TPHCM: Cửa biển Cần Giờ bị cày nát do nạn khai thác cát lậu
Thứ Sáu, 07:00, 02/06/2017
VOV.VN - Lực lượng khai thác cát lậu ngang nhiên cày xới cả một vùng cửa biển Cần Giờ nhưng chưa thấy bất cứ động thái kiên quyết nào từ chính quyền.
Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông và khu vực cửa biển tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số khu vực giáp ranh với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai đang diễn ra rầm rộ. Lực lượng khai thác cát lậu ngang nhiên cày xới cả một vùng cửa biển Cần Giờ, nhưng không thấy bất cứ động thái kiên quyết nào từ chính quyền, lực lượng chức năng các địa phương.
Khoảng 16h30 ngày 29/5 có ít nhất 4 đến 5 chiếc sà lan đang liên tục quần thảo tại khu vực Cồn Ngựa kéo dài từ huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh sang địa bàn giáp ranh Thành phố Vũng Tàu. Phần lớn các sà lan có số hiệu SG, BRVT, trong đó có cả sà lan số hiệu của một số tỉnh phía Bắc vào đây khai thác cát trái phép. Vào thời điểm này con nước đang lên và có ít nhất 5,6 chiếc sà lan loại này đang tiến về phía Cồn Ngựa.
Chỉ cần khoảng 4 giờ sau là hàng ngàn khối cát được bơm đầy sà lan và rời khỏi hiện trường.
Ghi nhận của phóng viên trong 2 ngày 29 và 30/5: rất nhiều sà lan khai thác loại lớn có trọng tải khoảng 3 ngàn m3 với máy bơm công suất lớn tập trung ở Cồn Ngựa, Cần Giờ. Ngoài sà lan của các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, còn có nhiều sà lan từ phía Bắc như: thành phố Hải Phòng, Nam Định... Những chiếc vòi hút cát lớn được cắm sâu xuống đáy, chỉ cần khoảng 4 giờ sau là hàng ngàn khối cát được bơm đầy sà lan và rời khỏi hiện trường. Sà lan này vừa rời khỏi là ngay lập tức có sà lan khác chạy ra thay thế. Số cát được đưa sâu vào rạch Tắc Suất và một số tuyến sông nhỏ khác của thị trấn Cần Thạnh, Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh và Sông Gò Gia thuộc xã Phước Khánh, huyện Nhơn trạch, tỉnh Đồng Nai... Tại đây đều có những bãi trung chuyển để tập kết cát của các đầu nậu. Mặc dù sà lan hút cát trái phép ngay giữa ban ngày, nhưng vẫn không hề thấy sự có mặt của bất cứ một đơn vị chức năng nào.
Anh Trần Hồng Tài-ngư dân đánh cá trên vùng biển này cho biết: “Mỗi ngày đều có từ 10 đến 12 chiếc có khi mới 7 giờ hoặc 8 giờ sáng tụi nó đã chạy ra bơm ầm ầm, khoảng 11 đến 12 giờ lại chạy vô. Có lúc ít cũng đến 7 đến 8 chiếc, tại vì chưa ra kịp thôi”.
Bên trong các tuyến sông nội địa của thành phố Hồ Chí Minh và một số tuyến sông giáp ranh với 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, những ngày gần đây do bị kiểm tra nên các phương tiện di chuyển qua khu vực cửa sông, cửa biển bơm hút. Sau đó, các phương tiện chở cát tập kết về các bãi phía địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bán lại cho những công trình san lấp làm đường tại đây.
Người dân khu vực này cho biết: Nhiều năm qua, sông Gò Gia, Lòng Tàu, Đồng Tranh, Ngã 7, Soài Rạp... luôn là điểm nóng phức tạp về tình trạng khai thác cát trái phép... Sau mỗi đợt thanh kiểm tra thì mọi việc đâu lại vào đó và mỗi ngày tình trạng khai thác cát lậu lại càng tăng khiến cho người dân rất bức xúc. Tuy nhiên, do lo sợ bị trả thù, không muốn gặp phiền phức nên không ai dám báo cho cơ quan chức năng.
Một ngư dân đánh bắt cá khu vực sông Gò Gia, Cần Giờ đề nghị dấu tên nói: “Nhóm Hải Phòng có cả ghe và ca nô, chiếc ghe gỗ số 6868 luôn chở theo giang hồ bảo kê. Lần trước, tôi kè theo sà lan cát xem sao, liền bị chúng kè kè theo đòi bắt. Nhóm giang hồ đó dí tui một lần tui cũng rất sợ, không dám làm gì”.
Nhiều xà lan có công suất lớn quần thảo bơm cát.
Tình trạng khai thác cát lậu hoành hành không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, dòng chảy, gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân tại nhiều khu vực mà còn là mối hiểm họa về tai nạn giao thông đường thủy, hàng hải.
Trung tá Phan Văn Mẫn, Đội trưởng Đội Điều tra giải quyết tai nạn, xử lý vi phạm và tuyên truyền luật giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Hiện nay trên địa bàn đường thủy không có cấp phép công trình hút cát duy tu luồng. Đối với tuyến đường thủy nội địa hiện chỉ có những công trình cho nạo vét cảng bến để thông luồng, những vị trí này khi nạo vét chỉ có bùn chứ không có cát”.
Cho đến thời điểm này, mặc dù không có bất cứ dự án hay công trình nào được cấp phép khai thác cát ở khu vực vừa nêu, nhưng việc bơm hút cát trộm vẫn diễn ra công khai, trong một thời gian khá dài. Trong khi đó, ở nhiều nơi, việc xử lý lại chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, nạn khai thác cát ngày càng gia tăng, thách thức lực lượng chức năng.
5 tháng đầu năm nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh đã tập kích 14 vụ, bắt giữ 24 đối tượng với số tiền xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng... Tuy nhiên, việc xử lý chỉ dừng lại ở mức chế tài hành chính, chưa có một trường hợp nào bị khởi tố. Thượng tá Nguyễn Văn Sửu, Phó Trưởng phòng Phòng Chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Các đối tượng khai thác cát lậu luôn đối phó bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong khi đó, lực lượng chức năng không thể sử dụng tàu lớn để tuần tra vì đã bị chính lực lượng trộm cát theo dõi... Do đó lực lượng chức năng phải trưng dụng phương tiện của người dân, xuất kích từ một địa phương khác, việc này cũng xảy ra không ít bất cập.
Thượng tá Nguyễn Văn Sửu cho biết thêm: “Các tỉnh, thành phố địa bàn miền Đông Nam bộ đã có ký quy chế phối hợp đấu tranh với hoạt động khai thác cát ở các khu vực giáp ranh nhưng hiệu quả mới dừng lại ở việc trao đổi thông tin, thống nhất xây dựng kế hoạch. Trong quá trình bắt giữ cũng có phối hợp vài lần nhưng thực ra luôn bị các đối tượng cảnh giới theo dõi nên ở công tác đấu tranh, công tác phối hợp vẫn còn nhiều hạn chế nên chưa đạt được theo mong muốn”.
Tình trạng khai thác cát lậu ở khu vực Cồn Ngựa, Cần Giờ và những địa bàn giáp ranh đã được phản ánh nhiều lần, song đến nay, lực lượng khai thác cát lậu vẫn hoạt động rầm rộ như một đại công trường. Sự im lặng của chính quyền và các đơn vị có trách nhiệm đã góp phần tiếp tay cho những kẻ hủy hoại môi trường, làm mất an toàn giao thông đường thủy./.
VOV.VN - Mỏ cát lậu nằm lộ thiên bên Quốc lộ 1A tồn tại gần chục năm qua ở Bình Thuận, nhưng chính quyền địa phương gần như bất lực, không cương quyết xử lý.
VOV.VN - Mỏ cát lậu nằm lộ thiên bên Quốc lộ 1A tồn tại gần chục năm qua ở Bình Thuận, nhưng chính quyền địa phương gần như bất lực, không cương quyết xử lý.