Ông Tô Văn Động (ảnh), Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) Hà Nội, cho biết Sở rất kỳ vọng cầu Nhật Tân sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách TP.Hà Nội. Bản thân ông thì kỳ vọng bắn pháo hoa ở cầu Nhật Tân sẽ được so sánh với điểm bắn ở cầu cảng Sydney (Australia).
Chỉ mới là ý tưởng
PV: Thưa ông, việc bắn pháo hoa ở khu vực cầu Nhật Tân sẽ được duy trì thường xuyên hay trong những dịp nào?
Ông Tô Văn Động: Tôi xin khẳng định đây là ý tưởng của Sở VH-TT-DL Hà Nội, chưa được cấp có thẩm quyền nào của TP.Hà Nội phê duyệt. Ý tưởng này nảy ra do trong quá trình quản lý nhà nước về lĩnh vực VH-TT-DL, chúng tôi thấy rằng doanh nghiệp và các tổ chức trong nước cũng như quốc tế có nhu cầu được bắn pháo hoa tại thủ đô Hà Nội. Đây là cơ sở thứ nhất để chúng tôi hình thành ý tưởng bắn pháo hoa ở khu vực cầu Nhật Tân. Cơ sở thứ hai là nhân dân thủ đô cũng có nhu cầu thưởng thức pháo hoa rất nhiều. Từ hai cơ sở này, Sở VH-TT-DL với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho TP.Hà Nội đã xin chủ trương cho phép được xây dựng đề án bắn pháo hoa khu vực cầu Nhật Tân. Nên nhớ đây là đề án bắn pháo hoa khu vực cầu Nhật Tân chứ chúng tôi không nói là bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân. Đến nay, UBND TP.Hà Nội đã nhận được văn bản xin chủ trương của chúng tôi và đồng ý giao cho Sở VH-TT-DL xây dựng đề án.
Chúng tôi cũng chưa biết sẽ bắn vào những ngày nào, dịp nào do phụ thuộc vào nguồn kinh phí. Nếu doanh nghiệp tài trợ kinh phí đề nghị bắn đúng vào dịp Quốc khánh 2/9 hay Tết âm lịch thì chúng tôi sẽ tôn trọng theo ý kiến đề xuất của họ.
PV: Vậy đề án bắn pháo hoa tại khu vực cầu Nhật Tân có những nội dung gì?
Ông Tô Văn Động: Một là, đây sẽ nơi thí điểm nếu bắn pháo hoa đẹp, tốt, an toàn, được nhân dân ủng hộ, doanh nghiệp góp tiền thấy mọi việc tốt đẹp thì duy trì lâu dài. Nếu bắn xong lần một thí điểm mà thấy rằng không ổn, không tốt lắm, có nhiều việc phải lo hơn thì sẽ dừng lại.
Hai là, kinh phí bắn pháo hoa sẽ được xã hội hóa 100%. Hiện nay, khi chúng tôi mới có đề án, chưa trình thành phố mà đã nhận được 3 đề nghị của 3 doanh nghiệp lớn xin được nộp tiền để bắn pháo hoa. Tôi đang giữ văn bản của một doanh nghiệp xin tài trợ 1,3 tỉ đồng để bắn pháo hoa ở khu vực cầu Nhật Tân.
Dự kiến, hai giàn bắn pháo hoa tầm cao phía dưới bãi bắn chĩa lên cầu Nhật Tân
Ba là, cầu Nhật Tân vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng có kiến trúc rất đẹp. Nhân dân rất muốn được tham quan khu vực đó, vậy tại sao không biến đây thành một sản phẩm du lịch để phục vụ nhân dân thủ đô và du khách đến Hà Nội? Ngay như ở Đà Nẵng có cây cầu Rồng phun lửa vào tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần và ngày lễ. Gia đình tôi đi Đà Nẵng du lịch cũng không thể không xem. Chúng tôi đã khảo sát, ở dưới cầu Nhật Tân có bãi cát rất rộng, giữa lòng sông có thể đặt giàn bắn pháo hoa ở đó để bắn.
Bốn là, việc bắn pháo hoa đã có nguồn kinh phí xã hội hóa từ các doanh nghiệp hỗ trợ, cũng rất cần tinh thần hỗ trợ của nhân dân. Xem pháo hoa là một nhu cầu chính đáng về mặt tinh thần của nhân dân. Khi đi xem thì bất kể người giàu, kẻ nghèo đều như nhau, không phân biệt, phân hóa.
“Hy vọng được duyệt”
PV: Xin ông cho biết, trong đêm giao thừa Tết Ất Mùi, khu vực cầu Nhật Tân có tổ chức bắn pháo hoa không?
Ông Tô Văn Động: Hiện đề án bắn pháo hoa ở khu vực cầu Nhật Tân xây dựng đã xong rồi nhưng tôi chưa ký. Nếu tôi ký trình mà được TP.Hà Nội đồng ý thì sẽ bắn vào dịp Tết Ất Mùi này. Hai giàn bắn pháo hoa tầm cao nghệ thuật trị giá 633 triệu đồng/giàn bắn sẽ được bố trí dưới bãi cát rộng, hai bên bắn chĩa lên cầu trong thời gian 15 phút. Người dân đứng ở cầu Thăng Long, Long Biên, hai bên bờ sông Hồng và cả trên cầu Nhật Tân để xem, đã có phương án bảo vệ hết rồi. Tôi kỳ vọng cầu Nhật Tân là điểm bắn pháo hoa được so sánh như Sydney.
Tuy nhiên, nếu thành phố thấy đề án của chúng tôi chưa hợp lý, hay thời gian chuẩn bị không kịp, thì việc bắn pháo hoa ở cầu Nhật Tân sẽ dời vào một thời điểm khác. Còn Sở chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm sẽ trình đề án lên, hy vọng được duyệt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lắng nghe ý kiến từ nhiều phía xem có phù hợp không./.
Không tài trợ vô điều kiện
Tại cuộc họp, ông Tô Văn Động đưa ra văn bản của một doanh nghiệp về việc tham gia tài trợ việc bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân. Theo đó, doanh nghiệp này đồng ý tài trợ khoản tiền 1,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, văn bản cũng có đoạn, với phần kinh phí tài trợ như trên, họ rất mong sẽ nhận được sự đồng ý cũng như tạo điều kiện của UBND TP.Hà Nội, Sở VH-TT-DL để giới thiệu với du khách và nhân dân thành phố các sản phẩm của mình. “Hình thức thực hiện là các bảng biểu, băng rôn trên tuyến đường dẫn từ thành phố lên cầu Nhật Tân, trên cầu và một đoạn đường dẫn qua cầu”, văn bản nêu rõ.
Như vậy, việc tài trợ bắn pháo hoa của doanh nghiệp có thể thấy không phải hoàn toàn vô điều kiện. Khi được hỏi hiện Hà Nội đã làm xong quy hoạch quảng cáo chưa, ông Động cho biết: “Chưa, đang làm”. Như vậy, nếu được đồng ý, doanh nghiệp trên sẽ có các vị trí quảng cáo khá lý tưởng trên cây cầu mới, hiện đại này, trong khi quy hoạch quảng cáo của thành phố còn chưa hoàn thành.
Nhận xét về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Hằng, Đại học Luật Hà Nội, cho rằng: “Cũng phải xem xét số lượng biển quảng cáo, băng rôn quảng cáo xem có vấn đề gì không. Nếu tiền quảng cáo phải nộp nếu có lại lớn hơn tiền doanh nghiệp định tài trợ thì không ổn”.
Họa sĩ Lê Thiết Cương lại nhắc đến việc các doanh nghiệp quảng cáo “cứng” trên con đường gốm sứ khi gắn logo doanh nghiệp trên con đường này. “Đó là một cách quảng cáo vĩnh viễn lách luật. Và tôi nghĩ với tài trợ bắn pháo hoa cầu Nhật Tân, chúng ta cũng cần phải minh bạch, cần trao đổi công khai để tránh những kiểu quảng cáo như vậy”, ông nói.
Trinh Nguyễn