Ồ ạt xét nghiệm sán lợn - Thiếu nhạy cảm của cán bộ chuyên môn
VOV.VN - Việc phụ huynh ở Bắc Ninh ồ ạt đưa con đi xét nghiệm sán lợn, Bộ Y tế nhắc lại quan điểm: “Không phải làm xét nghiệm”.
Làm việc máy móc, thiếu nhạy cảm là nhìn nhận ở góc độ chuyên môn của đại diện Bộ Y tế về vụ việc hàng nghìn bậc phụ huynh tại Bắc Ninh đưa con nhỏ lên hai bệnh viện lớn tại Hà Nội để xét nghiệm sán lợn.
Trong nhiều ngày qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương vẫn gửi giấy hẹn tái khám tới các gia đình tại Bắc Ninh, dù trước đó Bộ Y tế đã có công văn khẩn cấp yêu cầu dừng xét nghiệm máu tìm sán lợn (lấy mẫu xét nghiệm ELISA).
Trẻ em được bố mẹ đưa tới Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để xét nghiệm sán lợn. |
4 – 5 tỷ đồng xét nghiệm trong 1 tuần
Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế cho biết, có khoảng 4.000 trẻ em ở Thuận Thành, Bắc Ninh đã đi xét nghiệm sán lợn, thu về cho hai bệnh viện trên từ 4 đến 5 tỷ đồng chỉ trong vòng hơn một tuần.
Trong khi đó, Bộ Y tế cũng cho biết, xét nghiệm ELISA dương tính không thể khẳng định là hiện tại đang mắc bệnh sán dây lợn, đây là xét nghiệm mang tính chất hỗ trợ khi có dấu hiệu lâm sàng và có một số kết quả xét nghiệm xác định khác.
Đối với những trường hợp kết quả xét nghiệm ELISA dương tính không cần phải xét nghiệm lại và không phải điều trị, trừ trường hợp có triệu chứng lâm sàng, có chẩn đoán xác định hiện đang mắc bệnh thì sẽ được điều trị theo phác đồ quy định tại các cơ sở y tế địa phương. Trường hợp kết quả xét nghiệm ELISA âm tính thì không cần phải xét nghiệm lại.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trả lời báo chí tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/4 đã nhắc lại rằng, xét nghiệm máu chỉ có kết quả dương tính hay âm tính nên không có ý nghĩa để chẩn đoán bệnh.
“Nếu xét nghiệm máu dương tính thì chứng tỏ đối tượng xét nghiệm đã từng bị nhiễm sán, còn hiện tại có sán trong người hay không thì không biết được… Nếu như người bệnh bị nhiễm sán Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị rất đơn giản, uống thuốc là khỏi và chắc chắn khỏi”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khẳng định.
Quy trình làm việc cứng nhắc
Trước việc các bệnh viện khi xét nghiệm máu dù dương tính hay âm tính vẫn yêu cầu gia đình nên đến xét nghiệm lại, ông Tiến cho rằng đây là quá trình làm việc cứng nhắc: “Khi biết được điều này tôi cũng rất bực mình, vì tôi là người ký công văn báo về các bệnh viện và báo về tỉnh không làm xét nghiệm nữa. Những người yêu cầu xét nghiệm lại làm việc automatic. Anh yêu cầu xét nghiệm thì tôi xét nghiệm và kết quả dương hay âm tôi sẽ trả lời. Bác sĩ bao giờ cũng khuyên bao lâu sau thì phải đi khám lại”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019. |
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, sự “nhạy cảm” của những bác sĩ, kỹ thuật viên này kém và rất đáng phê phán. Thấy người dân ào ào đi xét nghiệm thì cần phải xem xét và giải thích.
Cùng với đề nghị dừng việc lấy mẫu xét nghiệm ELISA chẩn đoán sán lợn, Bộ Y tế đã yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở y tế tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu được bản chất của bệnh, ý nghĩa của các biện pháp chẩn đoán, xác định người đang mắc bệnh hay không và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như ăn chín, uống chín, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tẩy giun, sán định kỳ theo hướng dẫn của ngành y tế./.
Tháng 3/2019, dư luận đã rúng động với nghi vấn cung cấp thịt “bẩn”, nhiễm sán vào bếp ăn tại Trường Mầm non xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, khiến trẻ bị nhiễm sán lợn.
Thông tin thịt lợn nhiễm sán là của công ty Hương Thành, đơn vị cung cấp cho 19 trường học trên địa bàn huyện Thuận Thành đã khiến các bậc phụ huynh hoang mang lo lắng. Bỏ công bỏ việc, không tiếc tiền tiếc của thậm chí là đi vay mượn, hàng nghìn phụ huynh đã ồ ạt đưa con lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để lấy máu làm xét nghiệm sán lợn.