Nguy cơ phải đóng hầm Đèo Cả vì vướng cơ chế
VOV.VN -Đầu tư dự án hầm Đèo Cả với suất đầu tư lớn, nhưng nhà đầu tư chỉ được thu bằng mức phí đường bộ quốc lộ 1 và một số bất cập khác.
Ngày 26/10/2018, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch năm 2019. Bàn về các dự án giao thông, đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) cho rằng trong báo cáo đánh giá giữa kỳ, Chính phủ đưa ra nhận định do hạn chế ngân sách nhà nước, nên việc khởi công các dự án giao thông rất hạn chế.
Theo đại biểu Đinh Văn Nhã nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là bởi thời gian qua chính sách thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ chưa có các cơ chế bảo vệ rủi ro doanh thu, tỉ giá nên khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giao thông theo hình thức BOT. Đặc biệt, chưa tuân thủ nội dung trong hợp đồng giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư. Từ đó, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư.
Đại biểu Đinh Văn Nhã dẫn chứng, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư hầm Đèo Cả, hầm đèo Cù Mông và dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân) được đầu tư dự án hầm Đèo Cả, với suất đầu tư lớn, nhưng chỉ được thu bằng mức phí đường bộ quốc lộ 1.
Phương án tài chính thu phí để hoàn vốn cho Dự án đèo Hải Vân để bù vào hai khoản đã ứng cho Nhà nước (900 tỉ đồng để sửa chữa, mở rộng hầm Hải Vân giai đoạn 1, và 300 tỉ đồng xin vận hành đèo Hải Vân).
Nhưng thực tế, từ năm 2016 đến nay không thể thực hiện thu phí do không thể lập thêm thu phí ở đường Nam hầm Hải Vân vì trước đó Bộ GTVT đã lập sai vị trí trạm thu phí Bắc đèo Hải Vân để thu phí hoàn vốn cho dự án hầm Phước Tượng – Phú Gia. Điều này làm thất thu khoảng 4.000 tỉ đồng của công ty. Đồng thời, đòi hỏi Nhà nước phải bố trí ngân sách Nhà nước để duy trì vận hành của đèo Hải Vân theo đúng cam kết.
Đại biểu Đinh Văn Nhã cho rằng, Bộ GTVT đơn phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ không thành lập trạm thu phí La Sơn – Túy Loan, là không đúng cam kết hợp đồng. Điều này khiến từ ngày 1/1/2019 Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả sẽ không được tổ chức thu phí để bù nguồn thu này, (nguồn ngân sách Nhà nước phải bố trí để hỗ trợ như cam kết). Ngoài ra thiệt hại lớn của công ty là sự giảm sút niềm tin của các tổ chức tín dụng cho vay Dự án, vì quyền thu phí của Dự án tại trạm này là tài sản thế chấp vay vốn tín dụng, tài trợ cho dự án.
Một điểm nữa được đại biểu Đinh Văn Nhã đề cập đến là hạng mục hầm Đèo Cả và đường dẫn hầm Cổ Mã ban đầu được đầu tư theo hình thức BT và BOT. Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội khóa XIII phê duyệt bố trí vốn ngân sách là 5048 tỉ đồng, nhưng chỉ thực cấp 3778 tỉ đồng.
Tuy nhiên sau đó Chính phủ quyết định mở rộng dự án, đầu tư BOT hầm Cổ Mã và mở rộng hầm Hải Vân, đồng ý cho phép sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của dự án để ưu tiên GPMB tái định cư dự án thành phần hầm đèo Cù Mông và mở rộng hầm đèo Hải Vân. Nhưng, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành nên giao Chính phủ thu hồi 1180 tỷ đồng còn dư.
Đại biểu Đinh Văn Nhã cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vướng mắc liên quan đến phương án tài chính tổng thể đối với dự án BOT hầm Đèo Cả vừa chưa đúng thẩm quyển, vừa chậm vừa kéo dài nên Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả bị thiệt hại nghiêm trọng.
“Theo kiến nghị gần đây của cơ quan kiểm toán nhà nước nếu những vướng mắc này chậm được giải quyết thì có thể 1-2 tháng nữa công ty Đèo Cả có thể phải buộc đóng hầm Đèo Cả, bỏ Dự án hầm đèo Cù Mông còn dở dang, bàn giao công việc quản lý vận hành hầm đèo Hải Vân cho cơ quan quản lý nhà nước”, ông Nhã nhấn mạnh./.