Cát-sê ca sỹ: Còn duyên kẻ đón người đưa...
(VOV) - Ở thời điểm hiện tại, "ca sỹ" là ‘nghề” được xem là hot và đang hốt bạc.
Tháng 4 vừa qua được xem là tháng nóng nhất về câu chuyện cát-sê của các nghệ sỹ, có vẻ như “kinh tế khó khăn không ảnh hưởng đến giá cả của các nghệ sỹ”, thậm chí có người còn chua chát thốt lên rằng “ca sỹ hát 1 bài bằng công chức làm 5 năm”...
Nhưng thực tế, mọi sự so sánh đều khập khiễng vì ngoài thị trường và cái “duyên” thì không ai quyết định được cát-sê ca sĩ.
Mr Đàm là một trong những ca sĩ có cát-sê cao nhất hiện nay. |
1. Ở thời điểm hiện tại, "ca sỹ" là ‘nghề” được xem là hot và đang hốt bạc bất chấp nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng. Có vẻ như, sự khó khăn của nền kinh tế thế giới không ảnh hưởng đến mức giá của họ.
Một bầu show ở Hà Nội chia sẻ, vài năm trước, để mời được ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng biểu diễn ở một quán bar gần Hồ Hoàn Kiếm, anh phải trả hơn một trăm triệu đồng. Ở thời điểm ấy, đó thực sự là một con số kỷ lục bởi cát - sê showbiz lúc bấy giờ mới chỉ dừng ở con số sáu mươi hoặc bảy mươi triệu. Thế nhưng, với hơn một trăm triệu đồng bỏ ra họ cũng không lỗ bởi sức hút của Mr Đàm là không thể chối cãi. Bằng chứng là chưa đến 8h tối mà chỗ để xe của quán đã chật kín, những hàng ô tô xếp dài dằng dặc. Hàng trăm vé víp bán với giá hai triệu đồng nhưng hết veo sau chưa đầy 5 tiếng công bố thông tin có sự xuất hiện của Mr Đàm. Nói vậy để thấy rằng, cứ hút khách thì giá cát sê cao. Vì vậy, đừng bao giờ kêu “giá ca sỹ" cao quá mà hãy nhìn vào thực tế thị trường, khi thị trường thấy cần thiết thì bao nhiêu cũng là hợp lý, thuận mua vừa bán?!
Có người nói, người Việt Nam mình ưa thể hiện nên đôi khi cũng cố cho bằng bạn bằng bè. Đây là một nhận định sai lầm bởi ngay ở thị trường quốc tế, cũng đã có rất nhiều những cuộc “mua bán” ấy. Chẳng hạn như nữ ca sỹ Beyonce từng được con trai của Muammar Gaddafi (Cựu lãnh đạo Lybia) trả 2 triệu đồng để hát 5 bài trong bữa tiệc sinh nhật của ông tổ chức ở Đảo St.Barts. Hay như tỷ phú Andrei Melnichenko (người Nga) đã chi 4 triệu USD để mời Christina Aguilera đến hát cho đám cưới của mình. Trong đám cưới, cô đã trình diễn 4 bài hát. Quy ra mức giá cát - sê mỗi bài cô lĩnh 1 triệu USD.
2. Chuyện cát - sê 6.000 USD của Mỹ Tâm gây nóng dư luận mới đây thực ra không phải là chuyện mới. Ai cũng biết, vào năm 2004, trong live show mang tên mình ở quê nhà, quản lý của “họa mi tóc nâu” đã ra mức giá 35 triệu - một con số kỷ lục bởi ở thời điểm ấy, cát - sê của những sao ca nhạc hạng A cũng chỉ nằm trong khoảng 15 triệu đổ lại.
Theo lời của những người trong nghề thì con số ấy với Mỹ Tâm là bình thường bởi ở thời điểm hiện tại, Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng là hai ca sỹ có mức cát - sê cao nhất, dao động từ 10.000 -12.000USD nên con số 6.000USD (nếu có) mà quản lý của Mỹ Tâm đưa ra với phía công ty tổ chức sự kiện không phải quá đắt. Tất nhiên, không phải show nào ca sỹ cũng có mức giá ấy và việc người ta chấp nhận được hay không mới đáng bàn. Ví như Đàm Vĩnh Hưng hát tại đám cưới khủng ở Hà Tĩnh với mức thù lao 20.000USD thì sao?
