Người dân một số nơi ở Sơn La khốn khổ vì lò gạch thủ công
VOV.VN - Thời tiết đang nóng nực lại thêm những luồng khí than bốc lên từ lò gạch thủ công khiến không khí ở huyện Mai Sơn càng trở nên ngột ngạt hơn.
Theo kế hoạch số 119 ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh Sơn La, các địa phương trong tỉnh phải hoàn thành việc xóa bỏ lò gạch thủ công trước ngày 30/12/2015. Tuy nhiên, do sự thiếu kiên quyết của chính quyền cơ sở, mà nhiều lò gạch vẫn ngang nhiên hoạt động ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân vùng lân cận.
Thời tiết đang nóng nực lại thêm những luồng khí than bốc lên từ lò gạch thủ công khiến không khí ở bản Củ Pe, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn càng trở nên ngột ngạt hơn.
Hoạt động của các lò gạch thủ công ở một số địa bàn tỉnh Sơn La đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và đời sống của nhân dân (ảnh: Vnews) |
Anh Dân nói: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên bản, xã nhưng chưa ai đứng ra trách nhiệm về vấn đề này”.
Khói lò gạch không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp mà nó còn gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường sống và sức khỏe của bà con nơi đây. Người dân ở bản Củ Pe đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền xã, nhưng chưa được giải quyết thấu đáo.
Theo ông Lường Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Mường Bon: Mặc dù xã biết lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công của tỉnh phải kết thúc vào cuối tháng 12/2015, nhưng vì hợp đồng cho thuê đất giữa xã và chủ lò gạch chưa hết nên chưa thể dừng hoạt động của doanh nghiệp.
Lò gạch này vốn được xây dựng trên đất 5% của xã nhằm có thêm nguồn thu để xây dựng cơ sở vật chất cho xã. Thế nhưng chuyện này dân không hiểu, bà con chỉ thấy lò gạch đang trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của họ.
Ông Dương cho biết: “Đây là theo chủ trương từ khóa trước truyền lại nên chúng tôi vẫn phải theo. Dừng hợp đồng bây giờ chủ lò gạch không chịu đồng ý. Hợp đồng ký 5 năm”.
Địa bàn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La hiện vẫn còn gần chục lò gạch đang hoạt động. Nhưng huyện cũng mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, tổ chức cho các chủ lò gạch ký cam kết chủ động dừng hoạt động chứ chưa có biện pháp xử lý mạnh tay nào.
Chính sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương khiến cho việc xóa bỏ lò gạch thủ công ở huyện Mai Sơn chưa thực hiện được đúng lộ trình của tỉnh. Ông Lò Thanh Hoàn, cán bộ phòng kinh tế - hạ tầng huyện Mai Sơn cho biết: “Nếu bà con nắm được sẽ chấp hành. Bây giờ đang trong giai đoạn mới triển khai nên bà con đang tranh thủ sản xuất để tận dụng hết vật tư người ta đã đầu tư, phần nào thu hồi vốn”.
Ngày 31/12/2013, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch 119 thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công.
Theo đó, các địa phương phải hoàn thành xóa bỏ lò gạch thủ công trước ngày 30/12/2015, riêng tại các xã vùng 3 thực hiện trước tháng 12/2017. Nhưng đến nay tòan tỉnh vẫn còn gần 40 lò hoạt động chủ yếu tập trung tại các huyện Mai Sơn, Yên Châu và thành phố Sơn La. Hiện tại các lò gạch thủ công đang tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho rất nhiều lao động.
Việc giải quyết việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp cho lực lượng lao động này sau khi xóa bỏ lò gạch thủ công cũng là bài toán khá nan giải cho các địa phương. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mô hình sản xuất của các cơ sở sản xuất gạch thủ công sang sản xuất theo công nghệ mới gặp khó khăn do doanh nghiệp thiếu vốn.
Để thực hiện việc xóa bỏ lò gạch thủ công trong thời gian tới, ông Trần Khắc Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Sơn La cho biết: “Chúng tôi tiếp tục yêu cầu các địa phương có cam kết giải quyết dứt điểm lò gạch thủ công trong thời gian sớm nhất. Thứ hai, tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như hướng dẫn cho các chủ thể cá nhân và tổ chức liên quan trong công tác thiết kế để đưa gạch không nung vào công trình”.
Hoạt động của các lò gạch thủ công ở một số địa bàn tỉnh Sơn La đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và đời sống của nhân dân vùng lân cận là rất rõ. Vì vậy, chính quyền các địa phương ở tỉnh Sơn La cần quyết liệt thực hiện xóa bỏ lò gạch thủ công, hoàn thành lộ trình đưa gạch không nung vào xây dựng theo đúng qui định của UBND tỉnh Sơn La; đồng thời đảm bảo môi trường sống trong lành cho nhân dân./.