Đồng Nai: Ngang nhiên khai thác đất trái phép
VOV.VN -Tại tỉnh Đồng Nai, thời gian gần đây xuất hiện nhiều khu vực khai thác đất trái phép ngang nhiên hoạt động, để lại nhiều hệ lụy, gây bức xúc dư luận.
Tại ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, một mỏ đất trái phép đã hoạt động suốt nhiều tháng nay. Từ nguồn tin của người dân, phóng viên đã tiếp cận khu vực khai thác và chứng kiến cảnh các loại máy xúc, ô tô tải liên tục đào đất chở đi. Có những lúc xe xúc hoạt động hết công suất nhưng vẫn không kịp, nhiều ô tô phải xếp hàng chờ đến lượt. Cả một vạt đồi rộng mênh mông đã bị khoét sâu, để lại những “bức tường đất” cao hàng chục mét.
Khai thác đất tại ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom. |
Nhận hàng xong, đoàn xe rầm rập đưa đất đến một điểm tập kết cách điểm khai thác không xa, một số đưa đi tiêu thụ. Đáng nói, con đường đoàn xe chạy cách trụ sở UBND xã Hố Nai 3 không bao xa. Mỗi ngày hàng trăm lượt xe tải ra vào khiến con đường bụi mù mịt, kèm theo nguy cơ tai nạn giao thông.
Một người dân ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom bức xúc: "Người ta thường thường khai thác đất ở trong khu này vào thứ 7 và chủ nhật. Xe chạy cả ngày, bụi mù mịt mà không thấy cơ quan chức năng nào lên tiếng xử lý".
Cũng theo người dân, mỏ đất này hoàn toàn trái phép, các đối tượng thường lợi dụng những ngày cuối tuần để tiến hành hoạt động khai thác. Tình trạng này diễn ra từ cuối năm 2018, nhưng đến nay vẫn hoạt động ngang nhiên mà không thấy sự can thiệp của chính quyền địa phương.
Ông Lê Văn Bá, cán bộ địa chính xã Hố Nai 3 thừa nhận, tình trạng khai thác đất trái phép tại ấp Thái Hòa là có thật, chính quyền xã đã nắm được sự việc. Thời gian qua, địa phương đã tiến hành kiểm tra, xử lý, yêu cầu chủ phương tiện dừng hoạt động khai thác đất trái phép. Thế nhưng, việc phát hiện, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn, bởi các đối tượng thường thực hiện vào các ngày cuối tuần.
Một điểm khai thác đất trái phép khác nằm ở ấp Đức Thắng 2, xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Theo người dân ở đây, một số người ở nơi khác đến mua đất đồi của người địa phương với giá rẻ, sau đó ngang nhiên đưa thiết bị máy móc vào xẻ đồi mang đất đi bán. Khu mỏ này cũng hoàn toàn không có giấy phép.
Mỗi ngày, một máy xúc cỡ lớn và hàng chục xe ben liên tục múc đất đưa đến các nơi có nhu cầu san lấp mặt bằng. Hệ quả là một khu vực rộng lớn bị đào xới nham nhở, gây bức xúc cho người dân. Chính quyền xã Túc Trưng cũng thừa nhận, việc khai thác đất ở khu vực ấp Đức Thắng 2 là khai thác lậu, không có giấy phép. Từ tin báo của người dân, đơn vị chức năng đã xác định được vị trí khai thác đất trái phép nằm tại khu đất có số tờ 34 và 44, số thửa 111.
Việc khai thác đất lậu quy mô lớn là rõ ràng, thế nhưng bà Ngô Thị Mỹ Dung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Túc Trưng lại cho rằng việc khai thác trái phép không đến mức ngang nhiên, chỉ có một vài xe chạy lợi dụng ban đêm và cuối tuần.
Thời gian gần đây, nhu cầu về đất san lấp của người dân tăng cao, lợi nhuận từ việc múc đất đem bán không hề nhỏ, do đó các đối tượng khai thác đất lậu tìm mọi cách để khai thác, thu lợi. Những mỏ khai thác đất trái phép có quy mô không hề nhỏ, hoạt động một cách ngang nhiên, rầm rộ gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến đất canh tác./.
Kon Tum: Nhiều dấu hỏi sau việc phát hiện khai thác đất sét trái phép
Người dân Quảng Bình ồ ạt khai thác đất đem bán