Ai đó nói rằng, việc Mỹ Tâm hát trên quê hương nên hạ giá để được lòng người nhà…, nhưng cũng nên nhớ, đó là một chương trình thương mại (chứ không phải là từ thiện) nên nếu đòi Mỹ Tâm “hạ giá” có công bằng?! BTC có thể mời hoặc không mời Mỹ Tâm (nếu thấy giá cao và không đồng thuận mua giá ấy), nhưng đừng đưa lý do “quê hương” ra để làm “điều kiện". Có thể nhiều người sẽ nghĩ, thời buổi kinh tế khó khăn, mọi thứ đều phải hạ giá sao cát sê ca sỹ vẫn tăng đến chóng mặt như vậy. Để trả lời cho câu hỏi này, xin được trích lời nữ ca sỹ Thanh Thảo (là người đứng ra tổ chức rất nhiều chương trình ca nhạc) “mặc dù lượng ca sỹ đông nhưng những cái tên đảm bảo doanh thu bán vé lại rất ít. Chính vì vậy, những ngôi sao ăn khách họ ý thức được giá trị của mình nên họ cứ đẩy giá và nhà tổ chức buộc phải chấp nhận bởi phải có bằng được ca sỹ ấy, và đó chính là nguyên nhân dẫn đến cát -sê ca sỹ cao”.
Sau cơn sốt Vietnam Idol, nữ ca sỹ trẻ Uyên Linh được bà chủ bar Phương Đông ở Đà Nẵng trả catse 3.000USD cho một đêm diễn. Đối với Uyên Linh thì đó là một con số kỷ lục và đối với “nhà đầu tư” chắc chắn “phải thu được lãi”. Đó cũng là lần duy nhất Uyên Linh nhận được mức catse ấy bởi khi sức nóng của chương trình giảm, tên tuổi cô cũng không còn gây được sự tò mò đối với công chúng thì mỗi lần xuất hiện sau này ở bar Phương Đông, cô chỉ nhận một mức giá bằng một nửa (thậm chí là 1/3) số tiền trước đây.
3. Cát - sê luôn là đề tài nhạy cảm đối với bất kì công việc nào. Với những người nghệ sỹ, cát - sê cho mỗi người càng trở nên vô cùng, nó tuỳ thuộc vào từng ngành nghề và vị trí khác nhau.
Trên thực tế, ngành công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam cũng mới đang trong hành trình xây dựng. Bởi vậy, việc những ngôi sao thực sự xây dựng được tên tuổi, thương hiệu để có thể xứng đáng được tôn vinh, được “hưởng” những đặc quyền do giọng ca và tài năng của mình mang lại có lẽ chưa đếm đủ đầu ngón tay.
Đạo diễn Lê Hoàng từng viết trong một bài báo: “Thực ra, lao động của nghệ sỹ là một thứ rất khó tính toán, và những thứ họ “đánh đổi” cũng không hề dễ nói ra... Thu nhập của một ngôi sao ca nhạc hay tấu hài trong mấy ngày Tết lên tới cả tỷ đồng là sự thực 100%. Nhưng cũng sự thực 100% là khối người trong đám nghệ sỹ đó ban đêm phải vào bệnh viện truyền nước biển”.
Câu chuyện cát-sê luôn là đề tài ầm ĩ, kéo theo sự thu hút của dư luận nên cũng khiến người nghệ sĩ phải tự cân nhắc để đưa ra cho mình một mức giá hợp lý khi xuất hiện. Nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từng được nhiều người khen “chơi đẹp” khi anh đặt giá cao trong những sự kiện có thương hiệu, nhưng lại có thể xuất hiện free trong chương trình hát cho sinh viên. Xuất hiện ở đâu và đòi mức giá như thế nào đều phụ thuộc vào cái tâm và sự nhạy cảm của những người nghệ sỹ. Còn khi đã là sự mua bán thì nên công bằng. Và giá trị của một người nghệ sỹ mà họ giữ được không phải vì họ “ra giá” thấp hay cao mà bởi cái duyên với nghề, và vì “còn duyên kẻ đón người đưa…"./.