“Bài hát yêu thích” sao mãi chưa thấy...thích?

(VOV) - “Bài hát yêu thích” đã qua 11 liveshow nhưng vẫn chưa thể trở thành bảng xếp hạng uy tín được khán giả yêu thích thực sự.

Chương trình “Bài hát yêu thích” hứa hẹn là nơi để khán giả thể hiện sự yêu thích đối với các bài hát. Với tiêu chí này, chương trình “Bài hát yêu thích” được kỳ vọng trở thành sân chơi âm nhạc hấp dẫn, phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc của số đông khán thính giả và góp phần làm phong phú thêm đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, qua 11 số phát sóng, khán giả chưa thực sự thấy...yêu thích như tên gọi của chương trình.

Bảng xếp hạng...thập cẩm

Theo quy định của Ban Tổ chức, các ca khúc đề cử trong “Bài hát yêu thích” đều do hội đồng thẩm định, các nhạc sĩ và ca sĩ tự đề cử. Đây là một trong những yếu tố để chương trình có những ca khúc chất lượng. Nhưng cũng chính điều này làm cho chương trình giống như là “sân chơi” của các nghệ sĩ hơn là của khán giả. Mỗi liveshow là một “tổ hợp” những ca khúc đầy đủ mọi thể loại như một nồi “lẩu thập cẩm”: nhạc mới, nhạc cũ, nhạc trữ tình, cách mạng, nhạc trẻ, nhạc thị trường...đủ cả.

Nếu những ca khúc nhạc trẻ thời thượng dễ tiếp cận với công chúng (đặc biệt là khán giả trẻ), thì có không ít những ca khúc cũ hoặc không phù hợp với đối tượng khán giả này. Ví dụ như trong liveshow mới nhất diễn ra vào ngày mùng 4/11 vừa qua, bên cạnh những ca khúc được giới trẻ quan tâm thì có lại có những ca khúc cũ như “Chiếc khăn Piêu”, “Giọng mưa đàn bà” với thể loại âm nhạc không hợp với gout nghe nhạc của giới trẻ.

Cường Seven biến "Beautiful girl" thành "thảm họa" khi hát thật trên sân khấu "BHYT"


12 ca khúc trình diễn không có sự nối kết khiến khán giả cảm thấy thiếu hấp dẫn. Điều này cũng phản ánh đúng việc BTC chưa thực sự xác định ai đối tượng khán giả chính của chương trình?

Nếu đối tượng khán giả chính là giới trẻ thì việc lựa chọn nhiều ca khúc cũ như: Hò kéo pháo, Mưa xuân,...không thực sự phù hợp. Còn nếu đối tượng chính là lứa tuổi từ 30 trở lên, việc lựa chọn ca khúc thị trường kiểu như: Chỉ anh hiểu em, Beautiful Girl, Xa em, Xóa tên anh...cũng không phải.

“Bài hát yêu thích” bên cạnh liveshow còn có những BXH tuần và tháng. Việc loạn tiêu chí bình chọn đã không thể khiến cho bảng xếp hạng của chương trình trở nên uy tín trong cộng đồng nghe nhạc.

Từ trước đến nay, mỗi bảng xếp hạng đều có một tiêu chí để đánh giá. BXH uy tín nhất tại Mỹ, Billboard thống kê số lượng bán ra các album, đĩa đơn hay số lượt download có trả tiền để quyết định thứ hạng của một ca khúc. Tại Việt Nam, các bảng xếp hạng như Vina10, Hot10 (trên VOV3 – Xonefm), We10 (yanTV) phụ thuộc lượng bình chọn ngay trên trang web. Các trang nghe nhạc trực tuyến lại phụ lượt vào lượt nghe/xem video của khán gỉa để quyết định độ hot của một sản phẩm âm nhạc.

Nhìn vào “Bài hát yêu thích” quả thực có sự “loạn tiêu chí bình chọn”. Có quá nhiều hình thức bình chọn từ việc nhắn tin qua tổng đài, thống kê lượt nghe/xem trên trang website của chương trình.. mới có thể tìm ra một BXH, nhưng, bảng xếp hạng đó cũng không thuyết phục và hấp dẫn khán thính giả.

Hát “live” lộ điểm yếu

Một trong những điểm mạnh của chương trình chính là việc các ca sĩ hát “live” trên sấn khấu chứ không phải hát nhép nhưng lại tạo ra hiệu ứng ngược. Nhiều phần thể hiện của ca sĩ được xem là “tệ” bởi khi ca sĩ hát “live” đã lộ rõ những điểm yếu trong giọng hát. Những tiết mục như “Beautiful girl” (Cường7 ft Mr.A), “Đồng xanh” (Vy Oanh), “Có khi nào rời xa” (Bích Phương)...đã gây thất vọng cho khán giả vì giọng hát ca sỹ yếu, phô, chênh, khả năng trình diễn hạn chế so với hát trong studio.

Hầu hết những bài hát đứng đầu BXH tuần hay tháng vốn tự bản thân nó đã được khán giả yêu thích trước khi tham gia chương trình. Trên thực tế, “Người hát tình ca”, “Chuyện tình nhà thơ”...hay mới nhất ca khúc đoạt giải bài hát yêu thích của tháng “Cơn mưa ngang qua” đều đã trở thành hit trong cộng đồng nghe nhạc Việt.

Trước khi xuất hiện trên "BHYT", "Người hát tình ca" đã đứng đầu trên các bảng xếp hạng nhạc Việt của nhiều trang mạng và kênh âm nhạc


Tuy nhiên, việc nghe trên mạng, xem MV khác hẳn với việc xem hát trực tiếp ca khúc đó trên sân khấu. Trớ trêu là có nhiều ca khúc được yêu thích qua youtube, qua các trang nghe nhạc trên mạng hay các kênh truyền hình âm nhạc, khi xem hát “live” trên “Bài hát yêu thích”, khán giả lại...bớt thích đi (!)

Nếu như các BXH đều đề cử những ca khúc mới phát hành, những sản phẩm âm nhạc có thể gây thu hút khán giả để tìm ra một thứ hạng “yêu thích” thì chương trình lại đề cử những ca khúc không thực sự mới mẻ, đôi khi đã khá cũ đối với khán giả.

Nhìn lại chặng đường “Bài hát yêu thích”, nhiều khán giả cảm thấy tiếc bởi một chương trình được đầu tư công phu, truyền thông mạnh nhưng lại chưa đạt được tiêu chí tự nó đặt ra và quan trọng nhất là...mãi vẫn chưa có nhiều khán giả yêu thích./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên