Đề xuất đúc tượng Rùa vàng:Hồ Gươm không phải nơi thích đặt gì thì đặt
VOV.VN - Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội: "Hồ Gươm là di tích lịch sử đặc biệt của quốc gia nên không thể tùy tiện đặt gì thì đặt...".
Trước những ý kiến trái chiều về ý tưởng “Đúc tượng Rùa vàng tại Hồ Gươm” của ông Tạ Hồng Quân, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho biết, ông vẫn giữ nguyên quan điểm ủng hộ đề án này.
“Hiện nay vẫn chưa có gì đảm bảo đề án này sẽ được thực thi. Tuy nhiên, mình nhìn từ góc độ nào thì mình ủng hộ góc độ đó thôi. Tôi quan niệm Rùa vàng là biểu tượng của Thần Kim Quy. Người giữ Nỏ thần, giúp xây Thành Cổ Loa. Rùa vàng còn gắn liền với truyền thuyết Hồ Gươm, giúp vua Lê giữ nước. Xưa nay, rùa còn là biểu tượng của sự bền vững. Văn hóa truyền thống dân gian còn có bao nhiêu tác phẩm ca ngợi về hình ảnh này. Vậy thì việc lấy Rùa vàng làm biểu tượng của Hồ Gươm, của Hà Nội là rất thuyết phục”, PGS.TS Đặng Văn Bài nhận định.
PGS.TS Đặng Văn Bài. Ảnh: TL |
Ông cũng có những lý giải về hình ảnh “rùa đội bia”. “Thực tế, con rùa có vững vàng, bền bỉ thì ông cha ta mới sáng tạo nên biểu tượng rùa đội bia được”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói.
Về phía Sở VHTT Hà Nội, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa nhận được đề án chính thức cho nên khó có thể nói là ủng hộ hay không ủng hộ. Dĩ nhiên, những ý kiến đóng góp cho Hà Nội, Sở VHTT luôn ghi nhận. Tuy nhiên, câu trả lời chính xác vẫn phải chờ chỉ đạo của UBND TP”.
Ông Trần Quốc Chiêm, PGĐ Sở VHTT Hà Nội cũng cho rằng: “Hồ Gươm là di tích lịch sử đặc biệt của quốc gia nên không thể tùy tiện đặt gì thì đặt. Hiện tại, theo ý kiến cá nhân của tôi là không đồng ý đặt tượng Rùa vàng tại Hồ Gươm. Cũng giống như đề án dựng mô hình King Kong cách đây không lâu, nếu thấy không phù hợp là chúng tôi sẽ không đồng ý”.
Ông Trần Quốc Chiêm, PGĐ Sở VHTT Hà Nội. Ảnh: TL |
Theo ông Trần Quốc Chiêm, để có câu trả lời xác đáng nhất về việc nên hay không nên “dựng tượng Rùa vàng ở Hồ Gươm” cần tổ chức một cuộc hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia về văn hóa, lịch sử, di sản, nghệ thuật. “Và điều này thì còn phải chờ thêm thời gian chứ không thể vội vàng được”, ông Nguyễn Quốc Chiêm cho hay.
Trả lời PV VOV.VN, TS Đào Ngọc Nghiêm nhận xét” “Đề án này mới chỉ đưa ra ý tưởng nhưng đã vấp phải quá nhiều ý kiến phản đối. Chính vì thế khả năng hiện thực rất khó. Bản thân tác giả và những người từng đồng thuận cũng cần phải cân nhắc lại. Một đất nước hay một thành phố đều có thể có nhiều biểu tượng. Rùa vàng cũng là biểu tượng của Hồ Gươm, Hà Nội. Nhưng quan trọng nhất bây giờ là đặt ở đâu? Nếu chỉ vì chạy theo một biểu tượng mới mà phá vỡ không gian đã được quy hoạch trước đó của Hồ Gươm thì không ổn”.
