Phản hồi bài báo phản ánh ô nhiễm khí than ở Đắk Lắk trên VOV.VN
VOV.VN - Sau khi đăng bài báo trên VOV.VN đã nhận được công văn cho rằng bài báo thông tin chưa chính xác. Dưới đây là một số điều cần nói rõ về bài báo này.
Sau khi Báo điện tử VOV.VN (ngày 26/4/2017) đăng bài "Người dân Đắk Lắk khốn khổ vì hít phải khói than độc hại", Tòa soạn liên tiếp nhận được công văn của Công ty TNHH Phúc Minh (số 05/CV-CT/2017); công văn của UBND huyện Cư M'gar (số 128-BC/UBND) và công văn của Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk (số 316/STTTT-TTBCXB).
Công văn này gửi đến 7 cơ quan báo chí có bài viết về ô nhiễm môi trường do Công ty TNHH MTV Phúc Minh đốt than gây ra, trong đó có báo điện tử VOV.VN.
Theo đó, công văn của Sở TTTT Đắk Lắk đề nghị: “Các cơ quan báo chí nói trên đăng tải ý kiến phản hồi của UBND huyện Cư M’gar theo đúng luật định”.
Ở đây chỉ nêu những vấn đề liên quan đến bài "Người dân Đắk Lắk khốn khổ vì hít phải khói than độc hại" đăng trên Báo điện tử VOV.VN chứ không nói đến đúng sai của các bài đăng ở các báo khác.
1/ Bài "Người dân Đắk Lắk khốn khổ vì hít phải khói than độc hại" được VOV.VN đăng ngày 26/4/2017. Nhưng trớ trêu là công văn gửi “Ban biên tập báo điện tử VOV”, của Công ty TNHH MTV Phúc Minh, do giám đốc Đoàn Bằng Giang ký, ghi ngày 25/4/2017 (số 05/CV-CT/2017). Điều cần nhấn mạnh ở đây là công văn “kêu oan” của ông Giang được soạn, ký trước khi VOV.VN đăng bài!
2/ Công văn số 128/BC-UBND của UBND huyện Cư M’gar, do Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar Nguyễn Văn Minh ký ban hành, nội dung có nêu: “Trong quá trình hoạt động sản xuất than đã từng bị 01 lần xử lý vi phạm hành chính với mức phạt 4.750.000 đồng. Trong khi đó các báo Báo ANTV, Báo Tiền Phong, Báo điện tử VOV, Báo phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh… cho rằng CTTNHH MTV Phúc Minh bị UBND huyện Cư M’gar xử lý vi phạm hành chính 3 lần (có báo nêu nhiều lần) là không chính xác” (Trích nguyên văn).
Vấn đề này, trong buổi làm việc với nhóm phóng viên (ngày 10/04/2017) ông Trương Văn Chỉ, Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar đã khẳng định: "Nhiều lần có phản ánh của người dân bằng đơn thư, qua các buổi tiếp xúc cử tri và huyện đã nhiều lần cử đoàn chuyên môn và ngành chức năng xuống kiểm tra. Qua kiểm tra thực tế, so với quy định thì thấy vi phạm về ô nhiễm môi trường nên đoàn đã mấy lần xử phạt hành chính. Chủ lò đốt này cũng đã cam kết sẽ di dời và nếu không di dời mà còn tiếp tục đốt ảnh hưởng đến người dân thì chúng tôi sẽ có thủ tục đề nghị UBND tỉnh cho ngừng hoạt động." (Bài "Người dân Đắk Lắk khốn khổ vì hít phải khói than độc hại", VOV.VN trích dẫn nguyên câu nói của đồng chí Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar. PV vẫn lưu giữ băng ghi âm dài 21 phút 48 giây buổi làm việc với ông Trương Văn Chỉ).
3/ Tại cuộc họp báo định kỳ chiều 4/5/2017, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu UBND huyện Cư M'ga và công an địa phương khẩn trương xử lý kịp thời vụ việc Công ty TNHH MTV Phúc Minh gây ô nhiễm môi trường và có hành vi không văn hóa.
