Người mẹ và nhà tù
(VOV) - Một người mẹ dạy con trai phải dũng cảm khi đối mặt với một kẻ mạnh hơn tìm cách uy hiếp tính mạng của mình…
Câu hỏi đó là của chị Đỗ Thị Quế, một phụ nữ nghèo sống ở một vùng quê hẻo lánh thuộc huyện Nho Quan, Ninh Bình.
Chị Quế là một người mẹ nhẫn nhục và kiên cường. Mười năm trước, chị bị chồng bỏ rơi. Để hai đứa con nhỏ dại của mình được sống cùng nhau, chị đã phải chạy vạy khắp nơi lo được 10 triệu đồng đưa chồng để chuộc con. Từ đó đến nay, với mảnh vườn khoán cằn cỗi, chị quyết tâm tần tảo nuôi con ăn học thành người.
Ông trời đã có lúc không phụ lòng chị, khi cả hai đứa con chị đều chăm ngoan. Cậu con trai lớn của chị nhiều năm liền có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi của huyện. Năm cậu bé bước sang tuổi 17 và chuẩn bị thi vào đại học, người mẹ ấy đã nhiều đêm ngắm con học bài và thầm cảm ơn trời đất. Thế là chị trồng cây đã sắp đến ngày hái quả. Chị đã có thể ngẩng mặt lên với đời, có thể tự hào vì bất chấp số phận, một mình nuôi dạy con khôn lớn, không thua kém gì thiên hạ.
Nhưng niềm vui ấy không kéo dài được bao lâu. Ngày con trai chị vừa tròn 17 tuổi 4 tháng, trên đường đi học về, do một xích mích từ mấy hôm trước, cậu bị một nhóm thanh niên dùng gậy tấn công. Trong khi nỗ lực chống trả, cậu đã khiến một thanh niên tử vong. Sau khi tiến hành điều tra, Công an kết luận, cậu phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và Toà án tỉnh Ninh Bình tuyên án cậu bé 18 tháng tù giam với tội danh này.
Toà tuyên án xong, chị Quế cố gắng không để nước mắt trào ra, ôm con vào lòng, chị nói: “Số phận thử thách mẹ con mình, con cố gắng thụ án cho tốt, thời gian một năm rưỡi ở tù, coi như một dịp để con ôn thi đại học cho thật tốt. Mẹ con mình phải xa nhau một thời gian vì hành động của con. Nhưng nếu con không hành động thế thì mẹ đã mất con rồi...”.
Nhưng, mọi việc không như mẹ con chị Quế nghĩ, phía bị hại kháng án, tại phiên phúc thẩm, bỏ qua những tình tiết giảm nhẹ, tòa tuyên án cậu bé 5 năm tù giam với tội danh “Giết người”. Từ việc giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng đến giết người là hai tội danh hoàn toàn khác nhau về bản chất. Tuy nhiên, người mẹ nghèo không đủ tiền để thuê luật sư theo đuổi quá trình kháng nghị. Cậu bé ngơ ngác nhìn mẹ và em gái.
Cái án tù 5 năm không phải điều gì quá khủng khiếp, nhưng bây giờ cậu đã trở thành kẻ giết người. Cái án ấy sẽ gắn với cả cuộc đời cậu, mẹ cậu có thể tự hào về đứa con trai là kẻ giết người hay không, cô em gái sẽ nói về anh mình như thế nào?
Bây giờ, khi tôi viết câu chuyện này, cậu bé đã thụ án được gần bốn năm. Người mẹ đã chính thức vô vọng với hành trình kêu oan. Là một người đàn bà từng chịu đựng quá nhiều nỗi đau, nỗi oan ức này chị cũng đã gần như vượt qua. Nhưng lúc này đây, chẳng bao lâu nữa chị Quế sẽ đón con trai mình trở về từ nhà tù, người mẹ ấy bỗng cảm thấy vô cùng bối rối.
Chị không biết sẽ phải giúp con mình làm lại cuộc đời như thế nào, khi luôn cho rằng, cái án mà cậu bé phải chịu là do lỗi của chị. Suốt 10 năm qua, một người đàn bà nghèo khó với 2 đứa con nhỏ nương tựa vào nhau để vươn lên trong cõi đời này, chị luôn dạy dỗ con cái phải can đảm, kiên cường để đứng vững. Con trai chị đã sống như chị mong muốn và cậu bé phải trả giá bằng 5 năm tù. Chị Quế không biết, con trai chị sẽ nhìn cuộc đời này ra sao, liệu chị còn có thể khuyên bảo con mình nên sống như thế nào khi cậu ra tù?
Nếu ở hoàn cảnh đó, để bảo vệ mạng sống của mình, chắc tôi cũng không còn lựa chọn nào khác là phải chiến đấu. Người mẹ này đã không sai khi dạy dỗ con mình. Cậu bé cũng không sai khi biết quý mạng sống mà mẹ đã ban cho. Sai lầm duy nhất ở đây là số phận của cậu bé. Cậu đã không may mắn khi rơi vào một phiên toà có đầy sự vô tình. Tôi đọc đi đọc lại hồ sơ của vụ án mà không hiểu nổi tại sao người ta có thể khép tội giết người cho cậu.
Khi kể lại câu chuyện này trên sóng phát thanh, tôi những mong thính giả sẽ gợi ý cho người mẹ những hướng đi giúp con trai làm lại cuộc đời. Nhưng, hơn cả sự mong đợi, ngoài những lời chia sẻ, động viên, có những thính giả đã bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ cậu bé những điều kiện để có thể hoà nhập với cuộc đời một cách tốt nhất. Thậm chí, có một phụ nữ ở Kiên Giang bày tỏ mong muốn được nhận cậu bé làm con nuôi.
Ít lâu sau, tôi nhận được lá thư viết từ trại giam của cậu bé. Rất rắn rỏi, cậu muốn nhờ tôi gửi tới tất cả thính giả của chương trình lời cảm ơn về những tình cảm họ dành cho mẹ con cậu. Cậu cũng hứa với mọi người, rằng khi mãn hạn tù, sẽ cố gắng để trở thành một người đàn ông tốt, tạo lập một cuộc sống đàng hoàng như mong muốn của mẹ và những người quan tâm đến số phận của cậu...
Nỗi buồn của tôi đã vỗ cánh bay khi nhận được bức thư từ nhà tù của cậu bé. Người tốt không phải bao giờ cũng may mắn, nhưng lòng tốt luôn tìm ra con đường để lan toả trong cuộc đời. Những lời chia sẻ động viên sẽ giúp cậu bé tự tin hơn nhiều khi biết rằng, trong cuộc đời vẫn còn có rất nhiều nhân ái./.