Xử lý kỷ luật vụ gian lận thi cử ở Sơn La: Chưa thuyết phục dư luận!
VOV.VN - Dư luận mong muốn việc xử lý kỷ luật cần công tâm, khách quan, đúng người, đúng vi phạm để tránh oan sai, không bỏ lọt người mắc khuyết điểm
Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La về kết quả kiểm tra, xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm liên quan đến gian lận thi cử tại địa phương, có 100 cán bộ đảng viên liên quan, trong đó thi hành kỷ luật với 83 đảng viên; phê bình nghiêm khắc đối với 9 đảng viên; đang kiểm tra, xem xét đối với 6 đảng viên và 2 đảng viên chưa xem xét theo quy định do đang nghỉ thai sản.
Dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn sau việc kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm liên quan đến gian lận thi cử |
Sau thông báo này, dư luận đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc: Cũng nhờ xem điểm nhưng phụ huynh người bị khiển trách, người lại bị cảnh cáo? Hay việc xử lý kỷ luật đối với Tổ thư ký, chấm thi tự luận, 2 giáo viên chấm cùng 1 bài văn được xem là vi phạm quy trình, người bị khiển trách, người chỉ rút kinh nghiệm. Tương tự như tổ chấm thanh tra cũng vậy.
Trong số 46 đảng viên là cha, mẹ của thí sinh được nâng điểm trái quy định bị kỷ luật có ông Nguyễn Ngọc Hà, nguyên Trưởng phòng giáo dục Trung học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La bị cách tất cả các chức vụ trong đảng vì lợi dụng vị trí công tác nhờ xem điểm cho con và một số người khác trước khi có thông báo điểm công khai. 12 đảng viên nhờ xem điểm cho con trước khi có thông báo điểm công khai bị cảnh cáo; khiển trách, 32 đảng viên vì vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên về tự phê bình, trách nhiệm tuyên truyền và nêu gương theo quy định của Đảng; 1 đảng viên khác bị phê bình nghiêm khắc.
Nói về việc xử lý nhóm đảng viên là cha, mẹ của thì sinh được nâng điểm trái quy định bị kỷ luật, ông Nguyễn Văn Mạnh, trước đây từng công tác trong ngành tư pháp ở thành phố Sơn La cho rằng, bản chất nhận nhờ hay chối bay là không nhờ xem điểm là giống nhau, đều là con em mình được nâng điểm. Thậm chí đối với người không nhận, Đảng phải xử lý mạnh tay hơn vì quanh co chối tội.
Ví dụ, trường hợp ông Lê Trong Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố bị xử lý cảnh cáo vì có nhận nhờ ông Hoàng Tiến Đức, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và ông Nguyễn Minh Khoa, nguyên Phó phòng an ninh chính trị nội bộ xem điểm cho con trai và cháu ruột. Trong khi đó ông Dương Đức Toàn, Bí thư chi bộ, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Sơn La lại chỉ bị khiển trách vì không nhận nhờ xem điểm cho con trai và cháu gái. Trong khi ông Hoàng Tiến Đức có khai nhận thông tin nhờ xem điểm trước từ ông Toàn.
Hay như việc xử lý kỷ luật trường hợp ông Đỗ Kim Quang, Nguyên giám đốc VNPT Sơn La và ông Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Sơn La cũng làm dư luận bức xúc. Vì ông Quang nhận có nhờ thì bị cảnh cáo, còn ông Việt từ đầu đến cuối nói không nhờ ông Đức xem điểm cho con trai thì chỉ bị khiển trách! Không lẽ mọi người tự nhiên lại đi nâng điểm không cho con ông để rồi chịu tội.
Tiếp đến, Ủy ban Kiểm tra các cấp cũng đã quyết định thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với 9 đảng viên là đối tượng trung gian có vi phạm trong vụ gian lận thi; đang tiếp tục xem xét xử lý theo quy định đối với 6 đảng viên cũng khiến nhiều cán bộ và nhân dân không đồng tình. Có đảng viên là lãnh đạo cấp phòng của Sở Giáo dục nhờ xem điểm cho 2 thí sinh thì vẫn chỉ là đang xem xét xử lý theo quy định, mà không nêu rõ lý do vì sao vẫn tiếp tục xem xét (cán bộ này không thuộc diện đang ốm đau, hay thai sản), có người chỉ nhờ xem điểm cho 1 thí sinh lại chịu mức cảnh cáo.
Đặc biệt, việc xử lý kỷ luật đối với Tổ thư ký, các thầy cô chấm thi tự luận chưa thuyết phục. Như 4 cặp chấm (gồm 8 người) ở 4 bài văn bị thay phiếu mà người chấm không hề biết, nhưng chỉ có 4 người bị khiển trách, do lỗi sai quy trình để các đối tượng lợi dụng thay phiếu nâng điểm, 4 người còn lại chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm. Như vậy, liệu đã thực sự công tâm, khách quan trong xem xét xử lý kỷ luật để dẫn đến các thầy cô bức xúc gửi đơn kiến nghị, khiếu nại!?. Hoặc như tổ thanh tra người bị kỷ luật, người không, gây bất bình cho nhiều người.
Dư luận hoan nghênh Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp ở tỉnh Sơn La đã tích cực vào cuộc, xem xét, xử lý kỷ luật hàng trăm cán bộ liên quan đến vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia Sơn La 2018. Tuy nhiên, dư luận cũng mong muốn việc xử lý kỷ luật cần công tâm, khách quan, đúng người, đúng vi phạm để tránh oan sai, cũng như bỏ lọt những người mắc khuyết điểm, mới lấy lại niềm tin trong nhân dân./.