Bức hình đoạt Ảnh Báo chí Thế giới bị tố dùng mánh khóe
Từ khi nhiếp ảnh gia Paul Hansen nhận giải đến nay, liên tục có những lời tố cáo rằng anh đã sử dụng thủ thuật để cắt ghép ảnh.
Bức hình đoạt giải Ảnh Báo chí Thế giới 2013 ghi lại khoảnh khắc hai đứa trẻ người Palestine bị giết hại sau một vụ tấn công tên lửa của Israel được đưa đi chôn cất trong một tang lễ nghèo nàn đã từng thu hút sự chú ý của giới nhiếp ảnh trên khắp thế giới.
Nhưng kể từ khi nhiếp ảnh gia Paul Hansen được nhận giải đến nay, liên tục có những lời tố cáo rằng anh đã sử dụng mánh khóe, thủ thuật để có thể tạo ra bức hình đầy kịch tính này. Những lời tố cáo đó thường cho rằng Hansen đã ghép nhiều bức ảnh lại với nhau từ các góc độ để tạo ra một khuôn hình hoàn hảo.
Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng những file ảnh mà tác giả Paul Hansen đã gửi về để tham dự cuộc thi, ban tổ chức giải Ảnh Báo chí Thế giới 2013 khẳng định bức ảnh không phải là ảnh ghép.
Đại diện ban giám khảo cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra kỹ lưỡng những file ảnh mà tác giả gửi về cho giải World Press Photo và kết quả cho thấy Hansen đã sử dụng những biện pháp chỉnh sửa ở mức độ rất nhẹ, phù hợp với những tiêu chuẩn đặt ra của ban tổ chức.
Bức ảnh đoạt giải Ảnh báo chí thế giới bị tố cắt ghép. (ảnh: EPA) |
Những chỉnh sửa này chỉ nhằm thay đổi tông màu để tạo hiệu ứng mạnh hơn. Ngoài ra, chúng tôi không tìm được bất cứ dấu hiệu nào cho thấy bức hình trên sử dụng những thủ thuật như cắt ghép ảnh.”
Sau khi những kết luận của ban tổ chức giải được đưa ra, tác giả bức ảnh – anh Hansen đã trả lời phỏng vấn của báo chí: “Tôi cảm thấy rất nhẹ lòng bởi ba vị giám khảo cũng đồng thời là những chuyên gia về công nghệ đã hoạt động độc lập từ hai quốc gia, họ đã cùng đưa ra một kết luận rõ ràng.
Bức ảnh trước đó đã từng trải qua các vòng thẩm định nghiêm ngặt bởi 4 hội đồng giám khảo quốc tế, đương nhiên, trong ban giám khảo luôn có những chuyên gia về lĩnh vực công nghệ. Đây là bức ảnh được quan tâm nhất trong sự nghiệp của tôi từ trước đến nay.
Những ngày chờ đợi kết quả thẩm định từ ban giám khảo là những ngày mệt mỏi, giờ đây khi trắng đen đã được phân định rõ ràng, tôi thực sự muốn biết nguồn gốc của những lời cáo buộc trên xuất phát từ đâu.”
Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Hansen đã đồng thời giành giải nhất ở hạng mục ảnh tin tức tiêu điểm và giải chung cuộc cao nhất tại World Press Photo 2013.
Bức hình ghi lại khoảnh khắc thi thể hai em bé – Suhaib Hijazi 2 tuổi và Muhammad 4 tuổi được các bác đưa tới một đền thờ Hồi giáo để chuẩn bị cho tang lễ. Bức ảnh được chụp tại thành phố Gaza của Palestine.
Nhiếp ảnh gia Paul Hansen. (ảnh: EPA) |
Hai em nhỏ bị thiệt mạng bởi nhà của các em nằm trong vùng tấn công của trận không kích do quân đội Israel thực hiện ngày 19/11/2012. Cuộc không kích cũng khiến cha của các em, ông Fouad qua đời, mẹ của các em và 4 anh chị em khác bị thương nặng.
Giám khảo Mayu Mohanna đến từ Peru từng nhận xét về bức ảnh như sau: “Sức nặng của bức hình nằm ở hai thái cực đối lập giữa sự căm phẫn tột cùng và nỗi đau vô hạn hiện diện trên khuôn mặt của những người đưa tang chứng kiến sự ra đi của hai sinh linh bé nhỏ vô tội. Đó là một bức ảnh mà tôi sẽ không thể nào quên.”
Khi nhận giải thưởng cao quý này, anh Hansen từng nói: “Giải thưởng của World Press Photo là niềm vinh dự lớn lao nhất mà tôi có thể nhận được trong sự nghiệp của mình. Tôi rất hạnh phúc nhưng cũng rất buồn.
Một gia đình đã mất đi hai đứa con và người mẹ vẫn đang bất tỉnh trong bệnh viện. Tâm trạng của tôi lúc này vô cùng phức tạp. Thật khó để có thể diễn đạt những cảm xúc đó, để các vị hiểu được những gì đang diễn ra.
Lúc đứng ở ngoài đường lớn, ánh sáng chói gắt và có quá đông người. Khi đoàn người đi vào con hẻm nhỏ, ánh sáng bị các mặt tường cản bớt nên tôi nghĩ đây chính là lúc để mình chụp được toàn cảnh… Ở những khoảnh khắc như vậy, bạn chìm sâu vào suy nghĩ làm sao để tạo ra một bức ảnh đẹp, lúc đó chỉ còn quan tâm đến góc độ và ánh sáng…”/.