Cũng tại cuộc họp báo này, ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Cư M'gar nói: “Đợt kiểm tra gần đây nhất (ngày 26/4/2017) công ty này tiếp tục có những sai phạm”. Đây là lời của ông Minh tại cuộc họp báo tại trụ sở UBND tỉnh Đăk Lăk chiều ngày 4/5. Thế nhưng chính trong ngày 4/5/2017, UBND huyện Cư M'gar ra công văn, cũng do ông Nguyễn Văn Minh - Phó chủ tịch UBND huyện Cư M'gar ký (công văn số 128-BC/UBND) gửi nhiều cơ quan báo chí trong đó có báo Điện tử VOV, có đoạn lại viết: “Có nhiều thông tin báo chí đăng tải không đúng sự thật, thiếu chính xác, chưa khách quan, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng như tạo dư luận không tốt đối với chính quyền và cơ quan chức năng của địa phương trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường”.
4/ Công văn số 128-BC/UBND của huyện Cư M'gar có đoạn: “Việc báo đăng thông tin: Công ty Phúc Minh xây dựng lò than vào giữa khu dân cư là trái phép”. UBND huyện có ý kiến như sau: Thực tế cơ sở sản xuất than được cấp phép trước, có 4 hộ dân làm nhà trên đất nông nghiệp ở gần khu vực lò than của Công ty TNHH MTV Phúc Minh. Còn khu dân cư tập trung cách công ty hơn 300 mét…”.
VOV.VN không hề nói Công ty Phúc Minh xây lò than vào giữa khu dân cư. Mà chỉ dẫn lời của anh Trần Quốc Tiến, ở thôn 2 xã Cư Đliê M’nông là: “Lò than hoạt động từ năm 2011, đến nay đã 6 năm rồi, dân chúng tôi sống không nổi, ban ngày phải trốn đi chỗ khác trong thôn đi khám bị viêm phổi nặng. Cây cà phê của chúng tôi trước đây 1 ha sản lượng phải được 4 tấn, vụ này chắc chắn chưa được 2 tấn vì khói làm cây không ra hoa được” (Xin nhắc lại, anh Tiến là người sau này bị ông Giang và thuộc hạ đánh).
5/ Ở đây chúng tôi cung cấp thêm 1 thông tin, đó là ngày 3/4/2017 công chức môi trường kết hợp công an xã tiến hành kiểm tra thực tế hiện trạng cơ sở đốt than của ông Đoàn Bằng Giang. Kết quả kiểm tra như sau: “Tại thời điểm kiểm tra, có 6 lò đang đốt. Bằng mắt thường quan sát thấy rõ khói chủ yếu thoát ra từ khe hở của lò than nhiều chứ không thoát ra từ ống khói được lắp đặt. Hiện tại cơ sở vẫn chưa lắp đặt hệ thống phun sương theo yêu cầu của Phòng Tài nguyên & Môi trường”. (Trích báo cáo của UBND xã Cư Dliê M’nông ngày 4/4/2017 “ Về việc kiểm tra hiện trạng cơ sở đốt thanh của ông đoàn Bằng Giang”.)
Người dân Đắk Lắk khốn khổ vì hít phải khói than độc hại
6/ Trong thời gian đi thực tế thu thập tư liệu, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Võ Văn Tụ, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Cư M'gar. Ông Tụ cho biết: "Đơn vị đã phát hiện được một số vụ khai thác tận thu củi trong rừng về để đốt than. Tuy nhiên, khi phát hiện họ tập kết để gỗ ở rẫy xa nên khi đến thì không bắt được người, anh em chỉ lập biên bản là gỗ không nguồn gốc rồi tiến hành thanh lý." (trích băng ghi âm).
Như vậy ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, sự tồn tại của các lò đốt than còn thủ phạm gián tiếp của những vụ tàn sát rừng.
Chúng tôi cho rằng, các cơ quan nói trên cần ưu tiên làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống yên lành của người dân chứ không nên đi bắt bẻ nhưng thông tin hoàn toàn là sự thật./.