Thúy Hiền Wushu: Sau ly hôn tôi không mãnh liệt với điều gì nữa!
Người phụ nữ đẹp ấy tự biết, dù không đầy đủ hơn người khác thì cũng không vì thế mà phải đi tìm một người cho mình sự đầy đủ.
Người phụ nữ khiến bao đối thủ phải “chào thua” trong những trận đấu, đến một ngày bỗng nhận ra rằng, cần phải biết bằng lòng với những điều nhỏ nhất mà mình có. Người phụ nữ đẹp ấy tự biết, dù không đầy đủ hơn người khác thì cũng không vì thế mà phải đi tìm một người cho mình sự đầy đủ. Thúy Hiền Wushu - cô gái vàng của thể thao Việt Nam một dạo - bất ngờ tái xuất, sau hơn 10 năm rút lui trong im lặng.
Từng có hai con rồi vẫn có giữ được nhau đâu!
- Sau nhiều năm vắng bóng, chị trở lại với thế giới ồn ào nhất – showbiz – bằng một vai diễn trong phim điện ảnh. Những năm qua, chị ở đâu?
- Tôi nghĩ, cảm hứng là điều luôn cần cho cuộc sống, nên sau khi con lớn, tôi nghĩ mình cũng cần làm gì đó để có hưng phấn trở lại. Sau khi rời thi đấu chuyên nghiệp, tôi chỉ đi dạy bán chuyên cho đỡ nhớ nghề. Dự án lần này tôi tham gia cùng chị Thúy Vinh lại đúng chuyên môn của mình nên tôi thấy rất vui.
Làm đàn bà thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài chuyện chi phối: con cái, kiếm tiền và lo giữ sức khỏe. Tôi làm từng ấy việc trong thời gian qua. Thỉnh thoảng cũng bồi hồi mỗi mùa SEA Games đến. Tính đến nay tôi đã giã từ nghiệp thi đấu 13 năm.
- Tưởng đàn bà đẹp như chị thì lo việc giữ nhan sắc chứ?
- Đôi khi tôi cũng quên rằng mình… đẹp.
- Cũng không hẳn. Hai con tôi, nay cháu lớn đã lên lớp 6, cháu nhỏ học lớp 4, nhưng tôi là người biết cân bằng. Tôi luôn hiểu, mình sống sao để mình ổn nhất thì con mình mới ổn. Tôi không vì con mà đặt áp lực lên cuộc sống của mình. Cho dù, chuyện cha mẹ hi sinh cho con cái, nếu có, tôi cũng cho đó là chuyện đương nhiên.
- Đã 10 năm, người đàn ông đến sau Tú Dưa, anh ấy còn ở đó?
- Vẫn ở đấy, chưa có thay đổi gì (cười).
- Chị giữ giỏi nhỉ, dù không cần dùng đến “bùa chú” thường tình của đàn bà là… hôn thú, hay những đứa con chung?
- Tôi không sinh thêm con vì tôi thấy mình đủ con rồi. Mà tôi cũng không tin con là cầu nối gắn kết giữa đàn ông và phụ nữ. Bởi vì, tôi từng có đến tận hai đứa con với một người mà có giữ nổi nhau đâu.
Chuyện hôn thú thì nó phụ thuộc vào tư duy của mỗi người. Giống như việc ăn chay, người không ăn chay sẽ bảo: Tại sao ăn chay, khổ thế; người ăn chay sẽ tự hỏi: Tại sao phải ăn thịt. “Bùa chú” để giữ nhau, nếu có, là sự yêu thương thực sự. Lý giải cách khác nữa thì đấy là do… duyên. Giữa tôi và người đàn ông hiện tại, thứ ràng buộc duy nhất là tình cảm thôi. Tôi cũng không biết chúng tôi sẽ ổn đến bao lâu, nhưng nó đã ổn từ lúc đó đến bây giờ (cười).
- Chị trở lại “chiến trường” thế này, anh ấy ủng hộ chứ?
- Anh ấy luôn ủng hộ, quan trọng mình có thích làm hay không thôi. Mà thực ra, công việc của tôi không bị ảnh hưởng bởi chuyện tình cảm nhiều.
Không hy vọng thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn
- Người như chị thì thật ra có còn đặt nhiều hy vọng vào đàn ông không nhỉ?
- Sau ly hôn, tôi cũng mất niềm tin vào họ chứ! Đã từ lâu, tôi không còn nhiều hy vọng vào đàn ông nữa, dù lúc này, tôi không còn đặt nặng chuyện tin hay không tin. Cũng không chọn cách phải kết hôn. Tôi cứ sống tự tại và để cái gì đến sẽ đến. Và tôi nhận ra, không hy vọng thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn.
- 10 năm trước, chuyện chia tay chưa phổ biến như bây giờ. Người ta bảo, đó là do phụ nữ ngày càng hiểu rõ giá trị của sự tự do, chị có nghĩ thế?
- Cuộc sống ngày càng thay đổi, ngày càng có nhiều người không quá coi trọng chuyện hôn nhân. Chuyện đó vừa đáng mừng vừa đáng buồn. Mừng là đối với những người phụ nữ quá thiệt thòi, bị rơi vào hoàn cảnh bi đát thì sự coi nhẹ đó giúp họ được giải thoát. Nhưng đáng buồn với một số cặp vợ chồng gặp vấn đề không quá lớn, nhưng họ vẫn quyết định xa nhau, khiến những đứa trẻ bị thiệt thòi.
Tôi không bị ràng buộc vào sự tự do của chính mình nhiều đâu, và cũng chưa bao giờ đặt nặng chuyện đó. Ngày xưa, tôi là người phụ nữ rất yêu gia đình, nhưng khi cố gắng không được, tôi mới bắt buộc lựa chọn giải thoát. Sự tự do không nằm trong suy tính của tôi.
Giờ việc chính của tôi là chăm sóc các con và chăm sóc chính mình, nên tự do hay không, tôi vẫn sống vậy, vẫn chia đều thời gian và tâm sức cho các việc như thế. Tôi không phải là người phụ nữ buông thả, cũng không phải là người quá bận rộn chuyện bếp núc, con cái. Tôi sống khá cân bằng, và muốn sống một cuộc đời nhẹ nhõm.
Sau ly hôn tôi không mãnh liệt với điều gì cả, vì tôi hiểu ra mọi chuyện trong cuộc sống và đặc biệt là cuộc sống gia đình luôn cần đến hai chữ duyên – phận. Ngay cả công việc cũng vậy. Ngày xưa mình suy sụp cũng bởi mình quá mãnh liệt với mong muốn xây dựng được một gia đình thật tốt cho mình và các con, nên mình đã tổn thương quá nhiều vì nó. Bây giờ có động lực, có hưng phấn để sống, làm việc… thì đã là tốt lắm rồi.
- Người đàn ông hiện tại có tham gia nhiều vào việc chăm sóc hai con gái cùng chị?
- Vì công việc, anh ấy không thường xuyên ở Hà Nội nên cũng không có nhiều thời gian cùng tôi chăm sóc các con. Về kinh tế, tôi cố gắng là người chủ động, nhưng nếu cần hỗ trợ thì vẫn có thể có. Tôi quan niệm, nếu hai bên không là gánh nặng của nhau thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Nhưng là phụ nữ thì cũng cần biết dựa vào người đàn ông bên cạnh.
- Sự xa cách là liều thuốc tốt hay không, trong việc duy trì một mối quan hệ dài lâu?
- Cũng có thể đó là liều thuốc tốt, nhưng tôi không dám chắc về điều này. Tôi nghĩ không có đáp án chung, tuy rằng, giữa hai người khác giới thì cần cái gọi là cảm xúc và sự tươi mới. Cho dù cảm xúc thuần túy của phụ nữ có thể khác với cảm giác thèm muốn sự tươi mới của đàn ông. Nhưng là phụ nữ thì có lẽ nên vui với những thứ ít ỏi mình có và biết bằng lòng. Thực ra nắm giữ trái tim con người là khó nhất, làm gì có công thức cho chuyện tình cảm.
Đủ vui rồi, không khắc khoải nữa!
- Cô gái thể thao là một người mẹ thế nào?
- Người ta nghĩ tôi chắc phải mạnh mẽ, nhưng sự mạnh mẽ chỉ là vẻ bề ngoài. Tôi là một người mẹ khá dễ mềm lòng. Con xin điều gì đó một lần không được thì đến lần thứ… năm có thể sẽ được. (cười)
- Là mẹ của hai cô con gái, chị nghĩ mình sẽ dạy những bài học về hôn nhân gì cho con?
- Tôi nghĩ là cha mẹ, ai cũng sẽ dạy cho con những điều tích cực, mong cho con điều tốt hết. Nhưng tôi cũng biết là trước đây cha mẹ mình nói, mình có nghe đâu. Cuộc đời các con cũng giống như mình, phải để chúng tự trải nghiệm để đúc rút ra từng bài học sống.
Có người hỏi tôi nuôi con không có bố thì chúng thế nào. Thành thực, tôi không rõ lắm. Tôi chỉ biết nuôi và dạy con theo cách của mình: con ốm thì đưa đi bệnh viện, con học thì đóng tiền cho con, ngoài ra thì tôn trọng sở thích của con, cùng con nói về chuyện học khi con có hứng, cùng con bàn về thời trang nếu thích… Ngoài việc ăn ngủ và những vấn đề đạo đức cơ bản, những chuyện khác tôi không áp đặt con.
- Một ngày bình thường của chị diễn ra thế nào?
- Tôi làm kinh doanh nên việc đầu tiên trong ngày là kiểm tra đơn hàng, sau đó đưa con đi học, đi chợ. Về nhà, tôi tìm kiếm hàng hóa, chuyện trò với khách. Chiều tôi đi dạy (mỗi tuần vài buổi), còn thời gian trống, tôi đi chơi thể thao, bóng bàn. Tối về ăn cơm với gia đình, đưa con đi học thêm, nói chuyện với các con. Cuối tuần thì đưa con đi ăn, đi chơi hoặc mua sắm…
- Làm thế nào để chị có thể sống một cách "cơ bản" như thế?
- Đó là bản năng con người, chứ tôi tin trên đời này chẳng ai giữ được ai. Trong cuộc sống tôi là người nhiều thiếu thốn nhưng tôi hạnh phúc với những thứ mình có và biết bằng lòng với những điều nhỏ nhất. Chơi với con, cà phê với bạn, chơi thể thao, kinh doanh… là đủ vui rồi. Tôi không khắc khoải gì cả. Đừng vì thấy mình không đầy đủ hơn mọi người mà phải đi tìm một người cho mình sự đầy đủ ấy, dù mình hiểu rằng mình có quyền ấy.
- Những đứa trẻ có phải là thứ níu chị lại với cuộc sống ấy?
- Tôi thành thực cho rằng trẻ con cũng chỉ là một phần cuộc sống của mình thôi, nên không nhất thiết mình phải lắng nghe chúng trong những câu chuyện của riêng mình. Vì cuộc đời của mình, mình phải tự quyết định. Mình có thể chia sẻ với con để con hiểu tại sao mình có sự lựa chọn, sự thay đổi ấy, để các con hiểu, còn mình luôn phải làm những điều khiến mình hạnh phúc, vui vẻ. Bởi tôi tin nếu bố mẹ không vui vẻ, con cái cũng không sung sướng gì.
Lớn lên trong một gia đình không hòa hợp, tôi từng bị ám ảnh về những cuộc cãi vã của bố mẹ. Rồi tôi nhận ra chẳng ai ám ảnh với nụ cười và sự hạnh phúc, nên con người cần biết chọn cuộc sống vì mình, cần làm thế nào để bản thân ổn nhất. Vì vậy, sống thế nào phần nhiều là do cá tính chứ không phải là những đứa con. Con trẻ chỉ là động lực để cho mình lựa chọn một cuộc sống không có nhiều đường rẽ. Nhưng nếu cá tính mình mạnh hơn, hay sự khắc khoải của mình lớn hơn, thì tôi tin trẻ con không thể thay mình quyết định.
Riêng chuyện tình cảm hay công việc, tôi không bao giờ đưa con vào cuộc để quyết định. Và cho đến lúc này, tôi nghĩ mình chưa làm gì để ảnh hưởng tới các con cả. Bởi những việc tôi làm luôn là những việc đơn thuần, chưa việc nào đưa ra một đáp số khó cả.
Người phụ nữ dễ hạnh phúc là người biết chọn sự đơn giản và sống được đơn giản…/.
Hình ảnh: Thời trang của phụ nữ phương Tây những năm đầu thế kỷ 20