Bảo tồn di sản và lợi ích dân sinh: Bài toán khó!

(VOV) - Làm thế nào để bảo tồn di sản và đảm bảo lợi ích của cộng đồng luôn luôn là một bài toán khó và lời giải phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Làng cổ hay...làng khổ

Câu chuyện người dân làng cổ Đường Lâm - ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 2005, viết đơn xin "trả lại di tích" thực sự là một thông tin đáng buồn. Mặc dù có những ngôi nhà trong làng cổ ở Đường Lâm đã được tu bổ, tôn tạo theo đúng nguyên tắc khoa học, được hưởng lợi từ khoản kinh phí hỗ trợ hàng tháng và dịch vụ du lịch, nhưng có một thực tế là "Đường Lâm từ làng cổ đang thành... làng khổ".

Có các gia đình 4 thế hệ chung sống, mỗi gia đình chỉ có một chiếc giường, rồi phải trải chiếu nằm dưới đất. Rõ ràng đây là thực trạng cảnh báo cho việc chúng ta bảo tồn di sản nhưng lợi ích của người dân chưa hài hòa. Một nguyên tắc của bảo tồn là để phục vụ nhu cầu tinh thần và vật chất của cộng đồng cư dân bản địa, góp phần nâng cao đời sống vật chất của họ và phục vụ cho phát triển bền vững của cả đất nước. Nhưng ở Đường Lâm thì giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng chưa tìm được tiếng nói chung.

Một góc làng cổ Đường Lâm (ảnh: Mai Lan)

Được công nhận di tích quốc gia từ năm 2005, như vậy đã gần 10 năm, nhưng đến nay làng cổ Đường Lâm vẫn chưa có quy hoạch chính thức, cũng chưa có quy chế chính thức nào về việc xây dựng trong khu di tích mà chỉ có quy chế tạm thời, kế hoạch giãn dân vẫn nằm trên giấy. Rõ ràng một phần thực trạng đáng buồn mà người dân đang kêu cứu có thể là do sự chậm chễ trong việc thực hiện quy hoạch.

PGS.TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL), hiện là Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết, ngay trước khi Đường Lâm được công nhận là di tích quốc gia với tư cách là một làng cổ ở đồng bằng Bắc Bộ, Cục Di sản văn hóa đã xúc tiến cùng với các chuyên gia Nhật Bản từ trường Đại học Nữ Chi Hòa Tokyo thực hiện một chương trình nghiên cứu rất sâu cả về di sản văn hóa vật thể và  phi vật thể và đã đặt ra nhiệm vụ cơ bản của “Qui hoạch tổng thể Bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm gắn với phát triển du lịch”.

Sở VHTT&DL Hà Tây (nay nhập về Sở VHTT&DL Hà Nội) đã hoàn thiện quy hoạch, trình lên UBND TP Hà Nội và hiện nay quy hoạch đang nằm chờ Sở Kiến trúc - Quy hoạch thành phố phê duyệt. Nếu việc phê duyệt sớm, thì quy hoạch tổng thể ấy đã cơ bản giải quyết những vấn đề mà phương tiện thông tin đại chúng thắc mắc băn khoăn và chắc chắn những xung đột vừa rồi cũng giảm đi.

Rõ ràng ở đây dường như các cơ quan chức năng vào cuộc vẫn hết sức chậm trễ, trong khi người dân phải đối mặt với cuộc sống hàng ngày. Và nói như ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, thì cần phải coi làng cổ Đường Lâm đang là một di tích sống, với 1.500 hộ dân và 6.000 người dân đang sinh sống với đầy đủ cuộc sống thường nhật hàng ngày và những nỗi lo "cơm áo".

Bảo tồn hay… “chữa cháy”

Hiện ở nước ta đang có hai mô hình tương tự Đường Lâm. Một là khu phố cổ Hội An, hai là Phước Tích (Thừa Thiên- Huế). Ở Hội An, thì người dân có thể sống đàng hoàng và giàu lên nhờ biết phát huy giá trị của di sản. Họ coi di sản Hội An là của chính họ, gắn bó với đời sống của chính họ.

