Xin chữ đầu năm – ước vọng qua từng con chữ
VOV.VN - Xin chữ đầu năm đã trở thành một tục lệ truyền thống của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Gửi gắm trong những nét chữ mềm mại, uyển chuyển đó là những ước vọng trong năm mới.
Hàng nghìn người dân thủ đô và du khách đã đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để xin chữ với mong ước bình an, may mắn, đỗ đạt.
Thường xuyên xin chữ đầu năm tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào dịp năm mới, năm nay gia đình anh Phạm Văn Hiếu (Ở Hà Đông, Hà Nội) đi xin chữ các thầy đồ cùng nhiều điều mong cầu.
“Tôi xin chữ Phúc và chữ Hiếu. Hiếu học thành tài thì cho các con, còn chữ Phúc cho cả gia đình”, anh Hiếu cho biết.
Còn anh Phí Đức Khang (ở Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Hôm nay mình đến đây xin chữ để 1 năm tiếp theo của mình có được nhiều sự dũng cảm hơn, để vượt qua những thách thức. Mình cũng kỳ vọng năm tới sẽ là một năm đầy hứa hẹn”.
Năm con Rồng, nhiều ước vọng được người dân gửi gắm vào những nét chữ đầu Xuân.
Hơn 20 năm làm ông đồ với nghề cho chữ, ông Nguyễn Văn Tư – tư đồ cho biết, ngoài các chữ Bình An, Phúc Lộc như mọi năm, năm Giáp Thìn nhiều người chơi chữ thường xin các chữ liên quan tới công danh, học hành, sự nghiệp với ước mong năm mới có nhiều bứt phá:
“Việc xin chữ và cho chữ là truyền thống của ông cha ta. Truyền thống là cái gốc cơ bản của dân tộc vì đây là cái hiếu, cái đạo. Người dân Việt Nam rất quý chữ “tôn sư trọng đạo” và muốn con cháu có kiến thức. Truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam rất đáng quý và đã có từ lâu đời”, ông Nguyễn Văn Tư nói.
Về quan niệm con chữ sẽ đi theo người xin suốt cả một quá trình dài, ông đồ Bùi Minh Đạo cho rằng, không chỉ năm Rồng, tùy vào mong cầu của người xin các chữ sẽ được chính thầy đồ tư vấn, lựa chọn cho phù hợp với gia chủ.
“Năm nay nhiều người xin chữ Tụ: Tụ Phúc, tụ Lộc, tụ Nghĩa, tụ Nhân, tụ Tài, tụ Đức... tất cả nằm trong chữ Tụ và hướng tới một chữ nữa như Hán học chúng tôi nói chữ Hiếu. Chữ Hiếu là đứng hàng đầu, sau chữ Hiếu thì ta còn một chữ nữa cũng rất là vĩ đại, đó là chữ Hữu. Chữ Tuệ cũng rất có ý nghĩa. Có trí tuệ là có tất cả”, ông đồ Bùi Minh Đạo chia sẻ.
Dịp này, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng diễn ra các hoạt động như Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 và Triển lãm thư pháp “Hiếu học“. Trong đó, Hội Chữ Xuân Giáp Thìn có sự tham gia của 40 ông đồ, được bố trí xung quanh Hồ Văn phục vụ nhu cầu của du khách đến xin chữ nhân dịp đầu xuân năm mới. Tại lối vào Hồ Văn, không gian trưng bày “Con đường Chữ” có 9 hàng cột đôi mang biểu tượng cho “Con đường học vấn” hay chính là “Đạo học” với trụ cột là những hiền tài của đất nước.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Ban Tổ chức Hội chữ Xuân Giáp thìn 2024 cho biết: “25 năm nay tôi đều tham gia Hội Chữ Xuân, trừ những năm COVID. Ban đầu Văn Miếu khai hội từ mùng 2 đến hết Tết là mùng 6. Thế nhưng gần đây số lượng khách thập phương và người dân thủ đô tới nhiều nhiều nên Văn Miếu phải tổ chức từ mùng 1 để đáp ứng nguyện vọng cho bà con. Rất mong bà con được những con chữ xứng đáng, ít nhất cũng phải đạt chuẩn chỉnh của nó. Mọi người đến đây đều với một tâm niệm là cầu mong điều tốt lành đến trong tương lai của gia đình và của mỗi cá nhân”.
Cùng với tục Khai bút đầu năm, tục xin chữ thể hiện nét đẹp văn hóa, tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa của người Việt đang được hồi sinh. Những ước vọng đầu Xuân được gửi vào các câu đối, câu chúc lời hay ý đẹp được viết bằng chữ Quốc ngữ là những món quà chào đón năm mới, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam.