Dân mòn mỏi chờ xây cầu mới qua sông Thu Bồn tại Quảng Nam
VOV.VN - Đã có nhiều phương án đặt ra cho việc sửa chữa, xây mới cầu Hà Tân đang bị hỏng nặng tại huyện Duy Xuyên, nhưng tất cả vẫn còn nằm trên giấy.
Cầu Hà Tân bắc qua sông Thu Bồn kết nối giao thông các xã vùng Đông của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng được hơn 20 năm. Đến tháng 10/2017, cây cầu bị hỏng nặng. Đã có nhiều phương án đặt ra đối với việc sửa chữa, xây mới cầu Hà Tân nhưng hiện vẫn còn nằm trên giấy.
Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, UBND huyện Duy Xuyên buộc phải đổ bê tông chặn hai đầu cầu, đồng thời làm cầu tạm về phía hạ lưu để người dân đi lại. Liệu phương án này có khả thi?
Cầu Hà Tân bị sụt lún nghiêm trọng.
Cầu Hà Tân được đưa vào sử dụng từ năm 1994, dài 300m, rộng 5m, trọng tải cho phép 6 tấn. Cây cầu kết nối các tuyến giao thông huyết mạch tại các xã vùng Đông của huyện Duy Xuyên với phố cổ Hội An. Theo thời gian, do lượng nước từ thượng nguồn đổ về quá lớn, cộng với việc có quá nhiều xe vận tải lớn lưu thông qua cầu, khiến trụ cầu bị lún, dầm xô lệch, mặt cầu bị gãy đôi.
Bà Thái Thị Sanh, ở thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên cho biết, năm ngoái sau khi phát hiện cầu sụt lún, chính quyền xã đã thuê thuyền vận chuyển người dân qua lại, nhưng sau đó không thấy thuê nữa. “Cầu ni sập sệ ri đây mà không thấy quan tâm để làm cây cầu cho nhân dân họ đi. Nhân dân bức xúc quá đi. Mỗi lần đi là mỗi lần cực khổ. Học sinh thì mưa gió phải nghỉ chớ không đi học được. Nhờ ở trên nghiên cứu cách sao để làm cây cầu cho nhân dân đi thuận tiện”, bà Thái Thị Sanh nói.
Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, khi cầu Hà Tân gặp sự cố, UBND huyện đã có báo cáo chi tiết gửi các sở, ngành và UBND tỉnh Quảng Nam. Ban đầu, tỉnh cho phép sửa chữa, không làm mới.
Tuy nhiên, UBND huyện Duy Xuyên đề xuất làm mới cầu Hà Tân theo hướng mở rộng mặt cầu lên 7m, đón đầu xu hướng phát triển ở các xã vùng Đông của huyện Duy Xuyên, cũng như kết nối giao thông với thành phố Hội An, với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng. Sau khi khảo sát thực địa, địa chất, thủy văn cũng như định hướng phát triển nên Sở Giao thông - Vận tải và UBND huyện Duy Xuyên đề xuất phải thiết kế lại cầu có khổ thông thuyền cao cho tàu thuyền du lịch và tàu đánh cá công suất lớn có thể ra vào trú tránh bão dễ dàng.
Đến cuối tháng 8/2018, UBND huyện Duy Xuyên tiếp tục đề xuất thay đổi thiết kế cầu Hà Tân, đáp ứng thông thuyền, phù hợp với cao độ khu dân cư đang sống hai bên đầu cầu, đảm bảo phát huy hiệu quả sử dụng lâu dài.
Chính quyền đổ bê tông hai bên đầu cầu ngăn không cho người qua lại, nhưng hằng ngày vẫn có hàng chục em học sinh qua lại nơi này.
Học sinh tiểu học của huyện Duy Xuyên cố gắng đưa xe đạp qua vách ngăn bê tông.
Đến nay, UBND tỉnh cũng đã thống nhất điều chỉnh, bổ sung quy mô xây dựng cầu Hà Tân, khổ thông thuyền cấp V, bề rộng cầu 8m (tăng lm so với chủ trương được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 6/2018), với tổng mức đầu tư lên khoảng 75,5 tỷ đồng.
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tỉnh đã thống nhất rồi, nhưng về quy trình thủ tục, chủ trương đầu tư thì phải xin ý kiến Hội đồng nhân dân để thống nhất triển khai. Sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất chủ trương về nguồn vốn thì tỉnh sẽ phê duyệt chủ trương rồi sau đó sẽ phê duyệt dự án. Quy trình hiện nay đang làm theo bước điều chỉnh. Những lý do như vậy nên công trình triển khai chậm, người dân rất bức xúc”.
Theo dự kiến, đến tháng 1/2019 thì mới khởi công xây dựng lại cây cầu Hà Tân, trong khi mùa mưa bão đang đến rất gần. Người dân trong xã đề nghị UBND huyện Duy Xuyên tạm thời cho cắt bê tông hai bên đầu cầu, làm dàn sắt bắc qua mặt cầu Hà Tân bị đứt gãy, sụt lún để cho xe máy, xe đạp qua lại tạm thời vào mùa mưa bão. Bởi nếu sử dụng thuyền để vận chuyển xe, công nhân và học sinh qua lại sông rất nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Nguyễn Sáu, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đề nghị: “Khó khăn nhất hiện nay của địa phương là việc lưu thông đi lại. Bởi vì trước đây địa phương có làm cây cầu tạm, huyện hỗ trợ kinh phí nhưng khả năng khi lũ đến thì cây cầu tạm này phải tháo dỡ. Điều quan trọng nhất bây giờ đề nghị với huyện xin chủ trương cho làm dàn sắt băng qua nhịp lún đó để tạo điều kiện cho xe Honda lưu thông”./.