Họp HĐND tỉnh Bình Thuận: Nóng chuyện phá rừng và ô nhiễm môi trường
VOV.VN -Tình trạng phá rừng và ô nhiễm môi trường là hai vấn đề nóng được các đại biểu chất vấn tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa IX.
Trưa nay (22/7), kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa IX. Tình trạng phá rừng và ô nhiễm môi trường là hai vấn đề nóng được các đại biểu chất vấn tại kỳ họp này.
Kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa IX. |
Trả lời chất vấn của các đại biểu về nguyên nhân tình trạng phá rừng nghiêm trọng ở một số huyện trong tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận giải trình: Do địa hình vùng giáp ranh trải dài, đồi núi cao chia cắt hiểm trở, lâm tặc manh động, trong khi lực lượng bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng thiếu công cụ hỗ trợ; thế nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Chuyện cán bộ trong ngành có móc nối với lâm tặc phá rừng hay không nằm ngoài tầm thanh tra của Sở. Do vậy, hồ sơ các vụ phá rừng nghiêm trọng đã được chuyển sang Công an tỉnh điều tra, xử lý.
Đối với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại huyện Tuy Phong do Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết thường xuyên theo dõi tình hình và đã nhiều lần đề nghị Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có biện pháp khắc, ổn định cuộc sống người dân.
Ngang nhiên chở gỗ trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình vào chiều 21/7. |
Cũng theo phản ánh của cử tri, thời gian qua các dự án khai thác titan ven biển do không được quản lý chặt chẽ đã để lại hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với các sở, ngành và các địa phương liên quan tăng cường kiểm tra các đơn vị thực hiện việc đóng cửa mỏ, hoàn phục môi trường sau khai thác.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận cho biết, đối với giấy phép đang khai thác yêu cầu phải lập phương án cải tạo phục hồi môi trường theo đúng quy định. Trường hợp các đơn vị không cải tạo phục hồi môi trường, kiên quyết xử lý kịp thời theo quy định. Nếu các đơn vị cố tình kéo dài thời gian không hoàn thổ, san lấp, phục hồi môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh cần áp dụng các biện pháp buộc hoàn thành việc cải tạo môi trường theo đúng thời gian quy định và có biện pháp cưỡng chế thi hành./.