Liệu Hàn Quốc có vì Triều Tiên mà đối đầu với Mỹ?
VOV.VN - Nếu Hàn Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Triều Tiên, mối quan hệ Mỹ - Hàn trong hàng thập kỷ có thể đứng trước nguy cơ chia rẽ và rạn nứt.
Viễn cảnh Hàn Quốc “hành động mà không được sự đồng ý” của Mỹ
Hàn Quốc đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên Triều Tiên trong nhiều năm liền nhưng ngày 10/10, Seoul đang cân nhắc đến việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt này. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy chiến lược của Mỹ nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên dỡ bỏ vũ khí hạt nhân đang có nguy cơ bị lung lay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: AP |
Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, Seoul xem xét việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là một biện pháp khuyến khích Bình Nhưỡng từ bỏ phát triển chương trình hạt nhân. Hàn Quốc từng áp một số lệnh trừng phạt về tài chính lên Triều Tiên với cáo buộc quốc gia này gây ra sự cố đắm tàu Cheonan khiến 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng năm 2010.
Ngày 10/10, Ngoại trưởng Hàn Quốc cũng nhận định: "Vấn đề dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang được xem xét dựa trên những diễn biến trong quan hệ liên Triều nói chung".
Hiện vẫn chưa rõ liệu động thái thực sự của Hàn Quốc là gì. Nếu Seoul dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Triều Tiên, việc này có thể làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ theo 2 cách:
Thứ nhất, đây là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ trong cách tiếp cận của Mỹ và Hàn Quốc về vấn đề chấm dứt các chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Chính quyền ông Trump muốn tiếp tục gây áp lực lên Bình Nhưỡng về mặt tài chính như một phần trong chiến lược "gây sức ép tối đa" khiến Triều Tiên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ các chương trình hạt nhân, bất chấp những dấu hiệu tích cực trong quan hệ ngoại giao giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Thứ hai, động thái này có thể làm rạn nứt nghiêm trọng mối quan hệ giữa Seoul và Washington. Một trong những mục tiêu lớn nhất của Triều Tiên là làm suy yếu mối quan hệ Mỹ - Hàn vốn được xây dựng trong hàng thập kỷ. Nếu 2 quốc gia không tạo ra được một mặt trận thống nhất, điều này có thể gây nên căng thẳng về mặt chính trị.
Viễn cảnh dễ thấy nhất là nếu Seoul "hành động mà không được sự đồng ý" từ Washington, Mỹ sẽ không còn coi Hàn Quốc là một đối tác đáng tin cậy nữa. Trong khi đó, Tổng thống Moon Jae-in có lẽ sẽ cho là đội ngũ của ông Trump hành động quá thô bạo với Triều Tiên và tiếp tục con đường đàm phán hòa bình mà không có Washington.
Đó rõ ràng là những dấu hiệu của sự chia rẽ. Ngày 10/10, bà Kang cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không hài lòng với hiệp ước quân sự giữa Seoul và Bình Nhưỡng hồi tháng 9/2018. Đây dường như là một sự thừa nhận hiếm hoi cho vết rạn nứt dù nhỏ nhưng đang lớn dần lên giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Hàn Quốc từng hỗ trợ Triều Tiên bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế
Trong khi đó, thông báo của Hàn Quốc về khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khiến Triều Tiên vui mừng vì nhiều lý do khác nhau.
"Ông Kim Jong Un đang cố gắng chia rẽ Mỹ và Hàn Quốc. Điều này nghĩa là ảnh hưởng của 2 quốc gia đang dần bị xói mòn và việc thực hiện chiến lược gây sức ép tối đa sẽ khó khăn hơn".
Sung-Yoon Lee, một chuyên gia Hàn Quốc tại Đại học Tufts khẳng định đây là cách Hàn Quốc từng giải quyết với các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên.
"Hàn Quốc tự xem mình là một ngoại lệ với luật pháp và các quy chuẩn quốc tế". Ông Lee cũng cho biết thêm Seoul luôn tìm cách để hỗ trợ tài chính cho Triều Tiên. Minh chứng cho điều này là việc Seoul từng hỗ trợ cho Bình Nhưỡng 8 tỷ USD từ năm 1998 - 2008 bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế lên Triều Tiên. Một nửa số tiền này là dưới thời cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun, từ năm 2003 - 2008.
Tổng thống Roo là người theo những quan điểm tiên tiến thúc đẩy mối quan hệ thân thiết hơn với Triều Tiên qua cái gọi là "chính sách Ánh Dương". Ông cũng từng là lãnh đạo của Tổng thống Moon Jae-in. Tuy nhiên, những người theo quan điểm bảo thủ ở Hàn Quốc lại ủng hộ hướng tiếp cận cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.
Đến nay, dường như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn đang tiếp tục chính sách tiến bộ dài hạn này nhằm nỗ lực cải thiện mối quan hệ song phương giữa hai miền Triều Tiên.
Chiến lược "gây sức ép" tối đa của Mỹ đang thất bại?
Thậm chí trước khi Seoul đưa ra thông báo, chiến lược "gây sức ép tối đa" của chính quyền Tổng thống Trump nhằm cô lập Triều Tiên về mặt kinh tế và ngoại giao cho đến khi quốc gia này từ bỏ chương trình hạt nhân, đang dần sụp đổ.
Ông Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi tháng 6/2018 ở Singapore và sau đó là việc trao đổi ngoại giao được tiến hành trong nhiều tháng giữa hai quốc gia. Thậm chí, theo ông Trump, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã "phải lòng nhau".
Mối quan hệ dần cải thiện hơn với Triều Tiên khiến Mỹ có các động thái mềm mỏng hơn trong hướng tiếp cận cứng rắn với Triều Tiên. Điều này khiến Trung Quốc và Nga, 2 đồng minh của Triều Tiên có thể "rảnh tay" để thúc đẩy quan hệ thương mại với Bình Nhưỡng và tạo điều kiện để Triều Tiên phát triển kinh tế.
Ngày 10/10, Bắc Kinh cho biết Moscow và Bình Nhưỡng sẽ sớm thúc đẩy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Triều Tiên.
Nền kinh tế Triều Tiên vẫn phải đối mặt với nhiều sức ép và Washington vẫn muốn Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân trước khi dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào. Tuy nhiên, chính sách gây sức ép lên nền kinh tế Triều Tiên của Mỹ dường như đang "cận kề cái chết" và người khai tử chính sách ấy, không phải ai khác, có thể chính là Hàn Quốc./.
Tổng thống Donald Trump: Hàn Quốc sẽ không làm gì nếu Mỹ không đồng ý
Truyền thông Triều Tiên: Mỹ nhất trí bãi bỏ trừng phạt Triều Tiên