Lát đá 11 tuyến phố cổ Hà Nội: Chỉ để làm đẹp thì không phù hợp!
VOV.VN - Nếu lát đá chỉ để “làm đẹp” tuyến phố cổ, thì theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, trong thời điểm này là không phù hợp.
Những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về việc lát đá tại 11 tuyến phố nằm trong khu vực bảo tồn cấp 1 phố cổ.
Mặc dù đây là phương án nhằm chỉnh trang phố cổ, làm đẹp cho bộ mặt Thủ đô, nhưng nhiều ý kiến người dân và các chuyên gia chưa đồng thuận với đề xuất này vì cho rằng chưa phù hợp và lãng phí trong thời điểm hiện nay.
Phố Tạ Hiện đã được lát đá |
Là người dân gắn bó với con phố này hàng chục năm nay, ông Phạm Ngọc Hà cho biết, việc lát đá xanh tự nhiên có làm cho đường phố trông đẹp hơn, khách du lịch đến đây cũng tỏ vẻ thích thú. Tuy nhiên, người dân sống ở đây quá ngán ngẩm vì nhiều bất tiện và kể cả nguy hiểm xảy ra ở con đường lát đá.
Vào những ngày mưa hoặc nồm ẩm, mặt đường đá trơn trượt, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, và thực tế là nhiều người đã bị ngã xe. Do người dân 2 bên đường chủ yếu kinh doanh hàng ăn, uống, mặt đường lát đá lại không hấp thụ và tiêu nước thải từ các hàng quán vỉa hè nhanh như mặt đường nhựa, nên đoạn đường này luôn trong cảnh bị ướt, bẩn, khác hẳn với những con phố xung quanh. Ngoài ra, những hôm trời nắng, oi bức, mặt đường tỏa nhiệt rất nóng, người dân lại phải dội nước ra đường.
Ông Phạm Ngọc Hà cho biết: “Nhà nước đầu tư làm thêm 10 tuyến phố nữa thì cũng có cái lợi và cái bất lợi. Nếu nói về phố Tạ Hiện này, từ đoạn nhà tôi đến ngã tư kia cũng đã thường xuyên xảy ra tai nạn. Trong khi đó, mật độ đi lại ở đây rất ít, thứ 6, thứ 7 và chủ nhật lại cấm xe máy nữa. Nếu làm các tuyến đường khác còn có rất nhiều ô tô đi vào, rất nhiều ô tô thì không biết độ an toàn, độ lâu bền như thế nào, chắc chắn là cũng sẽ xảy ra tai nạn, còn nguy hiểm hơn”.
11 tuyến phố danh sách đề xuất lát đá gồm phố Tạ Hiện (đoạn từ ngã tư Hàng Bạc đến ngã tư Lương Ngọc Quyến và đoạn từ ngõ Đào Duy Từ đến Hàng Buồm), phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy, Đào Duy Từ. Đây là các tuyến phố nằm trong khu vực bảo tồn cấp 1 khu phố cổ, được tổ chức thành các phố đi bộ vào cuối tuần (có giờ cố định vào chiều thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật). Ngoài ra, các phương tiện giao thông vẫn sử dụng đường bình thường.
Theo nhiều người dân sinh sống tại các tuyến phố này, việc lát đá là không cần thiết. Một số người dân nói: “Tôi thấy là đây là việc làm không cần thiết, gây tốn kém và lãng phí”; “Tôi thấy không nên lát đá vì đây vẫn là đường đi của xe cộ chứ có phải chỉ đi bộ không đâu. Hẳn là đi bộ riêng thì mới lát đá chứ ở đây, ô tô, xe máy vẫn chạy ầm ầm thế này thì lát đá làm gì cho tốn kém”.
Băn khoăn, đó là tâm trạng của nhiều chuyên gia trước đề xuất lát đá mặt đường 11 tuyến phố cổ Hà Nội. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh đặt câu hỏi, mục đích của việc lát đá là gì, có tạo nên vẻ đặc sắc hơn cho phố cổ hay không? Lát đá có làm cho việc đi lại thuận tiện, an toàn hơn không? Các nhà chức trách có tính đến việc lát đá để sau này 11 tuyến phố chỉ dành riêng cho người đi bộ hay không? Lợi ích đem lại sau dự án lát đá này là gì?
Nếu lát đá chỉ để “làm đẹp” đường phố, thì theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, trong thời điểm này là không phù hợp: “Ở đường phố Hà Nội, nhà cứ thò ra thụt vào, khập khiễng, việc người dân lấn chiếm vỉa hè, có những can thiệp tùy tiện thì đồng bộ hóa bằng đá để làm phố đi bộ cũng sẽ đẹp hơn, chỉ có điều là làm đẹp như thế rất tốn kém, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như thế này. Mỗi một dự án thì bao giờ cũng phải đặt lợi ích về kinh tế - văn hóa lên hàng đầu chứ không chỉ là về thẩm mỹ. Bởi vì lúc này đất nước và thành phố Hà Nội chưa phải lúc để trang hoàng một cái gì đó chỉ để đơn thuần là đẹp hơn”.
Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Ngô Doãn Đức cho rằng, chỉnh trang phố cổ là việc làm cần thiết, nhưng cần xét về thứ tự ưu tiên. Lát đá mặt đường 11 tuyến phố cổ đã thực sự là ưu tiên số 1 của khu vực này hay chưa? Đầu tư kinh phí làm đường bằng vật liệu đá cũng chưa phải là tối ưu.
Những con đường lát đá có thể rất đẹp ở các đô thị lớn châu Âu với những công trình, quảng trường nguy nga, lộng lẫy…Nhưng học tập phương Tây để lát đá khắp 11 tuyến phố cổ Hà Nội trong là hết sức khập khiễng.
Ông Ngô Doãn Đức nhận định: “Tôi nghĩ cứ cho là bền vững, tốt lắm mà đổ bộ làm nhiều tuyến phố thì rất quan ngại. Đừng vội vã chuyện này. Còn chỉnh trang, tiến tới cái tốt hơn là đương nhiên, nhưng phải có nghiên cứu rõ ràng, phải có chuyên môn, thể hiện được nguyện vọng chung. Còn nói về con đường thì không hẳn lát đá hết là tốt, mà còn phải đi không bị vướng, không bị cản trở, còn những bài tính về giao thông nữa. Trong những con phố mà đã cân nhắc để ưu tiên thực hiện, thì phải ưu tiên thứ tự các vấn đề. Vì hiện nay chỗ vệ sinh, chỗ dừng chân cho người già, trẻ em còn chưa có, trong khi kinh phí lại đổ bộ đi lát mặt đường đá thì tôi cho là chưa trúng”.
Sau khi UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan như Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải kiểm tra, nghiên cứu.
Rõ ràng, đây là chuyện liên quan đến việc quản lý, chỉnh trang, bảo tồn khu phố cổ mang nét đặc trưng riêng của Thủ đô Hà Nội, vì vậy, cần có sự cân nhắc kỹ và lấy ý kiến rộng rãi từ giới chuyên môn cũng như người dân trước khi quyết định đầu tư xây dựng, tránh triển khai vội vã dẫn đến lãng phí và gây bức xúc dư luận./.