Con giáp Hợi biểu trưng cho sự phồn thịnh, sung túc, đủ đầy
VOV.VN -Trong tâm thức dân gian người Việt, con lợn mang nhiều nét nghĩa biểu trưng, phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh,nghệ thuật và bản sắc văn hóa dân tộc.
Từ xa xưa, lợn là một loài động vật quen thuộc, gần gũi và gắn bó mật thiết với con người. Không chỉ tạo nên những giá trị vật chất đa dạng mà hình tượng lợn còn mang ý nghĩa tinh thần to lớn trong quá trình kiến tạo hệ thống biểu tượng văn hóa của xã hội loài người.
Trong văn hóa phương Đông, lợn (Hợi) là một trong 12 con giáp thuộc vòng tuần hoàn lịch âm tính theo Can Chi và cũng nằm trong lục súc (6 loại gia súc nuôi trong nhà, gồm ngựa (mã), trâu/bò (ngưu), cừu/dê (dương), chó (cẩu), lợn (trư), và gà (kê)). Theo quan niệm âm dương của người xưa, lợn biểu trưng cho tính âm, cho sự phồn thịnh, sung mãn, sung túc, giàu có, đủ đầy, phồn thực, con đàn cháu đống.
Biểu trưng cho sự phồn thịnh, sung túc
Tuy vị trí ở cuối cùng trong 12 con giáp, song con lợn, hình ảnh của nó đã phản ánh sâu sắc đời sống tâm linh, bản sắc văn hóa dân tộc và phong cách nghệ thuật đặc trưng của người Việt Nam không kém gì các con giáp khác.
Hình ảnh chú lợn trong tranh dân gian Kim Hoàng. |
Hình ảnh "chú lợn" đi vào phong tục tập quán của người Việt qua những ca dao, tục ngữ, thành ngữ và những câu chuyện cổ tích, thần thoại quen thuộc của người dân. Gắn liền trong nếp sống của những người nông dân chất phác, con lợn béo tốt là kết quả lao động thành công bao năm tháng của họ. Con heo là niềm vui, là nơi họ gửi gắm tình cảm: “Lợn đói một bữa bằng người đói nửa năm”. Chính vì thế mà trong tập quán sinh hoạt từ xưa truyền lại vào các ngày lễ Tết, “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Câu nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” là những thức quà không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Dân gian ta còn tạo dựng kho kinh nghiệm sống (“túi khôn”), quan niệm sống, triết lý nhân sinh sâu sắc liên quan đến con lợn: “Trông mặt mà bắt hình dong. Con lợn có béo bộ lòng mới ngon” hay “Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng”,…
Đặc biệt, lợn còn là là loài vật linh thiêng gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng, hoạt động thờ cúng tôn giáo, với tư cách của một lễ vật. Dân gian cho rằng hình ảnh con lợn mang đến sự may mắn, giàu có, thịnh vượng, khả năng sản sinh tài lộc cho mỗi gia đình.
Lợn được chọn là một trong những lễ vật quan trọng và không thể thiếu trong những nghi lễ lớn của người dân Việt Nam. Một trong những lễ hội đã trở thành nét đẹp văn hóa là lễ hội rước “Ông lợn” của người dân làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội). Đây là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc gìn giữ bờ cõi. Đến ngày lễ, mỗi xóm trong làng lại mang lợn ra đình dâng tế Thành Hoàng.
Lễ hội rước “Ông lợn” của người dân làng La Phù |
Lợn được dâng tế đều được tuyển chọn kỹ càng, nuôi dưỡng cẩn thận, chu đáo từ các năm trước. Sau đó, những con lợn này sẽ được làm thịt, trang trí đẹp mắt và lên kiệu chờ giờ đẹp để làm lễ dâng tế. Điều đặc biệt, các “Ông lợn” được mặc áo choàng, chính là lớp mỡ được bóc ra từ “Ông lợn”.
Các “Ông lợn” và lễ vật được rước qua các làng, các xóm trong tiếng trống rộn ràng, sau đó về đình để chuẩn bị cho lễ tế. Mỗi đám rước gồm 3 kiệu chính: bàn lộc, mâm xôi và “Ông lợn”. Đến 21 giờ, các “Ông lợn” lần lượt được rước vào đình. Đúng 12 giờ đêm, các cụ cao tuổi bắt đầu làm lễ tế kéo dài đến 1-2 giờ sáng hôm sau. Sau khi làm lễ xong, các xóm làng sẽ rước các “ông lợn” trở lại nhà và chia lợn phát lộc cho các hộ gia đình.
Trong dịp cưới hỏi, lợn là lễ vật không thể thiếu với mong muốn gửi gắm vào đó ước mơ, khát vọng của người dân về một cuộc sống yên bình, thịnh vượng. Trong bài ca dao "xin áo" anh chàng hứa trả công cho cô gái bắt được áo bằng chính lễ vật cưới xin: “Khâu rồi anh sẽ trả công. Đến lúc có chồng anh lại giúp cho. Giúp em một thúng xôi vò. Một con lợn béo, một vò rượu tăm”.
Tranh dân gian Đông hồ "Lợn đàn". |
Có thể nói, lợn không chỉ xuất hiện trong ngôn ngữ đời sống người Việt, mà còn được hình tượng hóa vào ngôn ngữ nghệ thuật với những biểu trưng đa diện, đa sắc thái. Trong nghệ thuật dân gian, hình tượng lợn đã được các nghệ nhân thể hiện rất sinh động, tinh tế và ấn tượng với sự khái quát của đường nét, không gian ước lệ và màu sắc mộc mạc.
