Dân bức xúc vì cầu thu phí không xác định thời hạn
VOV.VN -Theo người dân địa phương, khi cầu Rạch Ráng được xây dựng thì có thời hạn thu phí nhưng nay không xác định được thời gian thu phí là không phù hợp.
Cầu dân sinh Rạch Ráng bắc qua sông ông Đốc để thông tuyến đường từ trung tâm thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) ra Quốc lộ 1A.
Gia đình ông Đoàn Văn Phương (xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) làm nghề buôn bán gạo ngay gần cầu Rạch Ráng. Hằng ngày, mỗi xe chở gạo của gia đình qua lại ông phải trả phí 90.000 đồng. Những công việc thường ngày như đưa đón con đi học, đi chợ,... ông đều phải qua cầu này với giá 6.000 đồng cả đi và về bằng xe gắn máy. Tính bình quân mỗi ngày ông phải trả khoảng 200 – 300 ngàn đồng phí qua cầu.
Doanh nghiệp đầu tư Cầu dân sinh Rạch Ráng được thu phí theo tuổi thọ của cầu.
Theo ông Phương, ban đầu khi xây dựng cầu nghe nói thu phí 10 năm. Sau đó, do đội vốn, thời gian thu tăng lên nhưng không biết chính xác thu tới chừng nào. Hiện nay nhà đầu tư cũng đã thu phí được khoảng 8 năm. Bà con nơi đây cũng nhiều lần có ý kiến để biết chừng nào mới ngưng thu phí nhưng vẫn chưa được trả lời rõ ràng.
Ông Đoàn Văn Phương nêu cụ thể: "Mỗi ngày chúng tôi đi qua cầu không biết bao nhiêu lần. Lúc đầu nghe có thời hạn mà bây giờ không thời hạn. Sau thời gian thu phí 7 – 8 năm mọi người mới có ý kiến. Thời điểm xây cây cầu thu phí không thời hạn tại sao không công bố cho dân biết. Các ban ngành cần xem xét lại, trả lời cho dân hiểu để khỏi bức xúc".
Nhưng tuổi thọ của cầu không được xác định dẫn đến bức xúc của người dân. |
Còn anh Trần Văn Tuấn, người dân thường xuyên qua lại cầu Rạch Ráng cho biết, cầu Rạch Ráng nối liền Quốc lộ 1A để vào trung tâm thị trấn Trần Văn Thời. Đây không phải là tuyến đường độc đạo nhưng là tuyến đường tốt nhất để ra TP Cà Mau. Đặc biệt, muốn qua lại các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước,.. thì người dân phải đi qua cầu này. Do đó, hằng ngày lượng xe lưu thông qua cầu rất nhiều. Nhưng khổ nhất là những người dân sống lân cận hai bên cầu. Gia đình anh Tuấn chẳng bán buôn gì nhưng mỗi ngày qua lại cũng phải mất đến vài chục ngàn.
Anh Tuấn cho rằng, việc xã hội hóa, vận động doanh nghiệp xây cầu đáp ứng nhu cầu qua lại của người dân là rất tốt. Tuy nhiên, việc thu phí không xác định thời hạn là vô lý: "Kinh tế khó khăn thì xã hội hóa là vấn đề đúng đắn. Nhưng xã hội hóa thì phải có thời hạn. Cầu này thu phí không thời hạn bà con đi lại tốn kém bao nhiêu tiền. Thử hỏi thu phí như vậy ai hưởng lợi".
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Tấn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết: UBND huyện nhiều lần tiếp nhận ý kiến của người dân, làm rõ vấn đề thu phí Cầu dân sinh Rạch Ráng bao lâu.
Tuy nhiên, vấn đề này không thuộc thẩm quyền của huyện. Liên quan vấn đề này, vừa qua, UBND huyện cũng đã làm việc với ngành chức năng tỉnh và được biết nhà đầu tư được thu phí theo tuổi thọ của cầu. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo phải làm rõ và Sở Giao thông Vận tải đang thực hiện việc xác định tuổi thọ của cầu.
Ông Trần Tấn Công cho biết: "Nhiều lần cử tri đã đặt ra vấn đề này. Đất là do Sở Tài nguyên - Môi trường cho thuê 20 năm. Chưa xác định được thu phí tới thời gian nào thỉ nghỉ. Hiện Sở Giao thông – Vận tải đang thuê tư vấn xác định tuổi thọ cây cầu".
Cầu dân sinh Rạch Ráng được đầu tư theo hình thức doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư và thu phí. Công trình này do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Liêm Duyên Hải làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 15 tỷ đồng. Cầu được đưa vào sử dụng từ tháng 7/2010. Sau khi tiếp nhận thông tin cầu dân sinh Rạch Ráng được thu thu phí theo tuổi thọ và hiện chưa xác định được tuổi thọ của cầu kéo dài bao lâu người dân địa phương đang rất bức xúc. Ngành chức năng tỉnh Cà Mau cần nhanh làm rõ và có câu trả lời cho người dân./.
Dân mòn mỏi chờ xây cầu mới qua sông Thu Bồn tại Quảng Nam
Khảo sát xây cầu ở nơi học sinh chui túi nilon vượt suối lũ đến trường