Góp phần vào sự thành công của Hội An tất nhiên không thể không nhắc tới ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy thành phố Hội An - người đã biết phát huy sức mạnh của cả cộng đồng để bảo tồn di sản, từ đó phát triển du lịch bền vững. KTS Phùng Phu, nguyên Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, đã từng ao ước cố đô Huế cũng có được nhịp sống như Hội An, bởi nhịp sống của đô thị như Hội An là một cách bảo tồn di sản rất đúng. Càng ngày người Hội An càng tự hào họ là công dân của Hội An và họ tham gia rất tự nguyện, tích cực vào việc bảo tồn các di sản của thành phố.

Phố cổ Hội An (ảnh: Hà Thành)

PGS.TS Đặng Văn Bài cũng cho rằng Hội An đã thực sự coi trọng vai trò của cư dân bản địa, với tư cách là chủ thể văn hóa, chủ thể sáng tạo văn hóa, chủ sở hữu của di sản văn hóa ấy và họ đã giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, trong đó có lưu ý đến lợi ích của các đối tác cùng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị của Hội An.

Hội An đã tìm ra được một mô hình phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, trước hết không phải vì việc bảo tồn di sản văn hóa, mà vì sự phát triển của cộng đồng. Việc bảo tồn và phát triển du lịch ấy đồng nghĩa nâng cao lợi ích của người dân, mang lại lợi ích cho họ. Hội An cũng có một ban quản lý có năng lực và có sự hợp tác có hiệu quả của các chuyên gia Nhật Bản. Với tất cả những nỗ lực ấy, Hội An được nhận giải thưởng của UNESCO về chất lượng bảo tồn di tích.

Còn với làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên - Huế) đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở VHTT&DL, với UBND huyện, xã, Ban quản lý di tích với sự chỉ đạo và thực thi nghiêm túc. Ở đó có nhận được một số sự án của JICA (Nhật Bản), họ hướng dẫn phục hồi, bán sản phẩm cho khách du lịch. Trong các kỳ festival Huế, Phước Tích là một điểm đến được khách du lịch ưa thích, người dân ở Phước Tích cảm nhận thấy rõ được lợi ích của việc được công nhận làng cổ.

Những bài học của Hội An hay làng cổ Phước Tích có lẽ sẽ góp phần soi rọi thêm cho câu chuyện về việc bảo tồn di sản Đường Lâm.

Với di sản làng cổ Đường Lâm, việc bảo tồn di sản cũng cấp thiết tương tự như việc đảm bảo đời sống của người dân. Để bảo đảm hai lợi ích gồm: lợi ích quốc gia là bảo tồn di sản và lợi ích của người dân ở làng cổ Đường Lâm, theo PGS.TS Đặng Văn Bài cách bảo tồn di sản cần linh hoạt, sáng tạo và bám sát thực tiễn. Việc bảo tồn di sản Đường Lâm không đòi hỏi một cách nghiêm ngặt như một di tích đơn lẻ. Đây là một làng cổ nên chúng ta phải quan tâm đến cấu trúc không gian, đến cảnh quan sinh thái là hàng đầu và những di tích có giá trị nổi bật ở trong đó, chứ không thể áp dụng một cách máy móc tất cả các ngôi nhà trong làng cổ Đường Lâm. Trong “Qui hoạch tổng thể Bảo tồn và phát huy di sản làng cổ Đường Lâm trong phát triển du lịch” rất chú trọng xây dựng mô hình bảo tồn di sản và du lịch cộng đồng để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Việc bảo vệ ngôi nhà mà họ sở hữu cũng được điều chỉnh, tôn tạo trong mức độ phù hợp để họ sống được và trở thành sản phẩm du lịch. Vấn đề cần làm ngay là Sở Kiến trúc - Qui hoạch Hà Nội nhanh chóng trình UBND TP Hà Nội phê duyệt Qui hoạch tổng thể Bảo tồn và phát huy di sản làng cổ Đường Lâm trong phát triển du lịch và các dự án thành phần.

Dư luận đã không tốn ít giấy mực để bàn về chuyện bảo tồn các di sản: Chùa Một Cột, đình Ngu Nhuế, chùa Trăm Gian, hay làng cổ Đường Lâm... Việc bảo tồn di sản nếu không làm bài bản, khoa học, tâm huyết và không hài hòa với lợi ích của cộng đồng, thì mãi sẽ chỉ là người đi...“chữa cháy”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên