Phát triển tam nông, còn nhiều vướng mắc
VOV.VN -Vướng mắc trong điều chỉnh giá thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho quá trình tích tụ ruộng đất, đầu ra cho sản phẩm vẫn là nỗi lo lớn của địa phương.
Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống của nhân dân trong thời kỳ đổi mới, năm 2008, Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đã chính thức được ban hành và thông qua.
Đây được xem là một trong những Nghị quyết quan trọng của Đảng và Nhà nước, xây dựng nên phong trào nông thôn mới, giúp các vùng nông thôn của cả nước giảm nghèo bền vững.
Để đánh giá lại những kết quả đã đạt được từ nghị quyết cũng như ghi nhận những vướng mắc thực hiện tại các địa phương, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương đã thực hiện khảo sát tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết về tam nông tại Thanh Hóa.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm các cánh đồng được gieo cấy hoàn toàn bằng máy tại huyện Yên Định.
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương gồm Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội do đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dẫn đầu.
Trong chuyến thăm ngày 20/6, đoàn đã đến thăm huyện Yên Định, huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của hội nghị Trung ương 7 khóa X về tam nông, ngành nông nghiệp của huyện đã đạt tăng trưởng hàng năm đạt từ 15-16%, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực; Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 61%; Thu nhập bình quân trên đầu người của dân cư nông thôn năm 2017 tại địa phương này đạt trên 33 triệu/người/năm tăng gấp 4 lần so với năm 2008-thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về tam nông.
Là một trong những xã đầu tiên của huyện Yên Định đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, xã Định Tường đã có những bước chuyển biến đáng kể sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về tam nông.
Ông Lê Công Hành, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Định Tường cho biết, những đột phá lớn nhất của địa phương nằm ở chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, thay đổi từ nền kinh tế sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa.
“Địa phương đang bố trí khoảng trên 75% diện tích để sản xuất cây hàng hóa. Hàng năm Định Tường tổ chức tiêu thụ từ 1.800-2.000 tấn giống cây các loại, xuất ra các công ty giống cây trồng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, các chương trình cơ giới hóa đang được tổ chức đồng bộ. Trước đây sức kéo chủ yếu là trâu bò, lao động thủ công, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương, chúng tôi đã nỗ lực hiện đại hóa, công nghiệp hóa hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, tổ chức các cánh đồng mẫu lớn”.
Mặc dù có những thành tựu đáng kể trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung 7 về tam nông, tuy nhiên, ông Lê Công Hành cho biết, hiện nay xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là những vướng mắc trong điều chỉnh giá thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho quá trình tích tụ ruộng đất xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Ngoài ra, việc thay đổi bộ máy hoạt động của Hợp tác xã kiểu mới vẫn còn chậm, mang tính "bình cũ rượu mới". Những tác động của giá cả thị trường vẫn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông sản của nông dân.
Nhiều nhà máy may được mở ra, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. |
Trước những tồn tại qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về tam nông, nhiều địa phương tại Thanh Hóa cũng gửi những kiến nghị lên Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể hơn về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích xây dựng nông thôn mới, đa dạng hóa, linh hoạt hơn cho các vùng nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để phù hợp hơn với tình hình mới.
Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, các tầng lớp nhân dân huyện Yên Định trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bộ trưởng Dung cho rằng, chuyển dịch kinh tế dẫn tới chuyển dịch lao động là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên huyện Yên Định cũng cần lưu ý tới đời sống của người dân, đảm bảo “dân sinh, dân trí, dân khí”.
Bộ trưởng cũng đề nghị: "Huyện Yên Định cần chuyển đổi các diện tích vườn tạp trở thành các “vườn kinh tế” cho hiệu quả kinh tế cao. Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp về địa phương, trong đó chú trọng đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng các xã, huyện sớm trở thành kiểu mẫu theo tiêu chí nông thôn mới…”./.
Người dân tham gia BHYT đạt 95% trở lên mới đạt xã nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới nơi vùng lũ Mường La