Độc đáo Lễ mừng lúa mới của đồng bào Cơ tu

Lễ mừng lúa mới của đồng bào Cơ tu được tổ chức vào mùa xuân, sau khi thu hoạch lúa rẫy, với ý nghĩa cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu.

Đồng bào Cơ tu ở Việt Nam có  khoảng 37.000 người, cư trú chủ yếu ở tỉnh Quảng Nam. Quanh năm, cuộc sống của người Cơ tu gắn chặt với núi rừng, điều kiện canh tác rất khó khăn. Bởi vậy, một năm mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu luôn là mơ ước của người Cơ tu và đó là lý do đồng bào tổ chức Lễ mừng lúa mới vào dịp xuân mới.

Nghi lễ đâm trâu trong lễ mừng lúa mới của người Cơ tu -Quảng Nam.

Thông thường, sau khi thu hoạch lúa rẫy, xuân về người Cơ tu ở Quảng Nam lại tổ chức hội mừng lúa mới. Chủ làng là người quyết định thời gian mở hội. Chủ làng mời các già làng, thầy cúng trong làng bàn việc chuẩn bị, cũng như phân công dân làng tổ chức lễ hội. Sau đó, Chủ làng và già làng sẽ làm chủ lễ và chỉ huy các hoạt động của lễ hội theo đúng phong tục tập quán.

Trai tráng trong làng vào rừng săn thú, phụ nữ bắt ốc, cá, ủ rượu, nấu xôi, làm bánh. Những người khéo tay trong làng lo chuyện gọt đẽo, trang trí cột buộc trâu. Trước ngày lễ hội, đường sá, sân làng được quét dọn sạch sẽ, nhà gươl (nhà làng), cồng, chiêng, trống được sửa sang.

Chị A Lăng Đinh ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, mỗi năm vào dịp lễ hội mừng lúa mới, mọi người trong làng đều rất vui bởi được ăn xôi gạo mới và những thức ăn ngon nhất, được tham gia múa những điệu múa truyền thống, được nhảy với các bà mẹ và các cụ già. Trong ngày này, mọi người sẽ mặc những bộ áo váy mới đẹp nhất của mình để trưng diện.

Tâm điểm của lễ hội mừng lúa mới là nghi lễ đâm trâu. Dân làng và khách được mời quây tròn quanh sân làng để tham dự. Trước khi diễn ra lễ đâm trâu, người Cơ tu tổ chức nghi lễ tôn vinh con trâu được hiến tế bằng một lễ nhạc cồng chiêng do một nghệ nhân trong làng thể hiện có tiêu đề “Điệu khóc tế trâu”. Sau đó, một già làng hát lý giỏi sẽ hát theo điệu chiêng trống với một bài hát có nội dung tâm sự với con trâu về nỗi lòng biết ơn của dân làng trước sự hy sinh của nó.

Ông Nguyễn Hai, cán bộ Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, trâu được dùng trong lễ hội đâm trâu là loại trâu nghê - một con trâu rất khoẻ mạnh. Dân làng đâm con trâu đó để dâng cúng lên thần linh, cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng sức khoẻ, cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi.

Khi chiêng trống nổi lên, người dân Cơ tu cùng múa điệu Tung tung Za zá (một điệu múa của dân tộc Cơ tu) chung quanh cột buộc trâu. Người được chọn đâm trâu đầu tiên thường là một già làng có kinh nghiệm trong làm rẫy, đi săn, tiếp đến là đại diện các gia đình trong làng. Trâu chết, đầu quay vào nhà gươl, nghĩa là báo hiệu một điều tốt lành, Giàng và thần linh đã tiếp nhận vật hiến tế cùng lời thỉnh cầu của dân làng, giúp cho một vụ mùa sắp đến bội thu, mưa thuận, gió hòa, núi rừng yên ổn, dân làng no ấm.

Sau khi trâu đã chết, người chủ làng tiến hành các nghi lễ làm phép cắt đuôi trâu tung lên đỉnh cột buộc trâu, ý nghĩa như là dâng cả con trâu cho thần linh. Dân làng đem áo, chiếu, gạo nếp, rượu bỏ lên mình con trâu với hàm ý cho của cải để trâu về với Giàng.

Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ tu ở Quảng Nam còn là dịp biểu thị sức mạnh cộng đồng, một nét đẹp văn hoá cổ truyền. Và mỗi độ Xuân về, khi núi rừng vang lên tiếng hát, tiếng cồng chiêng ngân vang khắp nơi, người Cơ tu lại đón chờ một năm mới mưa thuận, gió hòa, vụ mùa bội thu, an lành, no ấm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên