Đạo Mẫu gắn với cội nguồn dân tộc
Hội thảo về nghiên cứu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tổ chức ngày 6/1 tại TP.Nam Định đã làm rõ giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu (đạo Mẫu) ở người Việt.
Đạo mẫu không chỉ là nghi lễ hầu đồng, hầu bóng
Nghi lễ hầu đồng tại phủ Tiên Hương, Nam Định - Ảnh: V.Đ |
Các nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt cho thấy tín ngưỡng này thể hiện ý thức nhân sinh, cội nguồn, dân tộc, đồng thời hướng tới lòng từ bi, bác ái, tinh thần cộng đồng, khuyến thiện... TS Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho rằng: “Việc thực hành lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu với những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa thiêng được kết hợp một cách nghệ thuật có thể coi như một “bảo tàng sống”, lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa người Việt”.
Tuy nhiên, nghịch lý là một bộ phận không nhỏ người dân cho rằng tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ đơn thuần là nghi lễ hầu đồng, hầu bóng với nhiều yếu tố mê tín dị đoan.
PGS-TS Từ Thị Loan, quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN, nêu rõ: “Hầu đồng, hầu bóng thực chất chỉ là một trong những nghi lễ nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu. Tín ngưỡng này có cả một hệ thống thực hành nghi lễ như việc thờ cúng, các lễ hội... Nghi lễ thờ Mẫu phải hiểu về giá trị tinh thần là tôn vinh người mẹ đã sản sinh ra nhân loại, mang bản tính che chở, sáng tạo và bảo trợ cho cộng đồng, vun đắp cuộc sống của gia đình, cộng đồng, làng nước. Ngoài ra, còn tích hợp rất là nhiều giá trị về văn hóa, nghệ thuật như những bài chầu văn, những điệu múa thiêng, là môi trường để dung dưỡng rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc".
Loạn thanh đồng
Bên lề hội thảo, thanh đồng Vũ Thanh Thủy, một thanh đồng khá có tiếng ở Nam Định phản ánh tình trạng chưa bao giờ có nhiều thanh đồng (tức là người hầu đồng, nhập vai Thánh Mẫu hay quan thánh, được tin là các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc) và dễ dàng trở thành thanh đồng như hiện nay. “Muốn trở thành thanh đồng phải có căn, có cốt. Nhưng bây giờ, hình như ai muốn thành thanh đồng cũng được. Có người chỉ mở phủ 2, 3 năm đã đi khai căn, mở phủ cho người khác. Trong giới thanh đồng, tôi biết có nhiều người mở phủ, làm đồng chỉ cốt để kiếm tiền”. Chị Thủy cũng nêu rõ việc có không ít thanh đồng “gặp ai, gặp gì trục trặc cũng nói người ta có vong theo, nếu không làm lễ, ra hầu thánh thì tan cửa nát nhà. Nhiều người sợ nên có đi vay cũng phải cố mà lễ mà vẫn ngay ngáy lo nghĩ”. Rồi chuyện trong giới thanh đồng đi nói xấu nhau, dè bỉu nhau, thậm chí a dua theo kiểu “đánh hội đồng” với những thanh đồng không cùng phe nhóm, chuyện hầu đồng, hầu bóng đang có nguy cơ “mất gốc”, bị du nhập trang phục, nghệ thuật xa rời truyền thống…
Ngay tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, học giả cũng thừa nhận tình trạng “loạn thanh đồng” hiện nay. GS-TS Ngô Đức Thịnh khẳng định: “Chưa bao giờ đạo Mẫu phát triển như hiện nay”, nhưng lại lo lắng: “Môi trường xã hội hiện đại, kinh tế thị trường đã làm đạo Mẫu tìm thấy môi trường lý tưởng để bén rễ, hồi sinh, thậm chí đạt mức thái quá gây nhiều hệ lụy cho xã hội”.
Nhà nghiên cứu Hồ Đức Thọ (Chi hội trưởng Văn nghệ dân gian, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định) thì trăn trở trước tình trạng: “Lập điện, lập phủ mới quá nhiều, thầy cúng, thầy bói, thanh đồng phát triển tràn lan, đua đòi mở các canh hầu quá to, lên tới đôi, ba trăm triệu đồng”...
Từ thực tế đó, các học giả, nhà nghiên cứu cho rằng để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, cần có giải pháp cụ thể, lấy vai trò cộng đồng làm chủ công nhưng không thể thiếu sự can thiệp tích cực từ chính sách, pháp luật. Theo PGS-TS Từ Thị Loan, cùng với việc đệ trình UNESCO xét duyệt, công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong năm 2016, Bộ VH-TT-DL cũng đã chuẩn bị chương trình hành động để bảo vệ, giữ gìn di sản này không đi chệch hướng./.