Mỗi tháng có khoảng 1500 người ở Bình Dương phải điều trị vì bị chó cắn
VOV.VN - Tính từ đầu năm 2019 đến nay, mỗi tháng lại có khoảng 1.500 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, nguyên nhân là do công tác quản lý ở nhiều địa phương chưa được quan tâm, nhất là việc lập sổ quản lý, tổ chức nuôi nhốt nên hiện tượng chó thả rông cắn người còn phổ biến, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Các địa phương ở Bình Dương chưa thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính đối với chủ nuôi chó không chấp hành các quy định. Người nuôi chó chưa nắm bắt, cập nhật thông tin về tác hại nghiêm trọng của việc thả rông chó.
Chó thả rông khắp trên các đường phố Bình Dương. |
Theo Bác sĩ chuyên khoa 1 Quách Hoàng Mỹ, phụ trách Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, với tình trạng chó thả rông như hiện nay, nguy cơ bệnh dại xuất hiện trong thời gian tới là rất cao. Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, người mắc bệnh này gần như tử vong 100%. Trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc biệt.
Bác sĩ Mỹ khuyến cáo: “Sau khi bị chó cắn thì phải xử lý vết thương. Người dân cần cầm máu nếu có chảy máu và dùng nước sạch, xà bông rửa vết thương để loại bỏ phần nào virus ra khỏi cơ thể. Sau đó đến ngay trung tâm y tế tiêm ngừa, không nên dùng những phương thuốc Nam, đắp cây cỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe".
Để phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng chó thả rông cắn người, UBND tỉnh Bình Dương cũng vừa ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND về việc “Tăng cường các biện pháp quản lý chó nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý đàn chó, áp dụng biện pháp chế tài các trường hợp nuôi chó thả rông, để chó nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác./.