Nguy cơ đóng cửa hầm Hải Vân: Các bên liên quan nói gì?
VOV.VN - Đơn vị quản lý, khai thác, vận hành hầm đường bộ Hải Vân đang nợ quá hạn 3 tháng tiền điện, nhưng Điện lực Đà Nẵng khẳng định sẽ không cắt điện.
Trong khi đó, chủ đầu tư và đơn vị quản lý, vận hành Hầm đường bộ Hải Vân cho biết do gặp khó khăn về tài chính, không thể tiếp tục chi trả quản lý, vận hành.
Ngày 26/10, Công ty Điện lực Đà Nẵng có Công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc thanh toán nợ tiền điện của Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco). Điện lực Đà Nẵng đã nhiều lần gửi văn bản đến Hamadeco thông báo nợ quá hạn 3 kỳ 2,6 tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả nợ Hamadeco gần 45 tỷ đồng tiền hợp đồng vận hành khai thác hầm Hải Vân, dẫn đến Hamadeco nợ tiền điện.
"Theo quy định của Bộ Công thương, đối với những khách hàng không trả tiền điện thông báo lần 3 thì ngừng cung cấp. Tuy nhiên, trong điều hành của ngành điện thực hiện nhiệm vụ chính trị và phục vụ cộng đồng nữa. Việc cắt điện ở những nơi quan trọng phải xin phép cấp có thẩm quyền, chứ không dễ, không máy móc theo quy định được" - ông Nguyễn Thành cho biết.
Điện lực Đà Nẵng khẳng định, không tự ý cắt điện đối với đơn vị vận hành hầm Hải Vân; đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quan tâm giải quyết.
Ông Nguyễn Xuân Hưởng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần và quản lý Khai thác hầm đường bộ Hải Vân cho biết, trước đây, nguồn kinh phí vận hành hầm đường bộ Hải Vân lấy từ ngân sách. Từ cuối năm 2015, Hầm Hải Vân giao cho Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả quản lý. Theo đó, Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả hợp đồng chi trả cho Hamadeco mỗi năm 100 tỷ đồng để quản lý, khai thác, bảo dưỡng hầm Hải Vân 1 và 25 km đường, cầu dẫn 2 bên hầm.
Điện lực Đà Nẵng khẳng định, không thể ngừng cung cấp điện đối với đơn vị vận hành hầm Hải Vân. |
Ông Nguyễn Xuân Hưởng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần và quản lý khai thác hầm đường bộ Hải Vân cho biết, khoản nợ tiền điện 2,6 tỷ đồng công ty không có khả năng thanh toán.
"Chúng tôi đã có những buổi làm việc và văn bản gửi các đơn vị cảnh báo trước, tiềm ẩn một số nguy cơ, nếu tình trạng thanh toán nợ không đảm bảo, không đáp ứng cho công ty chúng tôi thì việc dừng công tác vận hành hầm rất dễ xảy ra. Bên Điện lực cũng có Luật Điện lực, nhưng vì đây là phục vụ tuyến huyết mạch giao thông đất nước nhưng chắc chắn họ không để kéo dài như thế này được" - ông Nguyễn Xuân Hưởng cho biết.
Giải thích vì sao nợ quá hạn, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, theo Hợp đồng BOT ký kết giữa Bộ Giao thông Vận tải với Nhà đầu tư thì Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả được thu phí tại Trạm Nam Hải Vân từ tháng 1/2017. Tuy nhiên, việc thu phí tại Trạm Nam Hải Vân không thực hiện được do Trạm Bắc Hải Vân đang thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT Phước Tượng và Phú Gia, làm giảm nguồn thu, phá vỡ phương án tài chính hoàn vốn của dự án…
Trong khi đó, tại hầm Đèo Cả, chủ đầu tư cũng cho biết, đang diễn ra tình trạng hụt nguồn thu, mỗi tháng hơn 7 tỷ đồng. Nguyên nhân do Chủ đầu tư phải tuân thủ quy định hiện hành về mức phí thấp hơn nhiều so với mức giá trong phương án tài chính đã được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt.
Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả giải thích: "Hiện đang vướng Thông tư 35, quy định giá thu ở hầm với Quốc lộ bằng nhau. Trong khi hầm Đèo Cả thì suất đầu tư rất lớn. Theo pháp luật công ty phải chấp hành Thông tư 35. Nhưng Thông tư này do Bộ Giao thông Vận tải ban hành thì Bộ có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Gần 2 năm nay mà chưa sửa được, cứ đẩy qua, đẩy lại"./.
Nguy cơ phải đóng hầm Đèo Cả vì vướng cơ chế
Thủ tướng quyết định thu hồi vốn trái phiếu Dự án hầm Đèo Cả