Xin việc vào cơ quan Nhà nước: phải thân quen và có lót tay
VOV.VN - Theo PAPI năm 2015, thân quen và lót tay là những yếu tố quyết định sự thành bại của một cá nhân khi xin việc vào khu vực công.
Theo báo cáo PAPI, công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng một bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Song, mục tiêu này rất khó đạt được, nhất là khi thân quen và lót tay là những yếu tố quyết định sự thành bại của một cá nhân khi xin việc vào khu vực công. Kết quả khảo sát PAPI giải đoạn 2011- 2015 cho thấy “chủ nghĩa vị thân” và quan hệ cá nhân trong tuyển dụng nhân lực đã trở thành vấn nạn trong khu vực công.
Chẳng hạn như ở Hà Nội, chỉ có khoảng 14% số người được hỏi cho biết, họ không phải “lót tay” mới xin được việc vào cơ quan nhà nước.
Ở Hà Giang, năm 2015 là năm thứ 2 liên tiếp người dân tỉnh này cho rằng, quan hệ cá nhân có ý nghĩa quan trọng khi xin việc vào cơ quan nhà nước, thể hiện qua việc hầu như không có người nào trả lời rằng không cần quan hệ cá nhân để xin vào làm việc ở 5 vị trí công vụ cấp xã/phường được hỏi.
“Làm thế nào để chống tham nhũng? Đây là vấn đề mất rất nhiều thời gian và lâu dài. Để chống tham nhũng tất cả chúng ta phải đồng lòng và vào cuộc”, TS Đặng Hoàng Giang đưa vấn đề này ra tại buổi lễ công bố báo cáo PAPI 2015 tại Hà Nội.
Theo báo cáo PAPI năm 2015 (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam), cho thấy tình chất “kinh niên” của nạn tham nhũng ở Việt Nam.
Chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền qua bốn nội dung thành phần gồm: “kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương”, “Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công” “công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công” và “quyết tâm chống tham nhũng”. Theo đó, chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công: giảm 3% điểm so với năm 2014.
Các đại biểu quốc tế tham dự buổi lễ công bố báo cáo PAPI 2015. |
Người trả lời trên phạm vi toàn quốc cũng cho rằng, tình trạng thân và tham nhũng trong chính quyền địa phương rất phổ biến. Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy động lực và quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng trong giới chức và người dân có xu hướng giảm dần.
Trà Vinh, Nam Định, Quảng Trị, Cần Thơ... là những điểm sáng
Trà Vinh đạt điểm cao nhất trong chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng” năm 2015 nhờ đạt được điểm cao nhất ở hai nội dung thành phần “kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công” và "công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công”. So với kết quả năm 2011, điểm số của Trà Vinh tăng đến 47% sau 5 năm. Nam Định đạt điểm cao nhất ở nội dung “quyết tâm chống tham nhũng” của chính quyền và người dân năm 2015.
Kiểm soát tham những trong chính quyền địa phương, chỉ số nội dung thành phần này đo lường mức độ hiệu quả trong kiểm soát một số hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu của cán bộ chính quyền các cấp trong thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước cung ứng dịch vụ công. So với 2 năm trước, khảo sát năm 2015 cho thấy, người dân ít lạc quan hơn trong đánh giá về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương.
Tỷ lệ người trả lời đồng ý với nhận định rằng, cán bộ chính quyền không sử dụng công quỹ vào mục đích riêng (54% so với 59% năm 2014), không vòi vĩnh đòi hối lộ khi làm thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất (48% so với 54% năm 2014), không vòi vĩnh đòi hối lộ khi làm thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất (48% so với 54% năm 2014) hoặc khi thụ lý hồ sơ xin cấp phép xây dựng của người dân thấp hơn trước (49% so với 58% năm 2014).
Quảng Trị, Cần Thơ và Trà Vinh được người dân đánh giá cao lần lượt ở 3 chỉ tiêu này. Trong khi đó, Hà Giang, Bình Dương và TP HCM đứng cuối bảng lần lượt ở 3 chỉ tiêu.
Phát hiện từ báo cáo PAPI 2015 cho thấy, người dân Việt Nam nói chung quan tâm đến các vấn đề kinh tế (đói nghèo, việc làm), điều kiện hạ tầng (giao thông, đường xá) và các vấn đề khác như tham nhũng, an ninh, trật tự. Đây là những vấn đề cần được cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tập trung xử lý từ phương diện chính sách và hành động thực tiễn, từ đó hiện thực hóa các mục tiêu phát triển chung ở cấp quốc gia.
Chỉ 3% số người bị nhũng nhiễu tố giác hành vi tham nhũng
Kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy, tỷ lệ người trả lời cho biết họ không bị vòi vĩnh, đòi hối lộ và tỷ lệ đánh giá tích cực về mức độ nghiêm túc của chính quyền cấp tỉnh trong xử lý các vụ việc tham nhũng ở địa phương đều giảm so với năm 2013 và 2014. Ở Kiên Giang, hầu hết người trả lời cho biết họ không bị vòi vĩnh trong năm qua. Ở Ninh Bình, gần 57% cho biết chính quyền tỉnh đã nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng (tỷ lệ cao nhất toàn quốc năm 2015).
Năm 2015, chỉ khoảng 3% số người đã bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã tố giác hành vi tham nhũng của cán bộ chính quyền. Riêng ở Long An, phần lớn những người bị või vĩnh cho biết, họ đã tổ giác. Kết quả khảo sát năm 2015 cũng cho thấy mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh, hối lộ của người trả lời trên toàn quốc lớn hơn rất nhiều so với những năm trước: người bị vòi vĩnh sẽ không tố giác hành vi đòi hối lộ nếu số tiền bị vòi vĩnh chưa lên tới 24 triệu đồng.
Người dân Hải Phòng có vẻ chịu khuất phục hành vi vòi vĩnh nhất bởi họ chỉ tố giác nếu số tiền lên tới 72 triệu đồng trở lên. Mức độ chịu đựng vòi vĩnh của người dân Quảng Ngãi thấp nhất, với số tiền bị vòi vĩnh dẫn tới tố giác chỉ bằng 1/10 số tiền trung bình ghi nhận được ở Hải Phòng.