Người dân Đắk Lắk khốn khổ vì hít phải khói than độc hại
VOV.VN - Mặc dù người dân nhiều lần làm đơn kêu cứu lên các ngành chức năng nhưng tình trạng đốt than củi ở tỉnh Đắk Lắk vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Vài năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân ở xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) rất bức xúc do ngày nào cũng phải hít khói than độc hại, bụi bẩn từ các lò đốt than củi trên địa bàn, cùng với đó là hàng trăm ha cây trồng bị giảm năng suất.
Mặc dù người dân đã nhiều lần làm đơn kêu cứu lên ngành chức năng ở địa phương, nhưng tình trạng này vẫn không được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, ở các huyện khác, lò đốt than tiêu thụ cả củi từ rừng tự nhiên, qua đó tiếp tay cho nạn phá rừng.
Việc đốt than từ các lò của công ty Phúc Minh |
Ngày cũng như đêm, khu vực giáp ranh giữa thôn Tân Thành và Tân Lập, xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư M'gar bị bao phủ bởi lớp khói nóng đen kịt cùng bụi than ô nhiễm, tỏa ra từ 12 lò đốt than củi của công ty TNHH Phúc Minh.
Anh Trần Quốc Tiến, ở thôn 2, xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar cho biết, các lò đốt này hoạt động suốt ngày đêm, trung bình mỗi ngày đốt hàng chục tấn củi rồi sả khói bụi trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, cây trồng vật nuôi của người dân.
Anh Trần Quốc Tiến nói: "Lò than hoạt động từ năm 2011, đến nay đã được 6 năm rồi, dân chúng tôi sống không nổi, ban ngày phải trốn đi chỗ khác. Một số trẻ trong thôn đi khám bị viêm phổi nặng. Cây cà phê của chúng tôi trước đây 1 ha sản lượng phải được 4 tấn, vụ này chắc chưa được 2 tấn vì khói nó làm cây ra hoa không được. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều năm lên xã nhưng không thấy được giải quyết, các anh chị thấy đó họ vẫn đốt nghi ngút".
Một xe củi đang trên đường về lò |
Còn ông Thái Văn Ngân, Trưởng thôn Tân Lập, xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar cho biết, ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất cây trồng vật nuôi thì các xe tải vận chuyển nguyên liệu củi, than của công ty TNHH Phúc Minh cũng đã góp phần vào việc phá nát hệ thống đường giao thông liên thôn, làm cho các con đường này rất lầy lội vào mùa mưa, bụi mù mịt vào mùa khô. Mặc dù bà con trong xã đã nhiều lần làm đơn kêu cứu lên ngành chức năng ở địa phương nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Ngân nói: "Người dân của 2 thôn Tân Thành và Tân Lập kiến nghị mấy năm nay rồi, nhưng lò than ở đây càng ngày xây càng nhiều. Chúng tôi mong các cơ quan thẩm quyền cao nhất dẹp mấy lò than ở địa bàn chúng tôi đi, càng sớm càng tốt, tình trạng này mà kéo dài dân khổ lắm. Mưa xuống là giao thông vận tải lầy lội không đi được".
Cơ sở đốt than củi của Công ty TNHH Phúc Minh được cấp phép và đi vào hoạt động từ cuối năm 2011, ban đầu chỉ có 3 lò đốt hoạt động với công suất khoảng 20 tấn củi/ngày, nhưng đến nay cơ sở này có tới 12 lò đốt với công suất gần 300 tấn/ngày.
Rừng giàu bị cắt lấy gỗ, rừng nghèo bị cắt thành củi |
Ông Trương Văn Chỉ, Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar cho biết, huyện có nhận được đơn thư phản ánh của người dân về việc các lò đốt than của công ty TNHH Phúc Minh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, gây thiệt hại tài sản của người dân. Đoàn liên ngành của huyện đã nhiều lần xuống lập biên bản xử phạt hành chính, yêu cầu công ty thực hiện đầy đủ các cam kết khắc phục hậu quả nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Thời gian tới, huyện sẽ làm quyết liệt hơn nữa để chấm dứt tình trạng này.
Ông Trương Văn Chỉ nói: "Khi có đơn thư của người dân phản ánh, chúng tôi đã nhiều lần cử cán bộ chuyên môn, đoàn kiểm tra liên ngành vào làm việc trực tiếp với doanh nghiệp. Chúng tôi đã nhiều lần lập biên bản xử phạt hành chính, đề nghị doanh nghiệp khắc phục hậu quả để không ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Nếu về lâu dài, doanh nghiệp tiếp tục vi phạm ảnh hưởng đến bà con chúng tôi sẽ làm thủ tục đề nghị UBND tỉnh rút giấy phép cho ngừng hoạt động các cơ sở sản xuất này".
Cùng với Cư M'gar, các huyện khác ở Đắk Lắk cũng có nhiều lò than, củi. Trong giấy phép, các lò này sử dụng củi tận thu từ nông nghiệp và rừng trồng, Nhưng gần đây, các lò sử dụng cả nguồn khai thác trái phép từ rừng tự nhiên, gây khó khăn cho công tác bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương.
Một trong những bãi tang vật tập kết trong rừng huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk |
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ea Kar cho biết: "Các lò than sử dụng củi từ tái canh cà phê. Tuy nhiên, một số lò lợi dụng việc này đưa củi rừng vào đốt. Khi họp, huyện đã đưa nội dung này vào nên anh em đi kiểm tra thì phát hiện, anh em lập biên bản thu về. Nhưng họ thường mang về để ở rẫy cà phê các hộ gần đó nên khi phát hiện anh em lập biên bản gom về. Chúng tôi nhờ công an điều tra, nếu không xác minh tìm ra được thì phải thông báo lên truyền hình để đưa vào gỗ vô chủ, khoảng 1 tháng sau mới xử lý được".
Để việc đảm bảo giữ vững diện tích rừng ở Đắk Lắk theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đắk Lắk cần sớm có giải pháp về hoạt động của các lò đốt than, đảm bảo diện tích rừng không bị xâm hại; cùng với đó là đảm bảo môi trường sống của người dân không bị ô nhiễm./.
Một công nhân tử vong bất thường tại mỏ than
Thực hư chuyện bảo kê để dân vớt than trôi trên suối ở Cẩm Phả