Gắp viên sỏi nặng 1,5 kg ra khỏi bàng quang bệnh nhân
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật lấy viên sỏi bàng quang nặng 1,5 kg cho một bệnh nhân bị sỏi bàng quang trên 10 năm.
Ngày 27/5, Bác sỹ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng Khoa Ngoại niệu, Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ cho biết: Đơn vị vừa phẫu thuật lấy viên sỏi bàng quang cực “khủng” cho một bệnh nhân bị sỏi bàng quang trên 10 năm.
Các BS đang phẫu thuật lấy viên sỏi bàng quang "khủng" ra khỏi người bệnh nhân B. (ảnh do các BS cung cấp) |
Bệnh nhân là ông N.V.B (51 tuổi, trú tại phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Theo lời ông B., ông bị tiểu đau, tiểu gắt hơn 10 năm nay, nhưng không đi khám và chưa từng điều trị bệnh. Gần đây, do đau tức vùng hạ vị, tiểu khó gay gắt hơn nên ông đến bệnh viện khám. Sau khi thăm khám, các BS Khoa Ngoại niệu yêu cầu ông nhập viện mổ cấp cứu vì sỏi quá “khủng” có thể gây biến chứng.
Các BS đã siêu âm, chụp CT- Scan chẩn đoán sỏi bàng quang quá lớn nên phải mổ hở mới lấy được. Ê kíp mổ đã lấy ra một viên sỏi kích thước 6x15 cm, nặng 1,5 kg từ bàng quang của bệnh nhân B. Sau mổ, ông B. đã tỉnh táo và đang được chăm sóc tại Khoa Ngoại niệu.
Viên sỏi bàng quang "khủng", với trọng lượng 1,5kg trong người bệnh nhân B. (ảnh do BS cung cấp) |
Theo BS Lộc, đây là trường hợp sỏi bàng quang to rất hiếm gặp do bệnh nhân không đi khám bệnh nên không được phát hiện điều trị. Thông thường các trường hợp sỏi bàng quang rất dễ phát hiện qua siêu âm khi còn nhỏ, bệnh nhân có triệu chứng tiểu gắt, buốt vùng hạ vị cần đi khám ngay. Khi phát hiện sỏi còn nhỏ, có thể gắp sỏi hoặc tán sỏi qua nội soi đơn giản hơn.
Trường hợp sỏi quá “khủng” như bệnh nhân B. nếu không điều trị dễ gây biến chứng nhiễm trùng đường tiểu hoặc suy thận rất nguy hiểm./.