Chán chường vì cha mẹ gây áp lực học hành và cấm đoán tình cảm
VOV.VN -Em càng thấy chán, thấy áp lực nặng nề và không có hứng thú học tập. Bố em lại nghĩ vì em yêu đương linh tinh nên càng ra sức cấm đoán em.
Em năm nay 18 tuổi, đang học lớp 12. Nhà em có 3 anh em, em là lớn nhất, sau em còn một em đang học lớp 10 vàọ một em đang học lớp 7. Nhà em ở thị trấn huyện khá sầm uất, nhưng vì là trong ngõ nhỏ nên chẳng làm ăn, kinh doanh được gì. Bố em làm cán bộ cơ quan Nhà nước, mẹ em trước đây là công nhân nhưng đã xin đi nghỉ sớm, đi lao động ở Malaysia cách đây 5 năm.
Từ khi mẹ em đi và gửi tiền về thì kinh tế gia đình em khấm khá hơn, mua sắm được nhiều trang thiết bị hiện đại, 4 bố con em ở nhà sinh hoạt cũng đỡ khó khăn. Mẹ em hay gọi điện về và rất quan tâm đến việc học hành của 3 anh em. Bố em cũng thường xuyên nhắc nhở 3 đứa phải cố gắng học để không phụ công mẹ đi xa nhà, làm lụng vất vả, kiếm tiền nuôi con.
Em cũng rất thương bố mẹ, lại là anh cả nên em thường nhắc nhở, thay bố mẹ chăm sóc, dạy dỗ và quản lý các em. Được cái hai đứa em của em cũng ngoan ngoãn, biết nghe lời nên bố mẹ cũng yên tâm về ba anh em em.
Nhưng thời gian gần đây em cảm thấy bị áp lực và chẳng biết phải vượt qua như thế nào. Từ nhỏ em đã có sức học khá, từ khi mẹ đi xa nhà, em càng cố gắng học hơn nên sức học tiến bộ lên trông thấy. Vì thế em đỗ được vào lớp chọn của trường cấp 3. Trong lớp em lại được xếp đứng trong top 5, được cử đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Với tính tình hoạt bát, em cũng được các bạn quý mến, bầu làm cán bộ lớp và tham gia rất nhiều phong trào văn thể mỹ của trường. Bố mẹ em rất tự hào và luôn lấy em ra làm gương, nhắc nhở 2 đứa em phải nhìn anh mà học tập. Nhưng càng ngày em càng thấy niềm tự hào mà bố mẹ dành cho mình dần trở thành áp lực dồn lên vai em.
Em cảm nhận thấy điều đó từ hồi mới vào cấp 3 nhưng đến năm cuối cấp này thì điều đó càng ngày càng tăng lên. Một mặt bố mẹ bảo các em của em phải noi gương anh, một mặt bố mẹ bảo em phải làm gương cho các em học tập. Ban đầu thì em cũng thấy bình thường, nhưng đến bây giờ thì em thực sự không muốn nghe những điều bố mẹ dặn dò, nhắn nhủ kiểu như thế chút nào.
Em chẳng muốn “làm gương” chút nào, em muốn bố mẹ cứ để em tự nhiên, tự cố gắng trước hết là vì chính mình, sau là vì bố mẹ và các em, chứ không phải lúc nào và làm gì cũng phải nghĩ mình làm anh, làm gương cho các em soi vào như điều mà bố mẹ vẫn hay nói. Em đã có lần góp ý với bố và kể cả khi mẹ gọi điện về dặn dò nọ kia cũng vậy.
Ảnh minh họa |
Nhưng có vẻ như bố mẹ không hiểu những điều em muốn nói, không hiểu những áp lực mà em đang phải chịu đựng. Bố cứ bảo: “Đầu tầu gương mẫu là đúng rồi còn gì? Con mà lười nhác, học hành kém cỏi, chơi bời hư hỏng thì làm sao nói được các em?”. Thế là em lại phải tiếp tục chịu đựng những áp lực mà bố mẹ trút lên vai mình.
Thực ra tuổi trẻ của em thường ham chơi, thích tụ tập bạn bè, tính em lại quảng giao và tham gia nhiều phong trào. Nhưng cứ hễ đi học về muộn một chút là bố lại gọi điện tìm khắp nơi. Đi học thêm buổi nào, ở đâu, mấy giờ?... bố em cũng nắm chắc và không bao giờ cho em đi đâu ngoài việc đi học. Vừa mấy hôm trước bố em mắng em một trận tơi bời vì thấy em đi cùng với một bạn gái.
Hôm đó em và N đang đi trên đường, cười nói vui vẻ thì gặp bố đi ngược chiều, bố nhìn thấy em và gọi giật giọng, có vẻ rất bực mình. Bố em bắt phải về nhà ngay để nói chuyện. Rồi bố hỏi quan hệ giữa em và N như thế nào? Có yêu đương gì không? Rồi bố bảo cấm có được yêu đương vớ vẩn, giờ chưa đủ tuổi, chưa phải lúc, phải chú tâm vào học tập, sắp sửa thi đại học rồi…
Nói chung bố em mắng và nói em rất nhiều. Em cảm thấy bố chẳng suy nghĩ gì cho em cả. Dù là bố muốn em đỗ đạt cũng là muốn tốt cho em. Nhưng không có nghĩa là cấm đoán em những việc khác. Nói thật là em cũng có tình cảm với N. Cô ấy học ở lớp bên cạnh và cũng học rất giỏi. N tham gia trong Ban chấp hành Đoàn trường cùng với em nên chúng em cũng hay được gặp nhau.
Em có cảm tình với N từ hồi cuối năm lớp 11. Vì em thấy cô ấy khá xinh xắn, tươi tắn và tính tình cũng vui vẻ, dễ gần. Nhưng em cũng sợ tình cảm của mình chưa chín chắn nên không dám bày tỏ với N. Em thấy N cũng có vẻ quý mến em nên mãi đến 14/2 vừa rồi mới dám viết thư gửi cho N. Em lấy hết can đảm mới dám gặp N để đưa thư. Dù đã cố gắng bình tĩnh nhưng chân tay em cứ run lẩy bẩy, tim đập thình thịch…
Từ sau hôm đó em vừa hồi hộp, vừa lo lắng, không biết N sẽ trả lời thư em như thế nào? Nhưng N vẫn im lặng, không viết thư trả lời, cũng không đề cập gì đến chuyện bức thư của em, vẫn giữ thái độ vui vẻ khi gặp em, nhưng em thấy đôi lúc N hơi mất tự nhiên, không còn vô tư như trước đây nữa.
Buổi trưa hôm đó là chúng em phải về muộn, sau khi ở lại họp Ban chấp hành Đoàn trường bàn kế hoạch cho việc tổ chức 26/3 sắp tới. Thế mà bố em lại quát ầm lên giữa đường, trước mặt N khiến em xấu hổ vô cùng. N có vẻ cũng bị bất ngờ và sợ nên lý nhí chào bố em rồi đạp xe đi trước. Bây giờ N có vẻ tránh mặt em, cố gắng giữ khoảng cách, chỉ khi nào không thể không gặp thì N mới trao đổi mấy câu rồi thôi, không trêu đùa vui vẻ như trước nữa.
Em buồn vô cùng. Và càng thấy bị áp lực ghê gớm. Nhất là bố cũng gọi điện nói với mẹ em chuyện này. Mẹ cũng chẳng nghĩ gì đến suy nghĩ, tình cảm của em, cũng nói y như bố, khi nào học hành xong mới được yêu đương. Và từ hôm đó đến giờ bố còn quản lý em chặt chẽ hơn. Thế nên em chán nản vô cùng. N là người con gái đầu tiên em thấy rung động và có tình cảm khác lạ, không như những bạn gái khác. Thế mà chưa đâu vào đâu đã bị bố mẹ cấm đoán và làm ầm ĩ lên như thể chúng em sắp làm gì quá giới hạn không bằng.
Càng ngày em càng thấy chán, thấy áp lực nặng nề và vì thế càng không có hứng thú gì để học tập. Bố em thấy thế lại càng nghĩ là vì em yêu đương linh tinh, ảnh hưởng đến việc học và càng ra sức cấm đoán em. Dù em đã giải thích với bố là chúng em chưa yêu đương gì với nhau cả nhưng bố bảo bố nghe bạn bè trêu em với N, không tự nhiên làm sao chúng nó lại ghép đôi như thế?
Bố còn doạ là sẽ gặp N và bố mẹ cô ấy để nói chuyện, cấm không được yêu đương gì lúc này. Em sợ bố sẽ làm thế thật nên bố nói gì cũng phải nghe theo lời bố, không dám cãi lại dù là nữa lời. Bây giờ em và N đều sắp thi đại học rồi, em lo cho cả em và cả cô ấy. Nhưng em cũng không thể gạt đi được sự chán chường, áp lực nặng nề và tìm lại được sự hứng thú trong học tập. Em sợ là nếu cứ đà này khéo em thi trượt mất…/.