Trong hội họa dân gian Việt Nam, con lợn được thể hiện qua các bức tranh dân gian Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh). Tất cả các màu được các nghệ nhân Đông Hồ cấu trúc miếng mảng cho tranh đàn lợn rất có hồn và chiều sâu. Bức tranh "lợn đàn" là biểu tượng của sự sung túc, no đủ, mang ý nghĩa phồn thực sinh động. Lợn mẹ màu trắng, mắt lim dim. Năm lợn con nô đùa bên mẹ, con xanh, con đỏ, con hồng, con tím, con vàng.
Vẽ ra con lợn, nghệ nhân phác họa thế giới của mình, từ những lam lũ gieo neo vươn tới giấc mơ no ấm, sum vầy đông đúc. Nghệ nhân Đông Hồ còn chạm khắc hình trang trí vân tròn xoáy âm dương giàu tính ttriết lý phương Đông : “thiên, địa, nhân”, trời đất thuận hòa, người người ấm no.
Tác phẩm của họa sĩ Thành Chương. |
Ngày nay, tranh Tết của các họa sĩ vẽ về lợn đa dạng hơn xưa, có sự thay đổi rất nhiều trong cách thể hiện, bên cạnh phong cách tả thực còn có trừu tượng, lập thể... khiến cho tranh Tết vô cùng phong phú. Những đường nét, sắc màu, hồn vía của bức tranh để thấy sức sống của mùa xuân được họa sĩ biểu đạt theo chính cảm nhận và những rung cảm của mình. Không chỉ là một lời chúc lành cho năm mới tốt đẹp mà còn chuyển tải nhiều thông điệp trong xã hội.
Không chỉ có trong tranh, con lợn còn xuất hiện trong các chạm khắc dân gian của người Việt như điêu khắc đình làng và các tượng heo hay một vật rất thông dụng là con heo đất. Cùng với thời gian, hình tượng con heo trở thành nguồn cảm hứng cho ngôn ngữ tạo hình dân gian với nhiều sắc thái khác nhau.
Biểu tượng văn hóa đa niệm
Tuy nhiên, từ góc độ văn hóa, lợn không mang biểu tượng thuần nhất mà ở nó có sự đan cài, đối nghịch nhau. Dù được xem là biểu tượng của sự may mắn và trù phú như thế nhưng con lợn trong dân gian vẫn mang nhiều ý nghĩa tiêu cực.
Trong bánh xe sinh tồn của người Tây Tạng ở Trung Quốc thì con Lợn là sự biểu trung cho sự ngu tối. Theo quan niệm của nhiều dân tộc thì hình ảnh con lợn còn tượng trưng cho thói tham lam, ích kỉ. Đặc sắc nhất trong những hình tượng lợn được phản ánh đó chính là nhân vật Trư Bát Giới trong “Tây Du Kí” của Ngô Thừa Ân. Nhân vật với vẻ ngoài và tính cách của lợn, là kiểu con người hám lợi, khoái hưởng lạc, thỏa mãn mọi ham muốn, dục vọng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung, ích kỉ. Vì thế anh ta đã gây ra biết bao nhiêu khổ nạn cho thầy trò Đường Tăng.
Tiểu thuyết “Trư cuồng” ( nay đổi thành tên “Chuyện ngõ nghèo”) của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. |
Nhân dân ta còn mượn hình ảnh con lợn để phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội như : “Lợn cưới, áo mới”; Gái không biết nuôi heo là gái nhác. Trai không biết nuộc lạt là trai hư”,….
Trong văn học cổ, lợn bị coi là biểu tượng cho trần tục, ngu dốt, có lẽ vì vậy nó luôn có mặt nhiều trong giai thoại trào phúng xưa. Nguyễn Công Trứ từng dùng hình ảnh lợn để chỉ cảnh nghèo túng: “Trong cũi lợn nằm gặm máng, đói chẳng buổi kêu. Đầu giường chuột lóc khua niêu, buồn thôi lại bỏ”. Còn đối với văn học đương đại Việt Nam, hình tượng lợn cũng trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn, nhà thơ. Nguyễn Xuân Khánh đã rất độc đáo và tài tình viết nên tiểu thuyết với nhan đề “Trư cuồng”, sau đổi thành tên “Chuyện ngõ nghèo”. Trong tiểu thuyết, con người đa diện với phần con và phần người, trộn lẫn xấu - tốt, cao thượng - thấp hèn. Cái phần con được tác giả miêu tả là phần lợn, là bản năng, thích khoái lạc, ngu si.
Tuy có những ý niệm khác nhau trong văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, song lợn vẫn là loài động vật đồng hành với nhân loại từ thủa sơ khai. Hình tượng lợn qua quá trình dịch chuyển, thẩm thấu, biến hóa trong đời sống con người. Nó chuyên chở những biểu trưng văn hóa, ngôn ngữ độc đáo của người dân nền nông nghiệp lúa nước. Nghĩ về hình tượng lợn như một biểu tượng trong kho tàng di sản văn hóa cũng là cách để chúng ta tiếp cận, khám phá những biểu hiện đa diện, nhiều chiều, phức tạp của văn hóa trong tâm thức dân tộc Việt./.