàn giao Trạm xử lý nước thải Thọ Quang từ Công ty Quốc Việt. Đơn vị này đã cải tạo, nâng cấp một số hạng mục như: bể sục khí, bể lắng, bể khử trùng, mái che gom khí, hệ thống xử lý mùi cho bể kỵ khí…
Ông Nguyễn Lê Hoài Minh, Trạm trưởng Trạm xử lý nước thải Thọ Quang cho biết: hiện tại Trạm mới chỉ thu gom, xử lý từ 2.000 đến 3.000m3/ngày đêm nước thải công nghiệp từ 25 doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản trong Khu Công nghiệp- Dịch vụ thủy sản Thọ Quang. Năm 2013, nâng cấp hệ thống xử lý khí tại bể gom. Năm 2014, làm mái che bể gom để ngăn khí và hút khí để xử lý. Tiếp theo đó, công ty cải tạo hệ thống xử lý tại bể khí, đấu nối trực tiếp qua bể gom để xử lý bậc hai. Từ đó tiến tới, khí ở đây đã được xử lý hoàn toàn triệt để.
Nói là vậy, nhưng trên thực tế, việc kiểm soát xả thải từ các cửa xả từ các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản vẫn chưa chặt chẽ. Với diện tích gần 60 ha, Âu thuyền Thọ Quang là một vũng kín, không có dòng chảy lưu thông nên tình trạng ô nhiễm môi trường càng trở nên trầm trọng hơn.
Nước từ cống xả thải ra âu thuyền Thọ Quang. |
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng cho biết: “Thành phố đã có quyết định khống chế ô nhiễm xả thải của các doanh nghiệp trước khi thải ra hệ thống thu gom để đưa về nhà máy xử lý. Khi khống chế được độ ô nhiễm của các doanh nghiệp thì nhà máy xử lý nước thải không bị xốc thải như những năm trước”.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thừa nhận, tình trạng ô nhiễm môi trường tại âu thuyền Thọ Quang là điểm nóng tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa được thành phố giải quyết triệt để.
Trước thực trạng này, Thành phố Đà Nẵng đã quyết định đầu tư nâng cấp Trạm xử lý nước thải Sơn Trà với công suất 10.000 m3/ngày đêm để giải quyết tình trạng ô nhiễm về lâu dài cho khu vực này. Sau khi xây dựng xong nhà máy xử lý nước thải Sơn Trà. Dự kiến khoảng tháng 3, tháng 4/2016 sẽ hoàn thành, bài toán thu gom, xử lý nước thải tại Âu thuyền Thọ Quang sẽ được giải quyết từ 80 đến 90 phần trăm.
Để giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang, cùng với việc đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải Sơn Trà, hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải của Dự án hạ tầng ưu tiên tại Khu công nghiệp thủy sản dịch vụ Thọ Quang, cũng cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc kiểm tra, kiểm soát việc xả thải của các nhà máy và tàu thuyền tại khu vực này./.