Lũ lớn ở Lai Châu: Chỉ mong tìm được bố để ấm lòng người ở lại
VOV.VN -"Buồn nhất là bố tôi vẫn mất tích, gia đình chỉ mong tìm lại được bố về cho ấm lòng người ở lại”.
Trong đợt mưa lũ lần này ở Lai Châu, huyện Tam Đường là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất, khi cơn lũ lịch sử đã nhấn chìm toàn bộ 4 trang trại nuôi cá hồi của người dân. Và đau buồn hơn, khi chủ nhân của một trong số trại cá nơi đây đã bị cơn lũ dữ cuốn đi cùng với toàn bộ tài sản của gia đình, để lại cho gia đình một nỗi đau tột cùng.
Suối Chu Va ngày thứ hai sau cơn lũ dữ vào sáng ngày 24/6 vẫn ngổn ngang bùn đất, hoang tàn. Toàn bộ hơn 140 tấn cá tầm, cá hồi thương phẩm và cá giống của người dân không còn một con sống sót. Những con cá còn lại trong bể cũng chết trương phềnh trong sự đau sót của các gia đình, cũng như các cơ quan chức năng đang làm công tác khắc phục nơi đây.
Ngồi thất thần trong nhà lán trống hoác chỉ còn vài cái cột và một mảng tường nứt trong khu trại cá, anh Dương Hải Long, con trai nạn nhân chủ trại cá bị mất tích cho biết: Toàn bộ tài sản của gia đình đã theo dòng lũ đi hết, giờ chẳng còn gì. Ngay cả hai chiếc xe con và xe tải của gia đình cũng bị ngập nước, hư hỏng. Giờ gia đình chỉ mong tìm lại được bố về cho ấm lòng người ở lại.
Anh Dương Hải Long cho biết, khoảng 30 tấn, 40kg cá giống, tương đương với 10 vạn con, nhà cửa, ao chuôm và xe ô tô bị lũ cuốn, ngập, thiệt hại rơi vào khoảng 8 đến 10 tỷ đồng.
“Buồn nhất là bố tôi vẫn mất tích, gia đình cũng đang phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm nhưng cũng chưa tìm được” – anh Hải Long buồn rầu chia sẻ.
Chú thích ảnh |
Dòng suối Chu Va thác lũ vẫn gầm rú, những tảng đá lộc cộc đập vào nhau dưới lòng suối như sát thêm muối vào lỗi đau của người dân Chu Va. Những hình ảnh dòng nước lũ đỏ ngầu, đột ngột ập xuống từ đỉnh núi Hoàng Liên Sơn vẫn còn hiện hữu trong tâm trí của người dân nơi đây. Lần đầu tiên trong lịch sử con suối Chu Va có lũ to đến vậy, nó nhấn chìm biết bao tài sản của người dân.
Trên khuôn mặt thất thần vì chết hụt, anh Phan Văn Minh, một người dân bản Chu Va 12, xã Sơn Bình cho biết, gần 20 năm sinh sống ở đây, chưa bao giờ anh thấy lũ về nhanh và to đến vậy. Dòng nước suối Chu Va vốn thấp hơn mặt đường quốc lộ gần chục mét, đột nhiên dâng cao chỉ trong vài phút nhấn chìm cả một đoạn đường dài. Người dân sinh sống quanh đó chạy toán loạn lên sườn núi, người đang tham gia giao thông trên tuyến cũng bỏ xe chạy lấy người. Hơn một giờ đồng hồ khi cơn lũ đi qua, mặt đường quốc lộ chỉ còn những tấm áp phan bị lột lên nham nhở, lẫn trong những tảng đá hộc.
Anh Phan Văn Minh cho biết: “Lũ về quá nhanh, chúng tôi ở trong nhà khi chạy ra ngoài đã thấy ngập hết đường rồi. Đoạn đường này cao, nhưng nước tràn lên ngập cả đường và cầu, khu nuôi cá cũng bị sạt tắc đường không thể lên được. Số lượng cá tầm, cá hồi của bà con bị thiệt hại rất là nhiều”.
Trong đợt mưa lũ lần này tại Lai Châu, Tam Đường là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất về tài sản. Trọng tâm là tuyến đường quốc lộ huyết mạch 4D nối Lai Châu với Lào Cai và thiệt hại tài sản trong cơn lũ dữ trên suối Chu Va tại xã Sơn Bình. Đến nay, công tác tìm kiếm người mất tích, khắc phục thiệt hại về giao thông cũng như khu nuôi trồng cá nước lạnh của người dân đang được cấp ủy, chính quyền địa phương nỗ lực từng giờ.
Nhiều tài sản của dân bị lũ cuốn, phá hỏng. |
Ông Trần Văn Sứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: “Ngoài thiệt hại về cơ sở hạ, địa phương hiện còn một người mất tích và huyện cũng đang tập trung chỉ đạo tìm kiếm người mất tích. Đối với các cơ sở nuôi cá bị thiệt hại, huyện đang chỉ đạo các lực lượng tập trung khắc phục để hỗ trợ bước đầu, di chuyển toàn bộ tài sản để giảm bớt thiệt hại cho các hộ gia đình. Bước tiếp theo là huyện sẽ sớm tổng hợp số liệu thiệt hại để báo cáo lên các sở, ngành của tỉnh và tham mưu cho tỉnh để có chính sách hỗ trợ”.
Lũ đã rút dần, nhưng mưa nơi thượng nguồn vẫn chưa ngớt và dòng suối Chu Va vẫn đang ầm ầm chảy. Mặc dù nỗi đau mất người, mất tài sản của người dân Chu Va vẫn còn hiện hữu, nhưng đang được sưởi ấm dần bởi tình người nơi rốn lũ, trong công tác khắc phục, tìm kiếm người bị nạn./.
Mưa lũ miền núi phía Bắc sạt lở diện rộng hơn lũ quét Mường La 2017
Lai Châu hoàn toàn bị cô lập do mưa lũ
Thí sinh ở Điện Biên lặn lội trong mưa đến điểm thi THPT Quốc gia