Đường xa vạn dặm...
Bữa đó ba tôi xách một lồng gà ra chợ huyện bán. Trước khi đi, ba ngoái lại nói hai mẹ con ở nhà nấu cơm, chiều tối ba mua ít thức ăn về cả nhà cùng ăn.
Thế mà bữa cơm cả nhà cùng ăn ấy, tôi đã phải đợi mười năm có lẻ. Ngày ba trở về, dắt theo một gia đình khác, căn nhà cũ kỹ của mẹ con tôi bỗng trở nên nhỏ nhoi, chật hẹp, không làm dịu nổi mái tóc nhuộm đỏ rực của dì tôi, không níu nổi bước chân hai đứa em cùng cha khác mẹ của tôi. Chúng bảo ở trong nhà chán kinh khủng, ra quán café đầu làng nghe nhạc, lướt mạng thích hơn.
Mâm cơm đoàn tụ sau quãng dài li biệt không ấm cúng, chộn rộn tiếng cười như tôi hằng ao ước. Người đàn ông tóc bạc nửa đầu ngồi ngay đối diện, người mỗi dịp sinh nhật, năm học mới hay lễ tết vẫn gửi quà về cho mẹ con tôi bỗng thành xa ngái. Những lời giải thích trở nên thừa thãi. Ba kể đi kể lại rằng ngày ấy ba bị trộm mất chiếc xe phải dáo dác đi tìm, rồi lưu lạc, rồi được người ta rủ đi làm ăn, rồi dòng đời xô đẩy. Tôi nghe bập bõm, tâm trí trôi dạt về bữa đó.
Bữa đó như mới hôm qua mà thực ra đã bị chia cách với hiện tại bằng đằng đẵng những năm tháng có cha mà như côi cút, nhà có mái mà cứ tưởng không nóc. Bữa đó, ba bắt dăm bảy con gà đi bán, tôi còn chạy theo xe ba ra đến con đường cái, hét lớn “Ba ơi nhớ mua cho con truyện tranh!” . Ba quay lại gật đầu, xua tay ra hiệu bảo tôi về, và bụi đỏ tít mù. Và từ đó đường xa vạn dặm.
Tôi nhớ ngoại tôi một sớm mờ sương tất tả khăn gói lên đường đi hành hương. Ngoại suốt đời là con chiên ngoan đạo, năm nào cũng một lần tìm về đất thánh La Vang. Ngoại ló đầu ra cửa xe vẫy chiếc nón màu ngà quen thuộc, cười hiền chào tạm biệt. Chuyến xe đò mang ngoại đi mất, mẹ con tôi tần ngần đứng lại bên vệ đường. Sương trắng nuốt lấy chúng tôi, nuốt lấy cả nụ cười ngoại móm mém, hiền từ.
Tôi đã không biết đó là lần cuối cùng nhìn thấy ngoại cười. Đường hành hương trắc trở, ngoại gặp tai nạn. Mẹ con tôi hay tin thì tức tốc đi tìm ngoại. Ngày ấy đường như xa vạn dặm. Chặng đường kinh hoàng mà bến đợi là ngoại tôi nằm đó, đã vội trút hơi thở cuối cùng trước khi cháu con kịp tới.
Tôi có những đứa bạn thân đến nỗi đêm về mê ngủ còn gọi tên. Chúng từng theo cha mẹ lên những chuyến xe chật ních chở đoàn người vào Nam lập nghiệp. Tôi đã tiễn bạn lên đường, dấm dúi trao những con sò biển vừa mới lượm ban sáng, những trang lưu bút mãi mãi dang dở, và tin thật thà lời bạn hứa rằng sẽ có ngày trở lại. Những chuyến xe vun vút lao khỏi con đường làng đất đỏ để hòa vào quốc lộ xa tít mù. Tôi đứng lặng thinh tiễn, và đợi chờ.
Quay trở lại có lẽ là lời hứa dối lừa và mong manh nhất. Bạn tôi cũng từng trở lại. Nhưng có đứa không nhớ nổi tên tôi, có đứa về làng giữa mùa gặt, la lối kêu “Trời ơi xứ này sao đi đâu cũng rơm rạ, nóng nảy, xót xáy thế này làm sao sống nổi!”. Tôi chẳng dám trách ai. Chỉ trách năm tháng phũ phàng, bụi mờ thời gian và bụi đường làm phôi pha hết những điều cũ xưa.
Tôi đã qua thời bé dại để nhắm mắt tưởng tượng về con đường tít tắp mang những người tôi trân quý đi xa mãi, đã thôi nhói lòng khi thấy một chiếc xe cúp hiếm hoi trở về làng buổi chạng vạng hay khi nghe tiếng bâng quơ chào mời của mấy chú lơ xe.
Nhưng tôi vẫn quen nơm nớp, khắc khoải mỗi lần nhìn một ai đó lên đường, dù là con đường ngắn ngủi, ghé qua chợ, qua trường, dù chỉ ra ngoài ngõ rồi tức thì quay vào. Bởi đường rất gần mà biết đâu xa vạn dặm, bởi đâu phải cứ đợi chờ thì sẽ có người quay trở lại./.