Đơn vị nào đủ thẩm quyền xử phạt hoa hậu Diễm Hương?
VOV.VN - Do luật thiếu chặt chẽ, cả Cục NTBD lẫn BTC cuộc thi HH đều “không có cơ sở pháp lý” xử phạt Diễm Hương dù sai phạm mười mươi.
Diễm Hương thoát án cấm diễn ngoạn mục
Sau khi Cục Kiểm tra Văn bản Qui phạm Pháp luật của Bộ Tư pháp vào cuộc và kết luận văn bản 131 của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTT&DL) ra ngày 7/3 vừa qua là “không có cơ sở pháp lý” và yêu cầu phải rút lại trong vòng 3 ngày.
Công văn 131 của Cục NTBD đề nghị các các Sở VHTT&DL các tỉnh/thành phố “tạm dừng cho phép Hoa hậu Diễm Hương tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu”.
Bộ Tư pháp cho rằng văn bản này có dấu hiệu vi phạm quyền công dân khi “cấm vận” gây khó khăn cho việc mưu sinh hành nghề của đương sự.
Hoa hậu Diễm Hương |
Chiều 8/4, Cục NTBD đã ra văn bản số 263 gửi đến Sở VHTT&DL các thành phố đề nghị tiếp tục phối hợp xử lý vi phạm của hoa hậu Diễm Hương.
Văn bản mới thay thế văn bản cũ đã không còn yêu cầu các Sở VHTT&DL tạm dừng cấm diễn đối với Hoa hậu Diễm Hương mà thay vào đó là yêu cầu “tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm duyệt chặt chẽ nội dung, hình thức chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu trước, trong và sau khi cấp phép, đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân đã có hành vi vi phạm, trong đó có trường hợp vi phạm của bà Diễm Hương, nhằm hạn chế những ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội”.
Như vậy là Hoa hậu Diễm Hương đã chính thức thoát khỏi án phạt cấm diễn và tiếp tục chờ hình phạt đối với việc vi phạm quy chế của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012 (đã đăng ký kết hôn mà cố ý gian dối để đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi).
Vi phạm rõ ràng nhưng khó xử phạt?
Công văn số 263 cũng được gửi đến đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt yêu cầu đơn vị này khẩn trương có biện pháp xử lý đối với HH Diễm Hương theo quy định tại Đề án tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010.
Trong khi đó, đơn vị này đã từng 2 lần gửi công văn đến Cục NTBD đề nghị hướng dẫn hình thức xử lý sai phạm của Hoa hậu Diễm Hương. Trong công văn mới nhất gửi ngày 1/ 4 cho biết họ đã rà soát lại Đề án tổ chức cuộc thi đã được Bộ phê duyệt, tuy nhiên, trong Đề án lại không quy định cụ thể các hình thức kỷ luật mà BTC/Đơn vị tổ chức cuộc thi được quyền áp dụng khi thí sinh có vi phạm.
Bên cạnh đó, công văn cũng nêu rõ, Nghị định 79 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu thay thế cho Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp ban hành kèm theo Quyết định số 87 của Bộ VHTT& DL) lại cũng không qui định các hình thức kỷ luật và thủ tục kỷ luật mà BTC/Đơn vị tổ chức có thể áp dụng đối với các thí sinh vi phạm.
Như vậy là không chỉ Cục NTBD không có căn cứ pháp lý để xử phạt Diễm Hương mà Đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt là Công ty Cổ phần Vinpearl cũng khẳng định mình không có căn cứ pháp lý nào để xử phạt Diễm Hương.
Cục NTBD cứ liên tiếp gửi công văn thúc giục Đơn vị tổ chức cuộc thi, và đơn vị này cũng liên tiếp gửi công văn phúc đáp trả lời rằng mình không đủ cơ sở pháp lý để xử phạt.
Vậy là cho dù các bên đã có đầy đủ bằng chứng về vi phạm của Hoa hậu, Diễm Hương cũng đã có tờ trình thừa nhận sai phạm của mình và cam kết sẵn sàng chịu mọi hình thức xử phạt, nhưng sự thiếu chặt chẽ của văn bản qui phạm pháp luật đã khiến cho các cơ quan liên quan không thể tiến hành các thủ tục xử lý cần thiết. Một vi phạm mười mươi, không thể không xử, nhưng xử thế nào cho đúng hoá ra... lại không phải chuyện dễ dàng./.
>> Khi cây gậy quản lý thiếu cơ sở... pháp lý