Từ năm học 2006-2007, trước áp lực quá tải phương tiện giao thông vào giờ cao điểm, ngành Giáo dục – Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã triển khai đề án thực hiện lệch ca, lệch giờ cho các bậc từ tiểu học đến trung học phổ thông.
|
Lệch ca, đường vẫn tắc (Ảnh Tiền Phong) |
Theo báo cáo của ngành Giáo dục – Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, sau 10 năm thực hiện đề án lệch ca, lệch giờ tại tất cả 24 quận, huyện, đến nay, tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường đã được cải thiện rõ rệt.
Các trường còn chủ động phối hợp điều chỉnh lệch giờ giữa các khối lớp, giữa các trường trong cụm trên các tuyến đường trọng điểm nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Cùng với đó là nhiều cách làm hiệu quả đã được các trường thực hiện như: thành lập tổ tự quản về trật tự giao thông, phân bố địa điểm phù hợp để phụ huynh đưa đón con, dựng biển cấm ô tô tại nhiều khu vực đông đúc…
Theo ông Nguyễn Văn Gia Thụy, Phó trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục – Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, nhờ có sự chung tay của nhiều đơn vị liên quan, việc tổ chức lệch ca đã phát huy tác dụng.
“Tình trạng ùn tắc giao thông vào những giờ cao điểm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giờ đây đã giảm rõ rệt. Hiện nay tại các cổng trường không còn tình trạng ùn tắc. Nếu có chỉ là ùn ứ tại một số cổng trường. Hầu như các trường đều có sự vào cuộc của Ban giám hiệu với công an phường và lực lượng dân quân tự vệ để quản lý vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Gia Thụy nói.
Thế nhưng ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, sau 10 năm triển khai, đề án lệch ca, lệch giờ vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Trước hết, khung giờ điều chỉnh chưa thực sự phù hợp với phần lớn cán bộ, công nhân viên chức hiện nay.
Trong khi giờ tan học của học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông giao động từ 16h45' đến 17h15' thì 17h, cán bộ, công nhân viên chức mới tan ca. Chưa tính đoạn đường di chuyển, cách bố trí hiện tại đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Ông Lê Hoài Trung nói: “Đối tượng chúng ta điều chỉnh là phụ huynh học sinh. Yêu cầu đi sớm đã hợp lý nhưng yêu cầu đón học sinh sớm thì công chức có con phải đi về sớm chứ không ai đón con mình. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương hành chính ở các cơ quan, đơn vị”.
Cũng theo ông Lê Hoài Trung, việc tiếp tục kéo dài một đề án mang tính trước mắt sau 10 năm thực hiện mà không có hướng đổi mới thì rất khó thành công.
Đổi mới cần thực hiện bài bản, đồng bộ với hệ thống các giải pháp giải quyết vấn nạn giao thông của thành phố, tránh tình trạng hiệu quả cho mình mà ảnh hưởng đến người khác.
Ngoài ra, cũng cần nhìn nhận lại vấn đề quy hoạch trường học, quy hoạch giao thông, làm sao để học sinh được học gần nhà, chủ động sử dụng phương tiện giao thông công cộng thì mới mong giảm tải phương tiện thực sự.
Theo Tiến sĩ Dư Phước Tân, Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, để đề án phát huy tốt hiệu quả, ngành Giáo dục – Đào tạo thành phố phải quan tâm nhiều hơn đến khâu tuyên truyền, đặc biệt là đối tượng phụ huynh.
Với những trường hợp cố ý đậu xe sai nơi quy định, các mức phạt cần được áp dụng nhằm tăng tính răn đe, tránh để tình trạng vi phạm trở thành thói quen.
Ngoài ra cũng cần kiên quyết dẹp bỏ các gánh hàng rong, một trong những tác nhân ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông trước cổng trường. Thế nhưng, trước mắt cần nghĩ tới việc thu hẹp phạm vi tác động của đề án để nâng cao hiệu quả và đã làm là phải quyết liệt.
“Chúng ta mong đợi giảm ùn tắc trên tuyến đường. Nhưng thật ra trên các tuyến đường như chúng ta phân tích thì có nhiều tác nhân khác gây ùn tắc. Trong đó có khối lao động tự do đi lại và hầu hết ngày nào, giờ nào cũng có tình trạng ùn ứ chứ không chỉ giờ cao điểm. Cho nên, chúng ta chú trọng tăng cường các giải pháp giảm ùn tắc trước cổng trường đã là thành công”, Tiến sĩ Dư Phước Tân nêu quan điểm.
Cùng với những giải pháp mạnh mẽ hơn từ phía nhà trường, ông Hoàng Phúc Dũng, Phó trưởng Phòng Quản lý giao thông đường bộ, Sở Giao thông - Vận tải TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ngành giáo dục thành phố cũng cần siết lại vấn đề cam kết đảm bảo trật tự giao thông tại các trung tâm ngoại ngữ, cơ sở giáo dục văn hóa ngoài giờ hay các trường quốc tế. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các cơ sở này cũng góp phần gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Ông Hoàng Phúc Dũng nói: “Trong quá trình hoạt động nếu trung tâm nào để xảy ra tình trạng ùn tắc mà không xử lý, cơ quan có thẩm quyền hoặc chính quyền địa phương phải có biện pháp cứng rắn hơn. Nếu đơn vị quản lý nào cũng ỡm ờ thì việc ùn tắc cục bộ hoặc ùn ứ như các báo cáo đề cập vẫn sẽ diễn ra thường xuyên”.
Ngành Giáo dục – Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục triển khai đề án lệch ca, lệch giờ trong thời gian tới. Điều mà nhiều người mong đợi là các bên liên quan sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp và điều chỉnh kịp thời nhằm hạn chế những tồn tại hiện có, giúp phát huy tốt nhất hiệu quả của đề án này./.