Bức chân dung đặc biệt của Bác Hồ ở Pháp

VOV.VN -Bức chân dung Bác là một di tích gắn bó với quá trình chiến đấu của Việt kiều đối với cuộc đấu tranh ở trong nước.

Mỗi lần đến Trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp nằm tại số nhà 16 trong con phố nhỏ Petit Musc ở quận 4 thủ đô Paris, không ít người ngạc nhiên và chú ý đến bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bị cháy xém một góc, được bà con người Việt tại Pháp trang trọng đặt trên bàn thờ. Đằng sau bức ảnh đặc biệt đó là cả một câu chuyện, cho thấy tấm lòng của bà con Việt kiều trong Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp luôn hướng về Bác Hồ kính yêu.

Bức tranh chân dung Bác Hồ được làm từ chất liệu sơn mài. Trải qua bao nhiêu năm tháng, bức tranh vẫn sắc nét và giữ được màu sắc tươi tắn.

Phần bị cháy xém thuở nào vẫn chỉ còn dấu tích ở phía dưới bức tranh – như khắc họa kỷ niệm của một thời đấu tranh gian khổ và hào hùng của những người con Lạc cháu Hồng đất Việt tại Pháp, góp phần cùng nhân dân trong nước giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Bức tranh chân dung Bác Hồ được làm từ chất liệu sơn mài. Trải qua bao nhiêu năm tháng, bức tranh vẫn sắc nét và giữ được màu sắc tươi tắn

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bổn, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, cho biết nguồn gốc của bức tranh gắn liền với lịch sử tòa nhà trụ sở của Hội người Việt Nam tại Pháp (lúc đó gọi là Hội liên hiệp Việt kiều) và cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán của Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (1968-1973). Theo đó, tòa nhà số 16 phố Petit Musc vốn được Hội Liên hiệp Việt kiều mua từ năm 1971 - giai đoạn giữa của Hội nghị Paris. Trong bối cảnh lịch sử đó, các đoàn ở trong nước sang công tác và đến thăm đã tặng cho Hội nhiều kỷ vật quý báu. Và bức tranh chân dung Bác Hồ là tặng phẩm vô giá của một đoàn công tác từ trong nước sang dành cho Hội.

Việc bức chân dung của Bác bị hư hỏng một phần bên dưới cũng gắn liền với lịch sử của đất nước nói chung và của trụ sở của Hội nói riêng. Ông Nguyễn Thanh Tòng – nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, xúc động nhớ lại những ngày tháng đó: “Bức ảnh bị cháy của Bác Hồ có lịch sử của nó. Sau năm 1975, khi vừa giải phóng đất nước, bọn phản động kéo đến phá Hội quán. Chúng biết Hội quán này là trụ sở của những người đã ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chúng đánh mấy bác công nhân, có người đã bị thương, đốt phá Hội quán và muốn đốt tấm ảnh Bác Hồ. Nhưng mấy bác công nhân đã giật lại được, nên bây giờ bức ảnh có một vết cháy xém ở trên đó”.

Phố Petit Musc ở quận 4- Paris - Nơi đặt trụ sở Hội người Việt nam tại Pháp

Ông Nguyễn Văn Bổn, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, cho biết thêm: “Bác công nhân lúc đó tên là Nguyễn Công Hoán (lúc đó đã hơn 70 tuổi) trông giữ trụ sở hàng ngày. Khi chúng đến, 4-5 tên ập vào, liệng chất cháy và đánh bác Hoán. Cảnh sát sau đó mới tới và đưa bác Hoán vào bệnh viện Saint Pétrière. Chúng muốn phá ảnh Bác Hồ là vì ảnh Bác đối với ta và với chúng đều có ý nghĩa tượng trưng. Đối với chúng, Việt Nam là Hồ Chí Minh, do đó chúng muốn đốt bức ảnh. Cũng may là cảnh sát và cứu hỏa can thiệp kịp thời. Từ đó, đối với Hội, đây là một di tích gắn bó với quá trình chiến đấu của Việt kiều, đặc biệt là của Hội đối với cuộc đấu tranh ở trong nước.”

Từ đó đến nay, dù có thay đổi trong ban lãnh đạo, song Hội người Việt Nam tại Pháp đều thống nhất giữ nguyên trạng bức chân dung Bác và coi đó là một di tích minh chứng cho thời kỳ đấu tranh anh hùng của Hội.

Đến nay, bức tranh chân dung Bác Hồ vẫn được treo ở một vị trí trang trọng, như một phần lịch sử không thể thiếu được của Hội quán. Hàng năm, cứ đến ngày sinh của Bác Hồ, Hội người Việt Nam tại Pháp và các bác lớn tuổi trong Hội Công nhân đều cùng các thế hệ con cháu tổ chức gặp gỡ, thắp hương tưởng nhớ tới Bác và cùng nhau ngâm thơ, hát lên những ca khúc về Bác Hồ, về đất nước quê hương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên