Đi lễ đầu năm: Cùng nhau giữ gìn chốn tôn nghiêm
VOV.VN - Năm nay, công tác tổ chức lễ hội đã được chấn chỉnh, hầu hết diễn ra trong cảnh bình yên, tuy nhiên đâu đó vẫn còn những hình ảnh không đẹp mắt.
Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân lại nô nức trảy hội. Năm nay, công tác tổ chức lễ hội đã được chấn chỉnh, hầu hết diễn ra trong cảnh bình yên, tuy nhiên đâu đó vẫn còn những hình ảnh không đẹp mắt.
Không còn cảnh chen lấn, tranh cướp, nhưng...
Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) khai mạc từ ngày 21/2 (tức mùng 6 Tết). Năm nay, lễ hội chùa Hương không còn cảnh người chen lấn xô đẩy dẫn đến có người bị ngất, cảnh nhốn nháo tranh cướp lộc từ sư thầy, nhưng vẫn không thiếu những hình ảnh chưa đẹp mắt.
Những hình ảnh phản cảm trong ngày khai hội chùa Hương 2018
Chị Lan Anh (Đông Hưng, Thái Bình) chia sẻ: “Năm nay đi hội chùa Hương, tôi không còn thấy cảnh hàng quán treo lủng lẳng thịt thú rừng mời chào du khách. Nạn bói toán, cờ bạc trong lễ hội hầu như được dẹp bỏ. Tuy nhiên, dọc hai bên đường từ cổng Thiên Trù lên động Hương Tích, hàng quán khá lộn xộn, nhếch nhác. Một số hàng bán bánh, thuốc đông y dùng loa quảng cáo sản phẩm làm mất vẻ yên tĩnh, thanh tịnh chốn tôn nghiêm. Một số người dân đi lễ thiếu ý thức khi sọt rác được bố trí ở khắp mọi nơi mà vẫn xả rác bừa bãi, nhất là ở khu vực suối Yến, dù Ban tổ chức đã bố trí người vớt rác trên suối nhưng nhiều lúc họ vớt không xuể khiến rác nổi lềnh phềnh trên dòng suối thơ mộng”.
“Địa phương nào có sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt thì ở đó công tác quản lý và tổ chức lễ hội đạt hiệu quả cao, hạn chế những hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội”
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy.
Tại ngọn đồi đặt tượng Phật Di Lặc, khá đông du khách trèo lên xoa tiền lên tượng Phật để cầu may. Chân tượng bị xoa nhiều đổi từ màu đen sang màu vàng. Ông Lý Đức (Phủ Lý, Hà Nam) bày tỏ: “Thấy người ta nói xoa tay vào tượng Phật sẽ gặp nhiều may mắn nên gặp bức tượng nào ở tầm tay là tôi xoa. Người đi lễ đông như vậy, Ban tổ chức làm sao bao quát hết được mà nhắc nhở hay xử phạt”.
Dịch vụ “ăn theo” vẫn nhộn nhịp trong lễ hội Lim năm 2018
Sáng ngày 27/2 (12 tháng Giêng), hội Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) mở hội đón khách. Theo quy định của Ban tổ chức, các liền anh, liền chị hát tại khu vực hát quan họ không được nhận tiền của du khách. Tuy nhiên, không ít liền anh, liền chị vẫn ngả nón nhận tiền.
Anh Đỗ Thanh (Yên Dũng, Bắc Giang) đề nghị: “Những liền anh, liền chị vi phạm quy định của Ban tổ chức nhận tiền, thậm chí còn chủ động ngửa nón xin tiền của du khách thì phải bị xử lý nghiêm mới mong dẹp bỏ những hành vi không đẹp trong lễ hội”.
Trách nhiệm của mỗi cá nhân
Theo PGS.TS. Phạm Ngọc Trung, Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lễ hội là nét đẹp văn hóa của người Việt, mỗi cá nhân phải có ý thức giữ gìn thể hiện qua lời nói, hành động khi đi lễ. Muốn thế phải tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho người dân hiểu những nét đẹp của lễ hội, những việc được làm và không nên làm, thậm chí có sự giáo dục bài bản từ hệ thống nhà trường.
Theo ông Trung, thương mại hóa lễ hội mà đúng luật và đúng tâm linh, giữ gìn được bản sắc của lễ hội cũng tốt vì nó có thể kích cầu văn hóa, kinh tế địa phương, vừa nâng cao đời sống của người dân, vừa tăng thêm thu nhập cho địa phương và đất nước. Nhưng để đạt được điều này thì công tác quản lý lễ hội phải làm chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Dù BTC đã có lệnh cấm nhưng một số liền anh, liền chị vẫn nhận tiền của du khách tại Hội Lim. |
Theo ông Sơn, để giữ gìn sự thanh tịnh chốn tôn nghiêm, Ban Quản lý di tích phải gương mẫu, làm việc có tâm, kết hợp với xã hội lên án những hành vi không đẹp mắt trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để “quét sạch” những hành vi đó./.