Chỉ nên giữ hôn nhân nếu được nhiều hơn mất
Chỉ cần với bạn, được nhiều hơn mất thì dù mất mát có lớn đến đâu, hôn nhân vẫn có thể duy trì.
Đã sống trong hôn nhân gần 30 năm, chị Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học, thường có nhiều chia sẻ thú vị, đúc kết từ chính những trải nghiệm của bản thân hay chứng kiến từ những người xung quanh. Dưới đây là quan niệm của chị về duy trì hôn nhân trong một xã hội mà tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng.
Mình còn nhớ vào một lần kỷ niệm ngày cưới, khi con gái chúc mừng, có nhiều bạn đã hỏi bí quyết giữ hôn nhân của mình là gì? Mình đã trả lời: bí quyết duy nhất là cứ ì ra, không chịu đi! Không biết có ai hiểu là mình nói thật không?
Đơn giản vì theo mình, tự dưng bỏ nhà bỏ cửa để chung sống với một người hoàn toàn xa lạ, khác biệt từ sở thích ăn uống đến thói quen thật không đơn giản. Cái tôi của ai cũng rất lớn nên va chạm là không tránh khỏi. Có rất nhiều điều khi chưa lập gia đình, mình nghĩ không thể chấp nhận được nhưng rồi khi cưới, muốn ở được với nhau, cái gì cũng có thể chấp nhận hết, như ông bà nói là “Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Thế nhưng hình như rất nhiều người, kể cả đàn ông hay phụ nữ đều nhầm lẫn về chuyện này, cứ ra sức bảo “Chuyện này, chuyện kia mà xảy ra là tôi không thể chấp nhận”. Đây có thể gọi là ảo vọng đầu tiên của hôn nhân. Nếu bạn thật sự muốn duy trì gia đình mình, bạn sẽ phải thay đổi cả con người bạn chứ đừng hy vọng giữ nguyên tắc gì.
Mình vừa xem một chương trình trên truyền hình, phỏng vấn vài ba người về cách ứng xử khi hôn nhân rạn nứt. Ai cũng bảo sẽ tìm hiểu nguyên nhân xem lỗi thuộc về ai rồi yêu cầu người đó sửa chữa. Nếu lỗi của mình thì sẽ tự sửa. Theo mình đây là ảo vọng thứ hai. Hiếm khi mình thấy có ai nhận lỗi, bởi trước hết, nếu nhận ra được là có lỗi thì đã không mắc. Thứ hai, dù lỗi của họ thì họ cũng sẽ bảo là do bên kia có lỗi trước. Ví dụ chồng có bồ là lỗi rành rành nhưng mình chưa gặp ông nào nhận lỗi cả, luôn cho là vợ mình abc nên mình mới thế. Dù vợ có hoàn hảo như tiên sa thì cũng là có lỗi vì đã làm chồng cảm thấy kém cỏi.
Ảo vọng tiếp theo là cho rằng trong hôn nhân, quan trọng nhất là còn yêu nhau, hết yêu thì phải đi thôi. Không thể đặt sự an nguy của cả một gia đình với những đứa trẻ dựa trên một thứ mơ hồ như tình yêu. Mình tin ông bà nói đúng, hết tình còn nghĩa, sống mãi bên nhau thế nào cũng có lúc ghét nhau nhưng còn nghĩa, còn trách nhiệm với nhau thì tình cảm sẽ quay về. Dù sao yêu một người có rất nhiều thứ chung với mình như nhà cửa, con cái, bạn bè, quan hệ, kỷ niệm vẫn dễ hơn rất nhiều so với việc đi yêu và chung sống với một người mới, chưa kể chắc gì lần này tình yêu sẽ ở lại, nhất là khi tập 2 sẽ khó khăn hơn nhiều so với tập 1? Tự nhiên đã đặt ra là con người phải sống có đôi, dù có muốn sống một mình thì cũng không đơn giản nhất là ở xã hội Việt Nam.
Sau khi duy nghĩ, dằn vặt rất nhiều khi mọi chuẩn mực, kỳ vọng của mình dần tan vỡ hết, mình mới hiểu hôn nhân và mọi mối quan hệ trên đời này giống như môn kế toán, có được và có mất. Chỉ cần với bạn, được nhiều hơn mất thì dù mất mát có lớn đến đâu cũng có thể duy trì. Mỗi người quan niệm được/mất khác nhau nên cùng một cảnh, mỗi người sẽ giải quyết khác nhau. Ví dụ chúng ta thường cười chê người phụ nữ biết chồng nuôi vợ bé bên ngoài mà vẫn cam chịu để con có bố, để có sự trợ giúp tài chính vì cho rằng như vậy là xúc phạm nhân phẩm của người vợ. Nhưng nếu với cô ấy, sự ổn định cả về hình thức và tài chính quan trọng hơn, tức là được nhiều hơn mất thì cô ấy vẫn có thể chọn ở lại và cũng chưa chắc cách ấy đã là sai vì việc sống tự lập với cô ấy còn kinh khủng hơn là chịu cảnh chồng chung.
Vậy bạn được và mất gì trong hôn nhân của mình? Và theo bạn, cán cân trong tài khoản hôn nhân của bạn đang là dương hay âm?./.