Chồng Tây - vợ Việt: Tình yêu hay chỉ là lợi dụng?
VOV.VN -Đối với những người nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm tình yêu, lời khuyên tốt nhất là nên học tiếng Việt trước, hiểu văn hóa Việt trước.
Tôi là người Canada đang sống và làm việc ở Việt Nam. Tôi muốn gắn bó lâu dài ở đây nên tôi luôn muốn tìm hiểu thế giới “chồng Tây – vợ Việt” và tôi thấy điều đó vô cùng khó khăn.
Thỉnh thoảng tôi trộm nghĩ “Tình yêu thực sự liệu có còn tồn tại?”
Chắc do tôi đọc báo quá nhiều, nghe quá nhiều chuyện tiêu cực về những mối quan hệ “hoàn cảnh” giữa cặp đôi “chồng Tây - vợ Việt”. Những chuyện xấu tôi đã nghe hầu hết là về một người nước ngoài đến Việt Nam đem lòng yêu một cô gái Việt. Sau đó, những người đàn ông nước ngoài này bị bắt nạt hoặc bị lợi dụng bởi cô gái Việt mà họ thương yêu. Chắc nhiều người Việt Nam sẽ ngạc nhiên và không tin vào điều này. Vì thế, chúng ta cần hiểu rõ tình trạng này xuất phát từ đâu.
Gần đây, tôi đã tìm hiểu tại sao có nhiều quan hệ thất bại giữa người Việt và người nước ngoài. Nghiên cứu việc này vô cùng đơn giản vì trên mạng có rất nhiều chuyện đã được chia sẻ. Nhưng tôi không muốn dùng những chuyện đó, tôi muốn gặp và nghe tâm sự những câu chuyện này từ những người trong cuộc. Với sự phát triển của Việt Nam bây giờ, con số về người nước ngoài đến Việt Nam đang tặng liên tục nên tôi đã không gặp khó khăn lắm khi khai thác đề tài này.
Chuyện đầu tiên tôi nghe kể về một người đàn ông Đức. Ông ấy đã đến Việt Nam du lịch. Ông gặp và yêu một cô gái Việt Nam ở gần đường Phạm Ngũ Lão, thành phố HCM. Cô ấy có một chỗ thuê gần đó và cho ông ấy ở vì ông không có tiền và việc làm. Họ đã dọn về sống chung với nhau nhưng ông ấy không biết bất cứ thông tin nào về cô gái này. Ông đã tò mò tìm hiểu vì sao cô ấy thường xuyên vắng mặt từ khuya cho tới sáng, năm ngày trong tuần đều như vắt chanh, mà tuyệt nhiên không nói đi đâu cả. Khi bị hỏi, cô ấy đã tức giận và mắng ông. Những lúc như thế, ông đều bỏ qua. Một lần, ông mua hoa tặng cô ấy nhưng cô ấy hậm hực nói “Sao mua nhiều vậy?”. Rốt cuộc ông đã biết cô ấy đi đâu, làm nghề gì. Cô ấy thực chất là một “gái bán hoa”. Sau khi biết sự thật nhưng ông bất lực vì không biết tiếng Việt, và vì yêu cô nên ông không đủ tự tin để cắt đứt mối quan hệ một cách dứt khoát. Bây giờ, ông ấy hiểu ra rằng, cô ấy chỉ lợi dụng mình và ông vẫn yêu cô ấy trong đau khổ.
Một câu chuyện nữa mà tôi hay được nghe kể. Đó là về một người đàn ông người Mỹ “to con” kết hôn cùng một cô gái Việt “bé hạt tiêu” sau một thời gian ngắn tới Việt Nam. Nhưng ông ấy hay bị vợ bắt nạt và lợi dụng tiền bạc. Tất nhiên ông ấy không biết tiếng Việt nên cần sự giúp đỡ của cô ấy khi sống ở đây. Cô gái này mặc dù không đi làm nhưng vẫn kiểm soát tài chính của anh ta, đánh anh ta khi anh ta về muộn, và dùng những từ ngữ thô tục, xúc phạm anh mỗi khi tức giận. Một lần cô ấy đã đánh vào đầu anh ta trong lúc anh ta ngủ, chỉ để bắt anh ta đưa cho thẻ ATM.
Mọi người có thể sớm biết cô ấy không phải là người tốt, không phải là hình mẫu lý tưởng để cưới. Nhưng một người đàn ông phương Tây sẽ rất khó có thể xác định điều đó. Đàn ông Việt Nam thường giỏi hơn trong việc này. Họ biết cô gái nào để cưới, cô gái nào chỉ để “qua đường”. Có thể, họ là người Việt, sống trong nền văn hóa Việt, nói tiếng Việt nên trực giác họ nhạy bén hơn chăng. Đàn ông Việt nói chung thường thích cô gái có da trắng, tính cách hiền lành, và có quan hệ tốt với gia đình của họ. Trong khi những người nước ngoài mới đến Việt Nam, thì không quan tâm nhiều về điều đó vì họ đến từ một xã hội mà chủ nghĩa độc lập cá nhân được đề cao. Họ dễ dàng yêu một cô gái ăn mặc quyến rũ ở đây đặc biệt là ở miền Nam, khí hậu nóng bức quanh năm. Các cô gái phương Tây họ thường ăn mặc kín đáo hơn để giữ ấm vì thời tiết lạnh hơn.
