Người lao động cần làm gì để không bị mất các quyền lợi BHXH?
VOV.VN - Từ 1/1/2018, quy định về xử lý hình sự với tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tại Luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành.
Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, tuy nhiên, đến ngày 1/1/2018 tới đây, nhiều điều khoản quan trọng mới chính thức có hiệu lực. Một trong số đó là “nền” tiền lương đóng BHXH bắt buộc sẽ thay đổi tại các đơn vị, doanh nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Từ 1/1/2018, quy định về xử lý hình sự đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. (Ảnh minh họa)
Đây là quy định được người lao động kỳ vọng sẽ hạn chế được tình trạng cố tình trục lợi vi phạm về BHXH, BHYT hiện nay. Theo Điều 216 Bộ luật Hình sự, những hành vi gian dối, hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định từ 6 tháng trở lên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên, trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, hành vi trốn đóng BHXH ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và môi trường sản xuất kinh doanh. Hiện cả nước có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp nhưng chỉ có 250 nghìn doanh nghiệp tham gia đóng BHXH cho người lao động. Những hành vi vi phạm đóng-hưởng BHXH đã được cụ thể hóa trong Luật hình sự. Hiện BHXH Việt Nam đang phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng hướng dẫn quy trình xử lý theo từng bước.
Ông Trần Đình Liệu cho biết: “Nếu doanh nghiệp không chấp hành xử lý vi phạm của thanh tra chuyên ngành thì Tòa sẽ tiếp tục xử lý bằng vi phạm hành chính, thấp nhất là 10 triệu và cao nhất là 1 tỷ đồng, có chỗ 3 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp tiếp tục không chấp hành thì sẽ xử lý hình sự từ 1 năm đến 10 năm. Đây là từng bước, từng mức xử lý chứ không phải tất cả là hình sự hóa. Nhưng rõ ràng câu chuyện ý thức chấp hành pháp luật không nghiêm của một số tổ chức, cá nhân, rõ ràng phải xử lý vi phạm”.
Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng nhận định, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH rất đa dạng và dưới nhiều hình thức khác nhau. Có những trường hợp nhận 8% tiền đóng BHXH của người lao động nhưng giữ lại và không đóng cho BHXH, hoặc doanh nghiệp không đóng phần của doanh nghiệp phải đóng cho người lao động. Có trường hợp doanh nghiệp có tiền, có khả năng nhưng cố tình không đóng.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán do kinh doanh thua lỗ. Việc xử lý hình sự đã có trong Bộ luật hình sự, nhưng phải giải thích thế nào là thủ đoạn, gian dối, gian lận để đảm bảo quyền lợi người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế tối đa hình sự hóa vẫn còn bất cập. Để triển khai việc xử lý doanh nghiệp vi phạm Luật BHXH, cần phải chờ Nghị quyết cuả tòa án hướng dẫn.
Ông Lê Quân cho biết: “Sắp tới, việc truy cập trực tuyến giúp người lao động biết được mình được đóng đến đâu, như thế nào. Bên cạnh đó, các giải pháp hình sự để chúng ta xử lý các trường hợp để làm gương, đòi hỏi doanh nghiệp có áp lực mạnh hơn trong việc tuân thủ pháp luật. Về trách nhiệm quản lý nhà nước thì chúng tôi đang nghiên cứu đề án đổi mới BHXH sắp tới. Chúng ta phải có hình thức các quỹ, để trong một số trường hợp hỗ trợ người lao động. Chúng ta không thể vì doanh nghiệp trốn, mất khả năng thanh toán mà người lao động bị thiệt thòi.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, hệ thống luật pháp hiện nay tương đối đầy đủ và rõ ràng nhưng khi triển khai sẽ có những vướng mắc cần tháo gỡ, đòi hỏi phải xây dựng quy trình chặt chẽ có hiệu quả và khích lệ doanh nghiệp phát triển, tồn tại.
Trong trường hợp bất khả kháng mới phải xử lý hình sự hóa. Việc xử phạt doanh nghiệp vi phạm là để đảm bảo công bằng, bình đẳng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động là thực hiện nghĩa vụ, làm tròn trách nhiệm, thể hiện mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.
Ông Bùi Sỹ Lợi đưa ra khuyến cáo: “Nếu không cẩn thận thì chúng ta sẽ tạo ra sức ép đối với doanh nghiệp. Chúng ta cần thông cảm với doanh nghiệp vì họ cũng muốn tăng trưởng, phát triển thực hiện đủ nghĩa vụ với nhà nước, trong đó có nghĩa vụ BHXH. Trong tình cảnh khó khăn thì BHXH cũng có cách để cho lui, cho hoàn hoặc cho nợ nhưng tính lãi suất, động viên doanh nghiệp, để làm sao cả người lao động, chủ sử dụng lao động đều có tinh thần đóng góp cho người lao động được hưởng chính sách BHXH”./.
Những thách thức rất lớn đối với hệ thống BHXH Việt Nam
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cần thiết cải cách chính sách BHXH