Tác giả đề xuất “đặt tượng Rùa vàng tại Hồ Gươm” nói gì?
TS Đào Ngọc Nghiêm cũng bác bỏ ý kiến thu nhỏ kích cỡ Rùa vàng để tiết kiệm diện tích. “Hiện nay, ở trong Đền Ngọc Sơn đã có một phiên bản Rùa thật. Việc nhân lên nhiều phiên bản khác nhau sẽ làm giảm ý nghĩa của biểu tượng”, ông nói.
Họa sỹ Bùi Thanh Phương, con trai cố họa sỹ Bùi Xuân Phái cho rằng, ông ghi nhận tình yêu và công sức của tác giả Tạ Hồng Quân. Tuy nhiên, bản thân họa sỹ Bùi Thanh Phương không đánh giá cao ý tưởng này.
Ý tưởng đặt tượng Rùa vàng ở Hồ Gươm vẫn đang gặp nhiều tranh cãi. |
“Theo tôi, Hồ Gươm là nơi mang tính biểu tượng. Những công trình lịch sử gắn liền với không gian truyền thống ở đây đã tồn tại hàng nghìn năm thì không nên phá vỡ. Ngoài ra, hình tượng Rùa vàng chỉ có trong truyền thuyết. Hãy để những ai đến Hồ Gươm thả trí tưởng tượng theo điều họ muốn thay vì hiện thực hóa bằng cách “Đúc tượng vàng” đặt trước mặt họ”, họa sỹ Bùi Thanh Phương cho hay.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng bày tỏ: “Truyền thuyết về rùa vàng ở Hồ Gươm đã trở thành bất tử trong tâm thức của người Việt, được gìn giữ từ nhiều đời. Chúng ta không cần một thứ gì tượng hình hoặc vật hoá mà làm hỏng đi ý nghĩa tốt đẹp của truyền thuyết. Trong bất cứ trường hợp nào cũng thế, vật thể hoá, cụ thể hoá truyền thuyết rất dễ bị hỏng và vô tình làm tầm thường hoá đi hình ảnh của cụ Rùa trong truyền thuyết”.
“Tôi là một người yêu Hà Nội, ai trong chúng ta cũng yêu Hà Nội và mong muốn gắn bó với Hà Nội, nhưng tình yêu đó phải có văn hoá, phải có tư duy, phải có suy nghĩ. Tình yêu đó phải thẩm thấu bề dày lịch sử văn hoá chứ không phải muốn làm gì cũng được. Ngoài ra tôi thấy hình ảnh thiết kế tượng cụ Rùa vàng ở Hồ Gươm không đẹp một tý nào, và nó cũng lãng phí tiền bạc của nhân dân”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết.
Liên quan tới đề xuất đúc tượng rùa bằng chất liệu đồng, vàng nặng 10 tấn đặt ở Hồ Gươm, nhà nghiên cứu văn hoá Trần Lâm Biền cho hay ông không ủng hộ việc này bởi nếu muốn đề cao con rùa là thủy tổ của Quốc gia, các thế hệ ông cha ta đã làm rồi, không phải chờ tới bây giờ.
Lý giải về lý do không đồng tình, GS Trần Lâm Biền phản đối việc báo chí hay dùng từ “cụ rùa”. Với ông, rùa là con vật, không có “cụ rùa” nào cả.
Theo ông Trần Lâm Biền, trong tứ linh thì đều có mặt hại, mặt lợi nhưng với con rùa, mặt hại là điển hình hơn mặt lợi. Việc đặt cái gì ở Hồ Gươm bây giờ đều phải cân nhắc cẩn thận chứ không phải cứ muốn đặt gì cũng được. "Có đề xuất gì cũng phải cân nhắc trước khi đề xuất chứ. Không đề xuất linh tinh", GS Biền nói thêm./.
Không nên đặt tượng Rùa vàng ở Hồ Gươm