Hơn nữa, Việt Nam là một đất nước đang phát triển, nhưng còn rất nhiều nơi gặp khó khăn vì thế họ muốn thoát nghèo. Những người con gái Việt Nam từ nông thôn lên TP.HCM lập nghiệp hầu hết làm ở những chỗ có nhiều khách du lịch, café hay quán bar. Những nơi này không cần trình độ hay bằng cấp và có thể nhận lương cao hơn so với làm công nhân tại các khu công nghiệp tại địa phương. Hiển nhiên, đây là nơi người nước ngoài hay lui tới khi lần đầu tiên vào Việt Nam. Những người làm việc ở đây là những người đầu tiên mà họ sẽ tiếp xúc. Đối với người nước ngoài không biết tiếng Việt, họ chỉ có thể gặp những người phụ nữ biết giao tiếp tiếng Anh trong môi trường đó. Họ cũng không thể xác định được cô gái đó đã học tiếng Anh ở đại học hay học ngoài đường hay nói khác hơn là học từ môi trường làm việc không lành mạnh của họ.
Một điều mà mọi người cần chú ý là ở những đất nước phát triển, sự phân hóa giai cấp không rõ rệt như ở Việt Nam. Hầu hết mọi người là bình đẳng. Mọi người đều có tiền, có xe, được giáo dục như nhau. Hơn nữa, ở những nước phương Tây do thời tiết lạnh, rất khó sở hữu một làn “da nâu”, nên ai cũng thích có làn da rám nắng. Và họ, những người đàn ông nước ngoài mới đến Việt Nam dễ dàng bị hấp dẫn những cô gái da nâu rám nắng ở đây.
Phụ nữ ở nước ngoài thì khác 180 độ với những cô gái mà đàn ông nước ngoài hay gặp ở Việt Nam. Phụ nữ ở nước ngoài đều có giáo dục, tiền, xe hơi và công việc tốt. Họ không cần một người đàn ông để giúp họ về mặt kinh tế. Họ tìm người yêu chỉ đơn giản vì tình yêu thôi. Phụ nữ cũng tìm kiếm tình yêu quyết liệt như đàn ông. Họ sẽ hỏi số điện thoại của người mà họ thích, không dè dặt hay ngại ngùng gì cả. Trách nhiệm trong mối quan hệ giữa một người đàn ông và một người phụ nữ là như nhau. Chăm sóc con, lau nhà, nấu cơm là điều chung của hai người.
Người Việt Nam biết rằng nếu có tiền họ có thể làm được rất nhiều điều. Nhiều tiền không mua được thứ này, thì cần nhiều tiền hơn. Ví dụ, những ca sĩ người mẫu ở Việt Nam không cần có tài năng xuất chúng, họ chỉ cần có đôi chân dài rồi sẽ có một “đại gia” tài trợ họ. Họ khoe mẽ những túi xách đắt tiền, xế hộp tiền tỷ và được báo chí tung hô. Sẽ có rất nhiều người ngưỡng mộ và cố gắng bắt chước giống như họ để có tiền. Tuy nhiên mặt trái của vấn đề này cũng đã được nhiều báo chí phanh phui “chân dài đi khách” hay “hoa hậu bán dâm” giá ngàn đô.
Ngoài ra còn có nhiều vấn đề khác ảnh hưởng trong mối quan hệ giữa người nước ngoài và người Việt đó là gia đình. Là một đất nước chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, ở Việt Nam, tình yêu đơn thuần không đủ để lấy một cô gái Việt mà mình yêu làm vợ, phải có đủ tiền, sính lễ cho gia đình nhà gái khi đám cưới... Cũng có nhiều gia đình không đồng ý con gái của họ kết hôn với một người nước ngoài vì sợ con họ sẽ sang nước khác, không thể chăm sóc họ khi về già. Cha mẹ luôn muốn con mình kết hôn với người con trai có điều kiện kinh tế ổn định. Điều này khác hoàn toàn với các nước phương Tây. Họ không cần giàu có khi bắt đầu đến với nhau.
Tôi thấy rằng mối quan hệ của những người mới đến Việt Nam du lịch và gặp gỡ những cô gái của họ đa số là không thành công. Vấn đề nằm ở chỗ, đối tượng mà họ gặp không phải là mẫu người tiêu biểu. Đa số những người mà họ gặp hầu hết là “lát cắt trong mảng tối” của xã hội. Mà những “lát cắt” đó, xã hội nào cũng có. Do có những trải nghiệm không tốt khi gặp những cô gái như vậy nên họ thường đánh giá sai và vô hình trung tạo ra định kiến xấu về phụ nữ Việt Nam trong suy nghĩ của họ.
Ở khía cạnh khác, tôi cũng đã thấy những mối quan hệ thành công giữa người Việt Nam và người nước ngoài. Dễ nhận thấy rằng, mối quan hệ này được xây dựng với những người phụ nữ đã có khoảng thời gian sinh sống và học tập tại nước ngoài hoặc được hưởng nền giáo dục tốt tại Việt Nam. Họ có đầy đủ yếu tố và môi trường tiếp xúc, tìm hiểu văn hóa không chỉ của đất nước mình mà còn nhiều nền văn hóa khác. Và họ cũng có đủ thời gian để phát triển một phần của tinh thần phương Tây trong họ, giống như tôi đã phát triển một phần con người mình vào Việt Nam.
Đối với những người nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm tình yêu, lời khuyên tốt nhất tôi dành cho họ sẽ là học tiếng Việt trước, hiểu văn hóa Việt trước rồi sau đó hãy đến Tình Yêu./.