Đây là nội dung trả lời của Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM trước băn khoăn của phóng viên báo chí về trách nhiệm xử lý mùi hôi tại bãi rác này.
|
Bãi rác Đa Phước. |
Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP HCM, mỗi ngày trên địa bàn thành phố có khoảng 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt.
Hiện đang có 4 đơn vị xử lý số rác này, trong đó Khu liên hợp xử lý rác Tây Bắc ở huyện Củ Chi có 3 đơn vị xử lý với tổng lượng xử lý 2.500 tấn mỗi ngày, còn ở khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, đơn vị là Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, mỗi ngày xử lý khoảng 5.000 tấn.
Các đơn vị xử lý rác đều ký hợp đồng với thành phố, chịu trách nhiệm xử lý 1 sản phẩm cho tới khi hoàn chỉnh.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng, ngành tài nguyên môi trường có các hệ thống quan trắc, kết nối với các trung tâm dự báo, biết rằng năm nay việc biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các mùa dẫn tới mùi hôi ở các khu xử lý rác, đặc biệt ở ở bãi rác Đa Phước, vì vậy đã áp dụng ngay 10 giải pháp, trong đó bổ sung thêm cho các đơn vị xử lý phải làm.
Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết: bãi chôn lấp rác Đa Phước được thiết kế chôn lấp 24 triệu tấn rác. Tuy nhiên đến nay, công suất đã chôn lấp là 13 triệu tấn với độ cao là 27m. Do đó nếu gió thổi mạnh và theo hướng gió thì mùi hôi của bãi rác sẽ lan tỏa quanh vùng.
Trước tình trạng này, ngành đã xử lý bằng nhiều biện pháp để hạn chế mùi hôi từ bãi rác Đa Phước, cụ thể như: tăng cường xịt các hóa chất, bố trí thời gian xử lý và thời gian tiếp nhận một cách hợp lý, không tập trung vào 1 thời điểm.
Ông Nguyễn Toàn nói: “Chúng tôi xác định rằng, công nghệ chôn lấp có tiên tiến thế nào đi nữa thì nó cũng ảnh hưởng mùi. Do đó thành phố điều chỉnh ngay chỉ tiêu từ nay đến 2020 phải giảm chôn lấp xuống dưới 50%. Riêng với công ty xử lý chất thải Việt Nam ở Đa Phước, chúng tôi đã có đề nghị chuyển ngay sang xử lý bằng đốt và thu khí là 2.000 tấn để giảm lượng chôn lấp”./.