“Chiến tranh và hòa bình” đã được làm phim như thế nào?
(VOV) - “Chiến tranh và Hoà bình” là bộ phim chi phí đắt nhất của Liên Xô khi đó và để lại nhiều dấu ấn với điện ảnh Nga.
Mỗi người chúng ta, ai mà chẳng một lần được nghe nói đến bộ phim “Chiến tranh và Hoà bình” của nền điện ảnh Xô-viết trước đây. Đây là bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Sergey Bondarchuk giàn dựng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên, nổi tiếng của đại văn hào Nga Lev Tolstoy.
Bộ phim “Chiến tranh và Hoà bình” không chỉ trở thành sự kiện đặc biệt trong lịch sử của nền điện ảnh Nga, mà còn trở thành bộ phim có chi phí đắt nhất của Liên Xô khi đó.
Số liệu được báo Lao động của Nga trích dẫn cho thấy, chi phi để làm tất cả 4 tập phim “Chiến tranh và Hoà bình” lên đến 60 triệu rúp (khi đó, 1 rúp cũng tương đương khoảng 1 USD). Số tiền này được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước.
Một cảnh trong phim Chiến tranh và hòa bình, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của đại văn hào Nga Lev Tolstoy - Ảnh: Lacma |
Bộ phim được khởi quay ngày 7/9/1967 bên tường tu viện Novodevichy. Xưởng phim Mosfilm đã phải thành lập cả trung đoàn kỵ binh để phục vụ cho việc dựng cảnh. Theo yêu cầu của đạo diễn bộ phim, Bộ Nông nghiệp đã phải cung cấp 900 con ngựa các loại. Khung cảnh các trận chiến được quay vào tháng 12 tại thành phố Mukachevo ở vùng Cacpat.
Đối với các cảnh quay của trận chiến Borodino, Bộ quốc phòng đã huy động bổ sung vài chục nghìn binh sĩ tham gia. Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Thương mại, Ủy ban kế hoach nhà nước đã phải tăng số lượng nguyên vật liệu cần thiết để may các loại áo bành-tô của quân đội thời đó, bởi vì các loại quần áo phục trang lịch sử hiện có không đủ để trang bị cho các diễn viên chính và diễn viên quần chúng. Các khẩu súng đại bác được bắn bằng đạn cao su và tỏa khói đen như trong các cuộc chiến đấu thực sự.
Một số cảnh quay buộc phải làm đi làm lại 30 - 40 lần do chất lượng của phim không cao. Do độ nhạy của phim kém, cho nên nhiều khi phải chiếu sáng trường quay ngay cả ban ngày.
Tuy nhiên không phụ công con người, bộ phim đã nhận được rất nhiều giải thưởng, trong đó có cả giải Oscar và giải thưởng cao trong liên hoan phim Moscow. Thậm chí còn được ghi tên vào sách kỷ lục Guinness thế giới. Số người tham gia trong các trận chiến đấu được quay trong phim, lên đến hơn 120.000 người và đây là số người tham gia đóng diễn đông nhất trong cảnh quay một trận chiến đấu của bộ phim khi đó.
Tác phẩm điện ảnh này được phát hành tại 117 nước trên thế giới và tại Liên-xô có hơn 135 triệu người đã xem bộ phim này. Bộ phim “Chiến tranh và Hoà bình” cũng được công chiếu nhiều lần ở các rạp chiếu phim và trên truyền hình tại Việt Nam./.
Trận Borodino còn được biết tới với tên Trận chiến Moscow, giữa quân đội Pháp do Napoléon chỉ huy và quân đội Nga dưới sự chỉ huy của tướng Kutuzov diễn ra tại khu vực Borodino, ngoại ô Moscow ngày 7/9/1812. Trận đánh kéo dài chỉ trong một ngày và được coi là trận chiến lớn thứ 3 và đẫm máu nhất trong các cuộc chiến tranh xâm lược của Napoléon, với sự tham gia của trên 25 vạn binh sỹ của cả hai phía và số thương vong ít nhất lên đến trên 7 vạn người.
Để bảo vệ đất nước, những người lính Nga đã chiến đấu ngoan cường. Nhưng vì những ý đồ chiến thuật, sau khi tuyên bố thắng trận, quân đội Nga đã chủ động rút lui bảo tồn lực lượng, để cho quân Pháp tiến vào Moscow “vườn không nhà trống”. Napoléon đã thất bại trong mục đích tiêu diệt quân chủ lực Nga trong trận đánh lớn một ngày.
Kutuzov và quân đội Nga vẫn bảo tồn được lực lượng dể kháng chiến. Trận chiến tại Borodino thể hiện lòng quả cảm của người lính Nga và trở thành một chiến thắng tinh thần của nước Nga.
Sau trận đánh này quân xâm lược tinh nhuệ của Pháp bị tiêu hao sinh lực đáng kể, không đủ khả năng tiếp tục đánh chiếm các vùng đất khác của Đế quốc Nga. Trong khi đó các nguồn tiếp tế từ hậu phương đều bị quân Nga chặn đánh. Ngay vào mùa đông năm 1812 quân Pháp đã phải tháo chạy khỏi nước Nga và chiến dịch quân sự đánh chiếm nước Nga của Napoléon hoàn toàn phá sản. Một trong những nguyên nhân chủ chốt là nhờ việc bảo tồn được lực lượng sau trận đánh Borodino, quân đội Nga vẫn có thể kháng chiến lâu dài.
Cuộc chiến tranh vệ quốc đã mang lại vinh quang cho nước Nga cận đại trên trường quốc tế, trong đó cuộc chiến Borodino có ý ngĩa đặc biệt trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Nga. Trận đánh ác liệt này luôn là đề tài lôi cuốn giới sử học. Nhờ tài nghệ chỉ huy nhân dân Nga chiến đấu chống xâm lăng, Nguyên soái Kutuzov, vị Tổng tư lệnh Quân đội Nga trong cuộc chiến này được tôn vinh là anh hùng thiên cổ. Hàng triệu triệu người về sau này còn biết đến trận đánh lớn này thông qua cuốn tiểu thuyết "Chiến tranh và Hòa bình” của đại văn hào nước Nga Lev Tolstoy./.