Về Tân Định, cái nôi của lực lượng Biệt động Sài Gòn

VOV.VN - Phường Tân Định (Quận 1, TP HCM) xưa kia có nhiều cơ sở của lực lượng Biệt động Sài Gòn, là nơi đứng lên giành chính quyền đầu tiên của Quận 1.

Nằm ở trung tâm TPHCM, phường Tân Định, Quận 1 xưa kia có tên là phường Trần Quang Khải, có truyền thống đấu tranh cách mạng mạnh mẽ với nhiều cơ sở của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Vì thế, ngày 30/4/1975, đây là phường đầu tiên của Quận 1 đứng lên giành chính quyền, nhân dân chủ động giải phóng mình trước khi bộ đội tiến vào giải phóng thành phố Sài Gòn. Ngày nay, phường Tân Định vẫn đông đúc dân cư, kinh doanh sầm uất với các tuyến đường lớn như Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải, Võ Thị Sáu, chợ Tân Định…Và dòng chảy của truyền thống cách mạng năm xưa vẫn được lưu giữ, tiếp nối, phát huy. 

Phường Tân Định đông đúc dân cư, kinh doanh sầm uất

Lịch sử Đảng bộ phường Tân Định 1930-2010 ghi rõ: “Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân phường Trần Quang Khải đã hòa cùng với các lực lượng vũ trang từ bên ngoài chuẩn bị mọi mặt, bảo đảm cho trận đánh cuối cùng giành thắng lợi trọn vẹn…..Ngày 30/4/1975, khi các mũi tiến công của quân giải phóng từ các ngả tiến vào thành phố, thì ngay lúc 7 giờ sáng, tại phường Trần Quang Khải, lá cờ đầu tiên được treo tại trụ sở khóm 6 của ngụy. Cùng lúc đó các cán bộ bám chốt tại các cơ sở trong phường Trần Quang Khải phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, phường, khóm, chiếm bốt cảnh sát Tân Định, buộc chúng đầu hàng và tước đoạt 1.400 súng các loại…”.

Đến nay, 45 năm trôi qua, những nhân chứng lịch sử quan trọng như vợ chồng ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự ở cơ sở của Biệt động Sài Gòn trên đường Đặng Dung, ông Mười Khiêm, anh Huệ là những người nhận nhiệm vụ may cờ Mặt trận Giải phóng cho ngày 30/4…đều đã đi xa. Nhưng những chứng cứ lịch sử thì vẫn được ghi nhớ mạch lạc trong những người thời kỳ sau đó về tiếp quản phường Trần Quang Khải- phường Tân Định, xây dựng và phát triển phường này.

Phải đến 10 năm sau ngày giải phóng, khi mọi công việc sắp xếp, xây dựng phường tạm ổn, Đảng bộ và chính quyền phuờng Tân Định đứng ra lập Bia lịch sử đánh dấu ngày 30/4/1975 “Đây là cuộc nổi dậy dành chính quyền sớm nhất ở quận 1”, ngay tại nơi xưa kia là bốt cảnh sát Tân Định, để nhân dân trong phường ghi nhớ sự kiện đặc biệt này.

Ông Lê Văn Thanh, năm 1983 là Bí thư Chi bộ phường 3 (1 trong 4 phường được chia tách từ phường Trần Quang Khải)

Năm 1983, ông Lê Văn Thanh được bầu làm Bí thư Chi bộ trong đại hội của Chi bộ phường 3 (một trong 4 phường chia tách từ phường Trần Quang Khải trước kia) kể: "Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân phường Trần Quang Khải đã nổi dậy dưới sự lãnh đạo của một chi bộ Đảng. Theo tôi được biết lúc đó ông Mười Khiêm làm chỉ huy ở đây, kể cả những người được vận động may cờ giải phóng cũng ở khu vực này, đã nổi dậy bao vây số 130 Trần Quang Khải lúc đó là bốt cảnh sát Tân Định, tước toàn bộ vũ khí và giành chính quyền. Coi như đây là cuộc nổi dậy đầu tiên, giành chính quyền sớm nhất ở quận 1. Như bia lập là 7h sáng ngày 30-4-1975 đã xảy ra sự kiện này".

Xây dựng phường đáng sống

Sau giải phóng, phường Trần Quang Khải được chia thành các phường 1-2-3-4 một thời gian, rồi lại nhập các phường 1-3-4 vào và lấy tên là phường Tân Định. Nhưng chia hay nhập thì công tác ổn định đời sống nhân dân, chỉnh trang đô thị đều được các phường đặt lên hàng đầu. Thấy rõ nhất là ở bờ kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, một khu vực dân cư từng ở từ bờ lấn ra mặt kênh rất phức tạp. Sau ngày giải phóng, nhiều cán bộ của phường cùng đoàn viên thanh niên về khu bờ kênh cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm với người dân để cải tạo môi trường sống. Nhưng phải đến mãi những năm sau này, khi thành phố có dự án cải tạo toàn bộ kênh, di dời người dân sống trên kênh đến các khu dân cư thì mới thực sự thay đổi bộ mặt đô thị, chất lượng sống. Những năm sau này, Đại tá Trần Đức Thơ, một chiến sỹ Biệt động Sài Gòn năm xưa được giao nhiệm vụ về phường Tân Định tham gia công tác Đảng, công tác chính quyền. Ông chứng kiến sự thay đổi rõ nét bên bờ kênh Nhiêu Lộc cũng như sự đi lên trong đời sống người dân.

Ông kể, sau khi chỉnh trang đô thị của phường xong, có những sĩ quan của chế độ cũ trở về, gặp ông Trần Đức Thơ, họ nhắc đi nhắc lại là không biết tại sao chính quyền của ta lại có thể làm được như vậy: "Năm 1992 tôi về hưu, về làm cấp ủy phường Tân Định, làm công tác xóa đói giảm nghèo. Tôi hay đi vào khu vực khu phố 1, khi đó toàn khu vực này rất hôi. Nhưng sau này mở kênh Nhiêu Lộc, tất cả nhà trên kênh giải tán hết, đồng thời nhà nước làm một con đường sạch và xanh. Một viên trung tá ngụy về thăm chỗ này, gặp tôi, ông ta nói: Thưa với ông, tôi từng là trung tá ngụy hồi đó ở đây, giờ về đây tôi không thể nào tưởng tượng nổi sự đổi mới, trước đây chính quyền ngụy không thể nào giải tỏa được khu vực bờ kênh này".

Bia ghi dấu sự kiện phường đầu tiên của quận 1 giành chính quyền vào ngày 30/4/1975.

Ngày nay, phường Tân Định, quận 1 là một phường thực hiện mạnh mẽ chủ trương phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ- thương mại-du lịch với gần 2.600 hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp tư nhân. Phường thu ngân sách luôn vượt chỉ tiêu được giao, gần nhất là năm 2019 thu gần 26 tỷ đồng. Đời sống người dân ở mức cao với 96,4% số hộ là gia đình văn hóa và trong tổng số gần 4.200 hộ đang cư trú ở phường chỉ còn 16 hộ nghèo, 55 hộ cận nghèo, đều đang được hỗ trợ phương kế làm ăn để thoát khỏi khó khăn. Ông Lê Tiến Sĩ, Bí thư Đảng ủy phường Tân Định nói, đặc thù của phường Tân Định từ trước ngày giải phóng đến nay là cộng đồng dân cư khá ổn định. Xưa kia đa số bà con đều nghèo khó, dần dần được chính quyền tạo điều kiện phát triển kinh tế và chính bà con tự giúp nhau nên khá hơn rất nhiều.

Ông Lê Tiến Sĩ cho biết: "Chính đặc thù địa bàn dân cư như vậy mà tình làng nghĩa xóm luôn đặt lên hàng đầu. Sự gắn kết trong cộng đồng rất chặt chẽ. Người dân ở các khu vực của phường sống chan hòa, đoàn kết, gắn bó. Hiện nay mục tiêu của phường là xây dựng Tân Định thành phường đáng sống. Người dân đồng thuận tham gia xây dựng từng khu xóm, khu dân cư trở thành nơi đáng sống."

Có thể khẳng định, tinh thần đoàn kết, những đóng góp, hy sinh của nhân dân Tân Định trong kháng chiến nói chung và trong chiến dịch Hồ Chí Minh với ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam nói riêng, xứng đáng được lịch sử ghi nhận và tôn vinh. Quan trọng hơn, truyền thống cách mạng đó phải được chính người Tân Định hiện nay ghi nhớ và tiếp nối./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên