Tản mạn chơi Tết
VOV.VN -Tết - chỉ nghe cái từ có một âm tiết ấy thôi, đã thấy rộn ràng trong người, có cái gì đó xao xuyến, bâng khuâng khó tả.
Nghĩ đến Tết, ta nghĩ đến những ngày nghỉ không phải làm việc; nghĩ tới sự trở về, đoàn viên sum họp; nghĩ tới những nghi lễ truyền thống, những món ăn ngày Tết, và nghĩ tới việc… chơi Tết.
Chơi Tết tất nhiên chẳng phải bây giờ mới có. Ngày xưa dân ta cũng chơi Tết, thời nào cũng vậy thôi. Ăn Tết và chơi Tết luôn gắn cùng với nhau, song hành như thể nếu thiếu một trong hai thì cái Tết chẳng còn trọn vẹn.
Chơi Tết, thực ra cũng phong phú như cuộc sống thường ngày, bởi nó là “chơi”, nghĩa là có tính tự do cao, không phải là vấn đề khuôn khổ. Mỗi nơi có kiểu chơi khác nhau, mỗi tuổi có cách chơi của riêng mình, nhà giàu chơi Tết kiểu giàu, nhà nghèo chơi Tết kiểu nhà nghèo…
Chẳng có quy định nào bắt buộc, ràng buộc cả; kể cả là… thích thì chơi, không thích thì thôi. Những trò chơi Tết, những thú chơi Tết có thể là ảnh hưởng bởi văn hóa, bởi phong tục tập quán; nhưng cũng có thể chỉ là thói quen của gia đình hay cá nhân, và cũng có thể là một trào lưu của xã hội hiện đại.
Có thú chơi Tết ngàn năm vẫn tồn tại, có trò đã mất đi; và nhiều thú chơi mới được sinh ra, cũng lại biến mất, nhanh như khi xuất hiện.
Tính theo thời gian, chơi Tết có 3 giai đoạn, đó là: chơi trước Tết, chơi trong Tết và chơi sau Tết. Xưa là vậy và bây giờ cũng vẫn vậy. Trước Tết là chơi để chuẩn bị Tết, sắm sửa cho Tết. Chơi trước Tết ngày xưa là xuống vườn mua hoa, tìm đào, chọn quất. Hoa thì bán ở khắp nơi, nhưng người chơi hoa cứ phải xuống vườn, lang thang ngắm hoa vãn cảnh; có khi đi cả ngày mới chọn được cành đào bé xíu. Chơi mà! Mua hoa là cái cớ, không phải mục đích duy nhất.
Có hoa rồi thì phải có câu đối Tết, tranh Tết nữa. Nhà nghèo thì mua câu đối bán sẵn, nhà khá thì đặt thầy đồ viết ở chợ, nhà giàu có thể rước thầy về nhà viết câu đối và cả đại tự lấy hên cho năm mới. Câu đối thường được viết trên giấy điều (giấy đỏ). Có đôi câu đối giản dị mà thật hay trong dịp Tết cổ truyền mà ai cũng biết, vẫn không bao giờ cũ: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Tranh Tết thì là tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống… in những hình theo sự tích dân gian (có nội dung thú vị, may mắn); hoặc tranh các con giáp; Tết con gì, treo tranh con nấy. Một số nơi còn có tục trồng cây nêu, đó là tập quán mang tính tín ngưỡng, nhưng cũng là một thú chơi tao nhã, trang trí nhà cửa dịp Tết.
Trong những ngày Tết, tức là sau thời khắc giao thừa, sang năm mới; người ta thường đi hái lộc, đi lễ chùa, đi tới nhà nhau chơi Tết, chúc tụng những điều tốt đẹp cho năm mới. Mỗi nơi, mỗi người có những trò chơi, thú chơi khác nhau trong những ngày Tết. Người già có thể ngồi với nhau uống rượu, đàm đạo xướng họa văn thơ, trẻ con lại chơi trò đốt pháo…
Một số nơi có hội làng ngay trong những ngày Tết, ngoài phần lễ thì phần hội chắc chắn có rất nhiều trò chơi mà ai cũng thích. Ai chơi được thì chơi, ai không chơi thì xem.
Ngày xưa chưa có luật lao động và quy định nghỉ Tết, thì Tết thường được quy ước là kết thúc vào ngày mồng 7, khi hạ cây nêu (lễ khai hạ). Nhưng việc chơi Tết vẫn tiếp tục, ấy là chơi sau Tết: Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Thời gian này lễ hội tổ chức ở nhiều nơi. Hội làng, hội xã, hội tỉnh… đâu đâu cũng có hội. Mùa vụ chưa tới nên… chả chơi thì cũng chả làm gì.
Ở hội thì nhiều trò hay lắm, mỗi hội ở mỗi vùng miền có một sự độc đáo riêng. Các trò chơi kể cả ngày không hết: nào thi nấu cơm, đua thuyền, đánh vật…; nào múa, hát; nào đánh đu, cờ người… Có trò hay, và cũng có trò dở. Bài bạc, chọi gà… thường không mang lại sự vui vẻ cho năm mới mà đa phần là những chuyện phiền hà.
Có thời, kinh tế khó khăn, việc chơi Tết bị xếp xuống hàng thứ yếu. Thời đó ăn Tết quan trọng hơn. Người ta lo làm sao cho có đủ lá dong, thịt lợn để gói bánh chưng; lo từng ký măng cân gạo nếp để ăn, lo từng lạng chè bao thuốc để tiếp khách…; những thứ hoa đào và quất là những thứ xa xỉ. Cái thời đó chưa xa, và còn in đậm trong ký ức nhiều người.
Tết bây giờ khác Tết xưa, điều đó ai cũng thấy rõ. Người ta ăn Tết ít hơn, và chơi Tết nhiều hơn. Đó là điều dễ hiểu, bởi xưa chỉ đến Tết mới được ăn ngon, được ăn món Tết; còn giờ kinh tế đã khá hơn, người ra “ăn Tết” lúc nào cũng được; bất cứ khi nào cũng có thể ăn bánh chưng, hay là mứt, không phải chờ đến Tết.
Nhiều thú chơi cũng khác đi, nhiều thú chơi Tết mới xuất hiện. Giờ ít người treo câu đối Tết, ít người treo tranh dân gian. Nhưng thú chơi chữ, chơi thư pháp lại được phục hưng và lan tỏa. Trước Tết cả tuần, “phố ông đồ” bên hông Văn Miếu ở Hà Nội đã nhộn nhịp, người già, người trẻ đến đây, xin chữ, chẳng cầu kỳ lắm; đồ Nho cũng không cần thâm hậu. Chữ được xin là các chữ: Phúc, Lộc, Thọ, Tâm, Nhẫn, Minh… cả chữ Hán lẫn chữ Việt. Tất nhiên bên cạnh đó cũng có thi họa, có câu đối… Đi chơi “phố ông đồ” cũng trở thành thói quen của nhiều người Hà Nội.
Thú chơi hoa cũng vẫn còn, dù đất trồng hoa ngày càng hẹp lại. Cũng vẫn xuống vườn chọn hoa, hoặc tới chợ hoa, chọn đào, chọn quất; nhưng cái tâm thế và sự tinh tế của người chơi hẳn không được như xưa. Cuộc sống bận rộn hơn, mọi thứ nhanh và công nghiệp hơn đã làm mai một ít nhiều những thú chơi thanh tao; thậm chí nhiều khi thú chơi đã trở nên như một sự trang sức hời hợt, phù phiếm với một số người.
Phương tiện giao thông bây giờ thuận tiện, nên việc đi chơi Tết cũng dễ dàng. Lễ hội không còn bó hẹp phạm vi trong làng trong xã hay khu vực lân cận nữa. Nhiều lễ hội lớn, có tiếng thu hút cả những khách từ phương xa. Nhiều lễ hội tưởng thất truyền lại được khôi phục, có lễ hội mới xuất hiện. Có người trong và sau Tết liên miên đi lễ hội, hết đồng bằng tới vùng cao, âu cũng là một thú chơi…
Giờ đây, có nhiều gia đình chơi Tết bằng một chuyến du lịch ra nước ngoài, bỏ ngôi nhà khóa cửa im ỉm suốt mấy ngày Tết. Có gia đình lại “cắm chốt” ở một resort ven biển hay vùng núi cao, phải chăng để nghỉ ngơi sau một năm mệt nhoài gắng sức trong công việc, và để tìm sự yên tĩnh mà ở đô thị, ngay cả những ngày Tết cũng không có? Nhiều bạn trẻ lại chọn cho mình “Tết phượt”, đón Tết trên những cung đường vùng cao, hòa mình cùng thiên nhiên, núi rừng; chứ không phải trong căn nhà ấm áp tưởng như là điều quen thuộc bất biến…
Thời gian vụt trôi, ngoảnh đi ngoảnh lại Tết đã cận kề, chơi trước Tết với rất nhiều người là khó. Ăn Tết thì dễ, có thể chỉ bỏ ra một ngày, kể cả những ngày giáp Tết nhất cũng có thể sắm đủ thứ phục vụ cho cái việc ăn uống đó; nhưng khi thấy bóng xuân sang rồi, vẫn còn nhìn đăm đăm nhìn qua ô cửa, tự hỏi rằng sẽ chơi Tết như thế nào?./.
Khai hội chữ Xuân Mậu Tuất tại Hồ Văn - Quốc Tử Giám