Lòng tốt tạo nên bi kịch?
(VOV) - Đây là câu chuyện về người phụ nữ 34 tuổi, đang làm việc tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội.
Chúng ta có cảm giác như thế nào khi chứng kiến sự thành công của người bạn thân nhất, người mà có khi ta nghĩ rằng, mình có thể làm tất cả để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho anh, hoặc chị ta? Vui mừng ư? Chưa chắc!
“Những ngày vừa qua, trong đầu tôi luôn xuất hiện một ý nghĩ điên rồ là mong cho cô ấy gặp phải điều không may...” - Người phụ nữ 34 tuổi, đang làm việc tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu câu chuyện của mình như vậy. Trong thư gửi chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi của Đài TNVN, người phụ nữ này tâm sự rằng, chị đang cảm thấy rất có lỗi với người bạn thân nhất của mình vì ý nghĩ đen tối đó.
Chị cho biết, cái ý nghĩ ấy cứ trở đi trở lại, khi chị chập chờn giấc ngủ trưa, lúc lơ đãng trên đường đến công ty và cả trong lúc ngồi uống cà phê với người bạn thân đó. Hằng ngày gặp cô bạn, chị cảm thấy rất ngượng ngùng vì điều đó và trở nên kém tự tin vô cùng. Dù đã rất cố gắng, nhưng người phụ nữ này vẫn không thể xoá bỏ ý nghĩ đen tối đó ra khỏi đầu óc mình.
“Tôi và cô ấy chơi thân với nhau từ bé. Cùng thi vào một trường đại học và bây giờ cùng làm một công ty. Suốt bao nhiêu năm nay, tôi luôn là chỗ dựa về tinh thần cho cô ấy. Lúc nhỏ, tôi khoẻ mạnh và học giỏi, hơn nữa, lại may mắn sinh ra trong một gia đình khá giả hơn nên thường xuyên có điều kiện giúp đỡ cô ấy. Vào đại học cũng vậy, mỗi khi gia đình không kịp chi viện tài chính, cô ấy luôn cần đến sự giúp đỡ của tôi.
Khi ra trường, tôi nhanh chóng kiếm được việc làm để rồi sau đó một năm, chính tôi là người giúp đỡ để cô ấy được vào làm việc cùng tôi. Sự gắn bó của chúng tôi, tình bạn của chúng tôi đến bây giờ vẫn luôn thắm thiết như vậy, chúng tôi thực sự như một cặp chị em gái. Tôi đã từng cảm thấy rất hạnh phúc vì nghĩ rằng mình đã sống hết lòng vì bạn bè, hạnh phúc vì mình đã có thể giúp đỡ được người bạn thân thiết nhất của mình.
Vậy mà bây giờ trong đầu tôi luôn có ý nghĩ mong muốn điều không may cho cô ấy. Những suy nghĩ ấy xuất hiện từ hơn một tháng nay, khi cô ấy trở thành sếp trực tiếp của tôi. Tôi biết rằng, đó không phải lỗi của cô ấy. Thậm chí, khi cô ấy làm sếp, công việc của tôi còn thuận lợi hơn trước vì có sự giúp đỡ của cô ấy. Tôi cảm thấy rất khó chịu mà không hiểu vì sao. Tâm sự với chồng tôi, anh ấy bảo đó là do tôi đố kỵ với sự thành công của cô ấy. Tôi buồn lắm! Xưa nay, tôi vẫn nghĩ mình là một người tốt, biết thông cảm, sẻ chia và giúp đỡ người khác. Tôi cũng không ham hố gì, tôi có một cuộc sống tốt, như ý mình. Thậm chí khi có cơ hội được bổ nhiệm vào vị trí của bạn tôi bây giờ, tôi đã từ chối để dành thời gian cho gia đình. Thế mà khi bạn tôi ngồi vào vị trí đó, cô ấy trở thành một ngôi sao trong ánh mắt mọi người trong công ty, thì tôi lại khó chịu.
Tôi thật không thể nào hiểu nổi mình nữa! Tôi muốn nói ra những tâm sự này để trút bỏ những suy nghĩ nặng nề. Không biết các bạn có thể chia sẻ cùng tôi, giúp tôi có được sự thanh thản mà mình đã từng có...”.
Tôi đã lưỡng lự rất lâu trước khi quyết định phát sóng bức thư này. Đây là một trạng thái tâm lý rất khó lý giải và tôi không chắc bản thân mình cũng như thính giả của chương trình có thể giúp được người phụ nữ này tìm thấy sự thanh thản hay không. Bản thân chị là một phụ nữ có văn hoá và cũng là một người tốt, chị cũng không hề đố kỵ với bạn mình vì không hề có ý muốn tranh giành với cô ấy... Vậy thì điều gì đã xảy ra?
Tôi quyết định phát sóng bức thư này để tìm câu trả lời cho thắc mắc của chính mình chứ không bởi tâm sự của người phụ nữ đó. Rất nhiều ý kiến đã được bày tỏ trong chương trình đêm đó. Thính giả khuyên nhủ người phụ nữ những điều như lòng nhân ái, hoặc khả năng biết tự hài lòng với bản thân... Thời gian 30 phút phát sóng của chương trình sắp hết thì tôi mới tìm thấy câu trả lời cho thắc mắc của mình. Một người đàn ông lớn tuổi gọi điện tới, anh không khuyên bảo, chỉ kể một câu chuyện.
Với chàng trai thứ nhất, ông ta có cảm giác tự ti, ở bên chàng, ông sẽ không thấy mình có ích như với chàng thứ hai. Với chàng thứ hai, ông tự tin mình sẽ bao bọc được cho anh ta như đã từng bao bọc con gái mình. Nhà leo núi quá yêu con gái mình, ông chọn chàng trai thứ hai vì không muốn mất đi cảm giác vẫn mãi là chỗ dựa của con.
Câu chuyện của người phụ nữ 34 tuổi cũng vậy. Họ đã có rất nhiều năm gắn bó với nhau, chị đã từng là một chỗ dựa của cô bạn. Bây giờ, mọi sự đã đổi thay, chị không còn nhiều cơ hội để thể hiện lòng tốt với bạn của mình nữa. Những ý nghĩ đen tối của người phụ nữ này xuất phát từ cảm giác mình sẽ mất đi niềm vui khi được thể hiện lòng tốt với bạn mình./.