Bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương trên đất Bắc

Xuất hiện tại miền Bắc từ những năm 50 của thế kỷ XX, đến nay cải lương đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống người dân.

Kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Cải lương Việt Nam, ngày 3/9, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo “60 năm bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương trên đất Bắc” tại Hà Nội. Anh hùng lao động, Giáo sư Vũ Khiêu cùng đông đảo các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, quản lý nghệ thuật cải lương miền Bắc đã đến dự.

Các tham luận tại Hội thảo khẳng định, sau khi xuất hiện tại miền Bắc từ những năm 50 của thế kỷ XX, với 1 đoàn diễn duy nhất, đến nay cải lương đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống người dân. Nhiều tỉnh thành miền Bắc đều có đoàn cải lương riêng, cho ra đời các vở diễn có nội dung sâu sắc phản ánh được đời sống xã hội, mang ý nghĩ nhân văn cao đẹp.

Trong những năm kháng chiến, song hành cùng các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương trở thành binh chủng nghệ thuật phục vụ kháng chiến cũng nhưng xây dựng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt các nhà nghiên cứu đều cho rằng tuy có nguồn gốc từ Nam bộ như khi ra đến miền Bắc cải lương đã mang phong cách và màu sắc riêng.

Nghệ sĩ ưu tú Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội nói: “Tìm hiểu cải lương Nam để hình thành cải lương Bắc để rồi cải lương Bắc có những đặc điểm riêng sức quyến rũ riêng, làm nghề dựa trên những giá trị văn hóa riêng, giá trị văn hiến riêng được đúc kết từ nghìn năm lịch sử. Chính vì vậy cải lương Bắc đã cho ra đời những vở diễn rất chuẩn mực rất sang trọng đậm đấu ấn của mảnh đất kinh kỳ ngàn đời nay như: Kẻ sĩ Thăng Long, cây đàn huyền thoại, cung phi điểm bích, trọn đời trung hiếu với Thăng Long”.

Bên cạnh đó, tại Hội thảo các nhà nghiên cứu cũng cho rằng sau 60 năm tồn tại và phát triển ở phía bắc, bộ môn nghệ thuật đặc sắc này đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Trong đó điển hình là tình trạng thiếu khán giả, nghèo nàn về kịch bản, chất lượng ca từ chưa cao. Đây là những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới để cải lương Bắc ngày càng phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên